Tối 27.12, Bộ Công an cho biết, tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an năm 2023 được tổ chức chiều cùng ngày tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, nhiều vấn đề dư luận báo chí quan tâm đã được đại diện Công an các đơn vị, địa phương giải đáp.
Thông tin về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tuấn Ân và Công ty Điện lực Bình Thuận, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, căn cứ kết quả điều tra, ngày 26.12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan; khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 17 bị can về 05 tội danh.
Liên quan đến Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB
Đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức có liên quan đến việc phát hành 25 mã trái phiếu với tổng giá trị trên 30.000 tỷ đồng do 04 Công ty phát hành từ năm 2018 đến năm 2020.
Hiện nay, Cơ quan điều tra đang tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, củng cố tài liệu chứng cứ về sai phạm của các đối tượng có liên quan để xem xét hình thức xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp để thu hồi tiền, tài sản để xử lý theo quy định của pháp luật.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã ủy thác điều tra đến Phòng Cảnh sát kinh tế Công an các tỉnh/thành phố trên cả nước để mời người dân lên trình báo, cung cấp thông tin, tài liệu làm căn cứ giải quyết vụ án. Vì vậy, các nhà đầu tư trái phiếu của 25 mã trái phiếu nêu trên cần tích cực hợp tác, phối hợp với Công an các tỉnh/thành phố để làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Các nhà đầu tư trái phiếu cần cảnh giác với các đối tượng có biểu hiện lợi dụng, đưa thông tin sai sự thật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xúi giục biểu tình, tập trung đông người tại các cơ quan, tổ chức có liên quan, gây mất trật tự xã hội.
Ngoài ra, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tướng Thành cũng thông tin, thủ đoạn rửa tiền của bà Trương Mỹ Lan chủ yếu là đầu tư và mua các bất động sản, những thủ đoạn rửa tiền khác cũng đang được điều tra, làm rõ bản chất và sẽ kết luận điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre: Đại diện lãnh đạo Cục An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết, ông Lê Đức Thọ được xác định đã vi phạm trong thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Qua điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan”, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định: Trong thời gian từ cuối năm 2021 đến tháng 4.2022, ông Lê Đức Thọ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và uy tín nhận lợi ích vật chất từ Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil để tác động gây ảnh hưởng với các tổ chức tín dụng tạo thuận lợi cho Công ty Xuyên Việt Oil được cấp hạn mức tín dụng, vay vốn, giải ngân với điều kiện ưu đãi. Ngày 14.12.2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Hiện nay, vụ án này đã khởi tố 7 bị can, trong đó có bị can Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, Bộ Công thương và bị can Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng".
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những kết quả nổi bật của Đề án 06, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội nhấn mạnh: Trong 02 năm qua, Đề án 06 đã mang lại 05 điểm nổi bật mang tính đột phá, khẳng định giá trị và ghi dấu ấn hiệu quả vào sự phát triển của nền kinh tế, xã hội. Cụ thể: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, tài chính khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Hình thành kho dữ liệu về công dân số, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Hành lang pháp lý được hoàn thiện, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi các mặt hoạt động của xã hội và cơ quan Nhà nước từ thủ công sang ứng dụng công nghệ hiện đại; Hỗ trợ tạo lập dữ liệu của các ngành, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, phục vụ chuyển đổi số quốc gia; Trở thành nền tảng dữ liệu quan trọng trong quản lý xã hội, phòng chống hành vi vi phạm pháp luật.
Giải pháp đối với các hành vi xúc phạm, bôi nhọ, tấn công người dùng trên mạng xã hội
Trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp trước việc các hành vi xúc phạm, bôi nhọ, tấn công người dùng trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Đại diện lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp lực lượng chức năng xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Tuy nhiên, hiện nay còn một số khó khăn trong công tác xử lý vi phạm, bởi tính nặc danh của thông tin trên mạng, thậm chí vi phạm đó không chỉ trong nước mà còn có tính quốc tế, xuyên quốc gia. Ngoài ra, một số quy định pháp luật xử lý vấn đề này chưa hoàn thiện.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công an đã và đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp: Tiếp tục tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý để đấu tranh, xử lý với những hành vi xúc phạm danh dự người khác, làm nhục, vu khống trên không gian mạng; phối hợp với các bộ, ban, ngành tăng cường tuyên truyền để người dân nắm vững và tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia mạng xã hội; đồng thời tích cực phản bác các hoạt động bôi nhọ, xuyên tạc của các đối tượng trên không gian mạng; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet ngăn chặn truy cập từ trong nước đối với các trang mạng có nội dung xấu độc; yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ nước ngoài hợp tác thực hiện yêu cầu xử lý thông tin vi phạm pháp luật từ Việt Nam; củng cố tài liệu, chứng cứ để đấu tranh xử lý kịp thời đối với các đối tượng hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước, bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự trên không gian mạng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ có tính chất manh động, liều lĩnh, gây nhiều thương vong cho cán bộ, chiến sĩ: Đại diện lãnh đạo Cục Tổ chức cán bộ cho biết, thời gian qua, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp. Đối tượng chống người thi hành công vụ gồm nhiều thành phần, các đối tượng dùng vũ lực, hung khí, phương tiện giao thông, vũ khí tấn công hoặc kích động, lôi kéo nhiều người tham gia, xảy ra ở nhiều địa phương trong toàn quốc. Năm 2023, toàn quốc xảy ra 366 vụ chống người thi hành công vụ (tăng 27% so với năm 2022). Trong đó có 249 vụ với 327 đối tượng chống lại lực lượng CAND thi hành công vụ (tăng 66,21% số vụ, 16,37% số đối tượng so với năm 2022).
Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương: Triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm chống người thi hành công vụ, nhất là Chỉ thị số 39/CT-TTg ngày 24.10.2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ; Xử lý nghiêm, nhanh chóng điều tra với các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật; Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận, đảm bảo kịp thời, khách quan, trung thực, phản ánh đúng bản chất sự việc, không để các thế lực thù địch, cơ hội và bọn phạm tội lợi dụng kích động, chống đối làm phức tạp tình hình; Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân nói chung và về tội phạm chống người thi hành công vụ nói riêng.
Cảnh báo người dân phòng tránh tội phạm tín dụng đen
Đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát Hình sự thông tin: Thời gian qua, lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, người dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh, các đối tượng đã gia tăng hoạt động tiếp cận, mời chào, dụ dỗ người vay tiền với lãi suất cao, nhất là quảng cáo cho vay qua app, website, mạng xã hội…
Trước tình hình này, Bộ Công an đã phối hợp Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24.8.2023 về tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen; đồng thời mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen từ ngày 15.9.2023 – 14.3.2024 (từ đầu cao điểm đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, khởi tố 306 vụ án/482 bị can liên quan đến tín đụng đen; xử lý hành chính 41 vụ/126 đối tượng).
Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, Bộ Công an sẽ tập trung: Phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; Chỉ đạo Công an các địa phương chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập các tổ công tác liên ngành do lực lượng Công an làm nòng cốt, tiến hành kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm phát hiện, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật; Tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm.
Để chủ động phòng tránh hệ lụy từ tín dụng đen, Bộ Công an khuyến cáo với người dân: Chủ động nâng cao kiến thức sử dụng tài chính cá nhân an toàn, hiệu quả; kỹ năng bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân nhất là trên môi trường mạng; Tham gia, tìm hiểu các chương trình tuyên truyền để nhận biết và cập nhật các phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tín dụng đen; Kịp thời tố giác với cơ quan Công an các hành vi liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản.
Khuyến cáo đối với người dân để chủ động phòng ngừa và hạn chế những hậu quả nghiêm trọng từ pháo
Về khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa và hạn chế những hậu quả nghiêm trọng từ pháo, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, càng gần Tết Nguyên đán, hoạt động mua bán, vận chuyển pháo trái phép ngày càng diễn biến phức tạp và gia tăng, người dân cần thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và pháo; thực hiện nghiêm Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, không thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo. Các hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo trái phép là những hành vi vi phạm pháp luật cần phải được lên án, kịp thời đấu tranh và xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm các quy định về phòng chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, hãy thông báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng pháo là góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vì bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, mừng Đảng, mừng Xuân, đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quy định liên quan nồng độ cồn trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp nhấn mạnh, theo thống kê, phần lớn các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là do người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia. Thời gian qua, Bộ Công an đã tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, theo số liệu thống kê, trong năm vừa qua đã giảm được hơn 1.900 người chết vì tai nạn giao thông. Đây là số liệu làm cơ sở để Ban soạn thảo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội nội dung trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đó là quy định “nồng độ cồn” bằng 0 đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
Cũng liên quan dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết thêm, không quy định xe máy là phương tiện phải gắn camera hành trình, mà quy định cụ thể phương tiện lắp camera hành trình là xe máy chuyên dùng như xe cẩu, xe ủi, xe máy xúc khi tham gia giao thông.
Tiếp tục trả lời về câu hỏi liên quan đến nội dung của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, theo thực tế đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến quy định của Luật này, cho thấy có nhiều đối tượng sử dụng dao lắp thêm cán sắt dài khoảng 1,2m đến 1,5m để gây án, làm cho môi trường an ninh, trật tự của người dân bị đe dọa nghiêm trọng. Việc quy định dao trong nhóm vũ khí thô sơ là một trong những cách để quản lý tốt và điều chỉnh hành vi của người sử dụng dao và trên cơ sở đó hạn chế việc sử dụng công cụ, phương tiện này để chống người thi hành công vụ cũng như là đe dọa đến đời sống an ninh, an toàn của người dân. Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật này, Ban soạn thảo quy định dao trong nhóm vũ khí thô sơ và trong trường hợp sử dụng dao để gây nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của người khác trái pháp luật (nếu chứng minh được) thì cơ quan chức năng sẽ xử lý về hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng để nâng cao tính răn đe và điều chỉnh hành vi trong xã hội đối với việc sử dụng dao.
Với nội dung câu hỏi quy định dao trong nhóm vũ khí thô sơ có ảnh hưởng đến đời sống lao động của người dân hay không, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, dao có tính lưỡng dụng, nếu người dân sử dụng vào lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không vi phạm pháp luật. Nhưng nếu tàng trữ, sử dụng dao vào mục đích vi phạm pháp luật thì dao trở thành đối tượng quản lý là vũ khí thô sơ hoặc nếu sử dụng để gây nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của người khác trái pháp luật thì lúc đó dao là vũ khí quân dụng.