Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và kiến nghị tăng thu thêm 1.753 tỉ đồng.

Nhiều sai phạm trong việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại ACV

tuyetnhung | 15/05/2018, 05:54

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và kiến nghị tăng thu thêm 1.753 tỉ đồng.

Cụ thể, KTNN cho biết việc trích khấu hao tài sản khi chuyển sang công ty cổ phần theo thời gian tối thiểu tuy phù hợp với khung thời gian quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, song điều này đã làm giảm lợi nhuận giai đoạn công ty nhà nước, giảm giá trị tài sản cố định bàn giao cho công ty cổ phần với số tiền lớn. Chỉ tính trên các tài sản có nguyên giá từ 10 tỉ đồng trở lên, chênh lệch mức khấu hao đơn vị đã trích cao hơn so với mức trích khấu hao theo thời gian tối đa là 1.329 tỉ đồng, so với mức khấu hao theo thời gian trung bình là 872 tỉ đồng.

Cũng theo kết quả kiểm toán, việc phân loại tài sản thuộc khu bay bàn giao cho Nhà nước và tài sản tại Công ty mẹ chưa phù hợp, KTNN đã điều chỉnh giảm giá trị tài sản thuộc khu bay bàn giao cho Nhà nước số tiền hơn 110 tỉ đồng. Xác định loại tài sản đối với hệ thống cung cấp nhiên liệu cho máy bay thuộc dự án Nhà ga hành khách T2 Nội Bài cũng chưa phù hợp, dẫn đến áp dụng khung thời gian khấu hao chưa phù hợp, sau khi KTNN xác định lại đã xác định giảm số khấu hao 274 tỉ đồng so với đơn vị đã trích từ khi sử dụng.

Đối với những nội dung đã ngoại trừ khi xác nhận số liệu báo cáo tài chính hợp nhất của ACV, KTNN cũng nêu lên một số vấn đề ảnh hưởng đến chỉ tiêu nguyên giá và giá trị hao mòn tài sản cố định hữu hình, giá trị tài sản khu bay bàn giao cho Nhà nước, chi phí trả trước dài hạn từ ngày 31.3.2016 đến ngày 31.12.2016, chi phí khấu hao tài sản cố định hữu hình năm 2016.

Cụ thể, toàn bộ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 cảng Hàng không quốc tế Nội Bài theo phương án 632,6 tỉ đồng được Công ty mẹ hạch toán vào nguyên giá tài sản cố định hữu hình Nhà ga hành khách T2 Cảng HKQT Nội Bài, không ghi nhận là chi phí trả trước dài hạn để phân bổ; số đã trích khấu hao đến ngày 31.12.2016 là 60,1 tỉ đồng.

KTNN không điều chỉnh giảm nguyên giá tài sản cố định và giá trị hao mòn lũy kế để ghi nhận chi phí trả trước dài hạn cũng như không hủy bút toán ghi nhận chi phí đền bù 632,6 tỉ đồng, do theo giải trình của Công ty mẹ, đơn vị đang ứng trước cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn 239,9 tỉ đồng và chưa được NSNN thanh toán. Số tiền 387,8 tỉ đồng mà ngân sách trung ương chuyển cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn để chi đền bù giải phóng mặt bằng, đơn vị đã hạch toán nhận vốn đầu tư xây dựng cơ bản do Nhà nước cấp (trong đó hạch toán nhận vốn trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là 374,8 tỉ đồng), do đó đơn vị sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết số tiền chi đền bù đơn vị đã ứng trước 239,9 tỉ đồng và số tiền đơn vị đã hạch toán nhận vốn do Nhà nước cấp 387,8 tỉ đồng

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, Công ty mẹ chưa thực hiện nộp 759 tỉđồng các khoản thu từ cổ phần hóa Công ty mẹ về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp. Qua kiểm toán, KTNN điều chỉnh việc phân loại giữa tài sản giao Công ty mẹ và tài sản thuộc khu bay bàn giao cho Nhà nước, điều chỉnh tăng lợi nhuận giai đoạn công ty nhà nước dẫn đến tăng thêm số phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp 165 tỉ đồng (Công ty mẹ).

Đến thời điểm kết thúc kiểm toán (2.6.2017) do chưa có cơ chế quản lý, khai thác tài sản thuộc khu bay nên Công ty mẹ tiếp tục quản lý, khai thác cho hoạt động phục vụ ngành hàng không. Theo Báo cáo tài chính của Công ty mẹ cho niên độ từ ngày 1.4.2016 đến ngày 31.12.2016 được lập vào ngày 6.6.2017, doanh thu và chi phí liên quan đến hoạt động tại khu bay được tách riêng và chênh lệch doanh thu lớn hơn chi phí của khu bay là 600 tỉ đồng, hiện đơn vị đang quản lý nguồn thu này.

Theo đó, KTNN kiến nghị Tổng Công ty nộp và chỉ đạo người đại diện phần vốn tại các công ty con và các công ty liên kết được kiểm toán thực hiện nộp NSNN và Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN các khoản do KTNN xác định tăng thêm hơn 1.753 tỉ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu cụ thể gồm: Thuế Giá trị gia tăng 805 triệu đồng; Thuế Thu nhập DN 95,1 tỉđồng; tiền thuê đất 5,4 tỉđồng; lợi nhuận sau phân phối 128 tỉđồng; tiền chênh lệch thu - chi của hoạt động khu bay 600 tỉđồng; đồng thời, nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN 923,8 tỉđồng.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
12 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều sai phạm trong việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại ACV