Không chỉ cất lều trên đường vào dự án điện gió để cản trở nhà thầu chở thiết bị vào công trường, một số người còn hành hung lực lượng thi công.

Nhiều người của nhà thầu điện gió ở Sóc Trăng bị đánh, chém

Hàm Yên | 25/03/2022, 11:41

Không chỉ cất lều trên đường vào dự án điện gió để cản trở nhà thầu chở thiết bị vào công trường, một số người còn hành hung lực lượng thi công.

Ngày 25.3, Công an thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng làm việc với một số người để điều tra hành vi của nghi can gây thương tích cho ông Nguyễn Văn Bạn (40 tuổi, công nhân Công ty cổ phần Tập đoàn IPC) tại cống B1, xã Vĩnh Hải vào ngày 23.3.

2.jpg
Cánh quạt điện gió được nhà thầu đưa vào công trường để chờ gắn lên trụ - Ảnh: Hàm Yên

Ngoài ông Bạn, ông Lê Quốc Hùng (39 tuổi, Phó ban quản lý dự án Nhà máy Điện gió Lạc Hòa 2) cũng bị một số người ở xã Vĩnh Hải dùng hung khí đánh gây thương tích chân phải vào ngày 21.3. Người đánh ông Hùng được cơ quan điều tra xác định là Tăng Minh Hùng (43 tuổi).

Ông Lê Quốc Hùng cho biết Công ty cổ phần Tập đoàn IPC là tổng thầu của Nhà máy Điện gió Lạc Hòa 2. Giai đoạn 1 của dự án này gồm 40 tua bin điện gió tại xã Lạc Hòa và Vĩnh Hải.

Hôm 21.3, ông Hùng đến cống B1 để ghi hình ảnh một số người cất lều, không cho xe chở thiết bị điện gió vào công trình thì bị Tăng Minh Hùng hành hung. Ngày 23.3, ông Bạn đi qua khu vực này thì bị một người lạ mặt dùng dao chém vào cổ. Ông Bạn tránh né nên con dao trúng bàn tay trái.

“Từ khi nhà thầu thực hiện dự án từ tháng 3.2021 đến nay, lực lượng thi công tại xã Hòa Đông 2 có 6 người bị thương vì bị người lạ mặt đánh, chém, ném đá… Công nhân viên bên dự án Lạc Hòa 2 có 8 người bị đâm, chém nhưng thương tích nhẹ”, ông Lê Quốc Hùng nói.

1.jpg
Ông Nguyễn Văn Bạn bị người lạ chém gây thương tích ngày 23.3 - Ảnh: Hàm Yên

Trong đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng, Phó giám đốc dự án Nhà máy Điện gió Lạc Hòa 2 Cao Nguyên Cường cho rằng tổng thầu IPC đang gấp rút hoàn thành dự án theo tiến độ của chủ đầu tư để sớm thử nghiệm và vận hành. Tuy nhiên, trên công trường đang xảy ra tình trạng mất an ninh rất nghiêm trọng, gây hoang mang cho toàn bộ lực lượng của nhà thầu.

“Chúng tôi đưa thiết bị lên 3 xe nhưng từ ngày 17.3 đến nay, xe chưa chạy vào công trường được vì bị bà con cản trở. Mỗi ngày thi công chậm, chúng tôi thiệt hại đến 1,8 tỉ đồng tiền thuê thiết bị chuyên dùng để thi công trụ tua bin điện gió”, ông Cường nói.

Hồi cuối tháng 2, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cùng các thành viên của tổ công tác đặc biệt đã khảo sát, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc tại các dự án điện gió tại thị xã Vĩnh Châu. Theo báo cáo của địa phương, tại một số dự án điện gió xảy ra tình trạng người dân yêu cầu tiền bồi thường cao gấp 4 - 19 lần so với quy định.

Đại diện nhà thầu thì cho biết khi đơn vị thi công nâng cánh quạt lên cao để lắp vào trụ, nhiều người dân đòi hỗ trợ tiền khu vực cánh quạt đi qua. Để đảm bảo tiến độ của dự án, nhà thầu đồng ý hỗ trợ từ 5 - 15 triệu đồng nhưng người dân không đồng ý, đòi hỗ trợ vài trăm triệu đồng, rồi cắm cọc, chăng dây gây cản trở thi công.

Ông Trần Văn Lâu chỉ đạo tổ công tác đặc biệt của tỉnh kết hợp với nhà thầu, chủ đầu tư và địa phương giải quyết dứt điểm từng “nút thắt” tại các dự án điện gió. Việc nào người dân yêu cầu phù hợp phải giải quyết, nếu không đúng thì làm rõ, yêu cầu người dân chấp hành.

3-1.jpg
Người dân cất lều tại cống B1, giăng dây không cho ô tô chạy qua vào chiều 22.3 - Ảnh: Hàm Yên

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, khi nào người dân yêu cầu hỗ trợ không hợp lý thì đơn vị thi công báo ngay với UBND thị xã Vĩnh Châu để cùng nhau tháo gỡ.

“Chính quyền địa phương phải làm tốt công tác dân vận, giải thích cho người dân hiểu về các dự án điện gió nhằm mục đích phục vụ quốc gia. Tăng cường tập huấn cho tuyên tuyền viên, làm cho người dân thay đổi tư duy bằng những giải pháp tích cực”, ông Lâu nhấn mạnh.

Đối với nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị các doanh nghiệp không được tự thỏa thuận với người dân về việc đền bù, hỗ trợ mà phải thông qua chính quyền địa phương. Đặc biệt là các chủ dự án phải gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, đối thoại với người dân để không phát sinh thêm vướng mắc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều người của nhà thầu điện gió ở Sóc Trăng bị đánh, chém