Đây là số liệu mà Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) công bố trong Báo cáo kinh tế xã hội 2 tháng đầu năm, diễn ra sáng nay 1.3.
Tết Nguyên đán CPItăng mạnh
Tổng cục Thống kê vừa có báo cáochỉ số giá tiêu dùng(CPI), theo đó, tháng 2.2018 CPI tăng 0,73% so với tháng trước, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,24% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 2tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,9%.
Công bố cho thấy có 9/11 nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá trong tháng 2 gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,53%; Giao thông tăng 0,79%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,75%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,74%; Văn hóa, giải trí và du lịchtăng 0,72%; Thiết bị và đồ dùng gia đìnhtăng 0,27%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,2%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%; Giáo dục tăng 0,02%.
Chỉ có hai nhóm hàng giảm là: Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,09%,Bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Theo Tổng cục Thống kê, do Tết Nguyên đán năm nay rơi vào tháng 2 nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Đây chính là nguyên nhân đẩyCPItháng 2 tăng mạnh.
Ngoài giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống tăng cao từ nhu cầu phục vụ Tết, giáđiện sinh hoạt tăng 1,31% do nhu cầu sử dụng điện tháng tết tăng cao làm tăng CPI chung 0,03%.
Giá dịch vụ giao thôngcông cộng tăng 3,34% do một số đơn vị kê khai tăng giá chiều đông khách dịp tết từ 20-60% so với giá vé bán ngày thường nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều vắng khách.
Đặc biệt, thời gian nghỉ tết dài ngày nên nhu cầu du lịch tăng cao dẫn tới chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 0,7% so với tháng trước.
Về giá vàng, bình quân tháng 2.2018 giá vàng trong nước tăng 1,83% so với tháng trước. Nguyên nhân là trong tháng có ngày vía Thần tài nên nhu cầu mua vàng tăng, đẩy giá vàng lên cao trong ngày này. Còn giá đồng USD trong nước ổn định, giá bình quân ở thị trường tự do tháng này ở quanh mức 22.740 VNĐ/USD.
Tổng cục Thống kê cũng cho biếtlạm phátcơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 2.2018 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 2, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chỉ đạt 13,4 tỉ USD, giảm 33,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 3,76 tỉ USD, giảm 36,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 9,6 tỉ USD, giảm 32,7%.
Nguyên nhân là hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch giảm nhiều so với tháng trước. Cụ thể, gạo giảm 27,3%; hàng dệt may và phương tiện vận tải, phụ tùng cùng giảm 27,7%; điện thoại và linh kiện giảm 31,4%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 32,4%; thủy sản giảm 37,3%...
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2 năm nay tăng 2,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 5,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 1,4%.
Tính chung 2 tháng đầu năm,kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 33,6 tỉ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,6 tỉ USD, tăng 25,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,96 tỉ USD, tăng 21,8%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 2 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,2 tỉ USD, tăng 64,8% so với cùng kỳ năm trước; Mỹlà thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với 6 tỉ USD, tăng 14%; tiếp đến là EU đạt 5,8 tỉ USD, tăng 15%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 32,54 tỉ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 13,3 tỉ USD, tăng 16,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,2 tỉ USD, tăng 14,5%.
Tính chung 2 tháng đầu năm xuất siêu 1,08 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,68 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,76 tỉ USD.
Chỉ số công nghiệp Hà Tĩnh tăng 164% nhờ Formosa
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20.2.2018 thu hút 411 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1,3 tỉ USD, tăng 31,3% về số dự án và giảm 31,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 133 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 700,3 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 2 tháng đạt 2 tỉ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 1,7 tỉ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Cả nước có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 2 tháng đầu năm, trong đó Ninh Thuận có số vốn đăng ký lớn nhất với 253,9 triệu USD, chiếm 18,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bình Dương 224,7 triệu USD, chiếm 16,2%... Bên cạnh đó, Singapore là quốc gia đầu tư lớn nhất vào ViệtNam trong 2 tháng qua.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2018 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều tăng so với cùng kỳ nămtrước. Đặc biệt, riêng Hà Tĩnh tăng tới 164,4% do có sự đóng góp của Tập đoàn Formosa.
Hoài Phong