Nhiều trường tiểu học tại TP.HCM đã lùi giờ vào học sau rất nhiều phản ánh của phụ huynh.

Nhiều trường tiểu học ở TP.HCM bắt đầu lùi giờ vào học sau phản ánh của phụ huynh

Tú Viên (Tổng hợp) | 24/10/2022, 16:41

Nhiều trường tiểu học tại TP.HCM đã lùi giờ vào học sau rất nhiều phản ánh của phụ huynh.

Hiện nay, nhiều trường học ở TP.HCM cho học sinh vào học khá sớm (hầu hết là 7 giờ hoặc 7 giờ 15). Nhiều trường yêu cầu học sinh phải có mặt từ lúc 6 giờ 45 khiến học sinh và phụ huynh rất vất vả để đưa con đi học.

Vấn đề này gần đây đã gây ra nhiều tranh cãi. 

Số đông dư luận cho rằng, giờ học này là không hợp lý, do trẻ học quá nhiều, thời gian nghỉ quá ít ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Hoặc giờ học của học sinh tiểu học quá sớm, có trường tổ chức học lúc 7 giờ, thậm chí sớm hơn là 6 giờ 45, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Nhiều em phải thức dậy sớm, ăn bữa sáng vội vàng, thậm chí, không đủ thời gian ăn để kịp giờ vào học.

be-ngu-gat-bi-co-chup-trom-anh-che-bai-loi-dap-tra-cua-ong-bo-khien-co-giao-nguong-mat-cogiaoguianhtrengugattronglop-2-1571211970-776-width640height427.jpeg
Hình ảnh các em ngáp ngủ trong lớp học không hiếm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước - Ảnh: P.V

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lại nói rằng, giờ vào học như trên là hợp lý, phù hợp với đa số phụ huynh hiện nay vừa đi làm vừa đưa con đi học. Trường tổ chức đón trẻ từ 6 giờ 45 phút, nhưng bắt đầu vào học chính thức lúc 7 giờ 15. Thời gian này là hợp lý vì "tôi đưa con đến trường xong còn phải đến công ty điểm danh lúc 7 giờ 30 phút".

Theo lãnh đạo nhiều trường, giờ vào học còn phải tùy thuộc vào từng địa bàn, khu vực. Các trường tập trung ở khu công nghiệp, chế xuất có giờ vào học sớm để phụ huynh kịp đi làm; các khu vực văn phòng, công sở có thể sắp xếp giờ vào học trễ hơn; một số trường giờ học vào sớm còn do vướng chương trình học.

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, cho biết ngay trong sáng 24.10, nhiều trường tiểu học tại quận, tùy theo đặc điểm tình hình đã lùi giờ vào học buổi sáng của học sinh. "Trường một buổi lùi đến 7 giờ 15 phút, còn trường 2 buổi lùi đến 7 giờ 40 phút. Tuy nhiên, trường nào có điều kiện thì chủ động lùi thời gian như trên chứ không phải đồng loạt" - ông Hùng nói.

Theo chỉ đạo của Phòng GD-ĐT quận 12, thời gian tới sẽ có thêm nhiều trường điều chỉnh lùi thời gian vào học.

Tại quận 3, ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho hay, lâu nay quận 3 vẫn thực hiện giờ vào học của học sinh từ 7 giờ 15 đến 7 giờ 30; sắp xếp giờ vào học và ra về lệch giờ, lệch ca để tránh ùn tắc giao thông.

Học sinh vào học quá sớm là vấn đề gây nhiều tranh luận gần đây. Nhiều phụ huynh mong muốn lùi thời gian vào học để con trẻ không quá cập rập, vội vàng mỗi sáng.

Trao đổi với PV, ông Dương Văn Dân - Trưởng Phòng GD-ĐT quận 8 cho biết, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn quận đều cho học sinh vào học lúc 7 giờ 30 và thời gian này là khá phù hợp.

“Với những học sinh học hai buổi/ngày, khi bắt đầu ngày học vào lúc 7 giờ 30, nếu học 4 tiết (tính cả giờ ra chơi) thì phải sau 10 giờ 30 các em mới kết thúc buổi học để chuẩn bị cho việc ăn trưa, nghỉ trưa và làm các công tác khác trước khi vào học buổi chiều lúc 14 giờ. Còn với những học sinh học 1 buổi/ngày thì sẽ học 5 tiết buổi sáng nên cũng sau 11 giờ mới kết thúc buổi học. Lúc đó, các em mới được đưa đón về nhà để ăn trưa, nghỉ ngơi”, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 8 Dương Văn Dân nói về thời khóa biểu của một học sinh tiểu học.

Cũng theo ông Dân, giờ vào học trễ hay sớm so với thói quen đi học của học sinh thì cũng còn lệ thuộc vào phụ huynh bởi có nhiều người đi làm xa thường đưa con đến trường sớm. Với những trường hợp học sinh đến sớm, nhà trường sẽ bố trí giáo viên kỹ năng, hoặc giáo viên thể dục… để quản lý khi các em đến trường nhằm tránh thời gian “chết”, học sinh phải chờ đợi mệt mỏi.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân cho hay, học sinh trên địa bàn quận vào học các khung giờ từ 7 giờ đến 7 giờ 15 và muộn nhất là 7 giờ 30 (tùy trường và tùy bậc học). “Thậm chí 2 trường đối diện nhau cũng phải tính toán lệch giờ vào học, giờ ra về để hạn chế việc ùn tắc ở cổng trường nên chuyện chung giờ học cho các trường là khó thực hiện”, ông Tuyên nhận xét.

images.jpeg
Một em học sinh ngủ ngay trên yên xe khi phụ huynh chở tới trường - Ảnh: P.V

Bà Mai Thị Xuân, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu (quận 12) cho hay, nhà trường bố trí thời gian vào học lúc 7 giờ 15. Từ 7 giờ, trường sẽ cho học sinh tập trung ở sân trường, tập thể dục tập thể. Trong thời gian này, em nào đến muộn thì vẫn được vào trường.

Theo bà Xuân, việc cho học sinh vào học lúc 7 giờ 15 đã có từ lâu và được hầu hết các phụ huynh đồng tình, ủng hộ. Nếu vào học muộn hơn, các em sẽ về muộn. “Chẳng hạn, ở khối tiểu học, mỗi tiết học kéo dài 35 phút, xen lẫn các tiết là 5 phút giải lao và sau 2 tiết đầu sẽ có giờ ra chơi 15 phút. Theo quy định, với các lớp học 2 buổi, các em sẽ học 4 tiết buổi sáng và 3 tiết buổi chiều, còn với lớp học 1 buổi sẽ là 5 tiết buổi sáng (hoặc buổi chiều). Nếu giờ vào học là 7 giờ 15 thì phải sau 11 giờ các em mới tan học. Nếu vào học muộn hơn, các em sẽ mệt mỏi vào buổi trưa”, bà Xuân phân tích.

Cũng theo bà Xuân, giờ vào học sớm hay muộn cũng khó đánh giá vì còn tùy thuộc vào nhu cầu khác nhau của phụ huynh. “Do nhà gần trường, tôi thường đến sớm, có những ngày dù chỉ mới 6 giờ 15 nhưng trong trường đã có học sinh bởi nhiều phụ huynh phải gửi con sớm để đi làm”, bà Xuân chia sẻ thêm.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết, Sở không quy định giờ vào học và giờ ra về của học sinh từ mầm non đến THPT trên địa bàn thành phố. 

Sở giao quyền chủ động cho trường và địa phương tự ấn định giờ vào học và giờ ra về của học sinh trên cơ sở đảm bảo quy định chung, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, đảm bảo sức khỏe học sinh và hạn chế ảnh hưởng giao thông, phù hợp với thời gian làm việc của phụ huynh.

Ngoài ra, Sở yêu cầu các địa phương, đơn vị căn cứ trên kế hoạch triển khai giảng dạy của nhà trường, không ấn định giờ vào lớp, giờ ra về cùng một thời điểm để tránh ùn tắc giao thông.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều trường tiểu học ở TP.HCM bắt đầu lùi giờ vào học sau phản ánh của phụ huynh