Đó là thời mà Sài Gòn đặc quánh không khí chiến tranh với tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố”, với bóng hỏa châu đêm đêm soi sáng vùng ngoại ô.
Đó là thời mà Sài Gòn đặc quánh không khí chiến tranh với tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố”, với bóng hỏa châu đêm đêm soi sáng vùng ngoại ô. Mậu Thân vừa qua. Và từ xa hơn nữa vọng về đến tận Sài Gòn là thanh âm và hình ảnh sinh viên Paris xuống đường tháng 5.1968, hình ảnh những chiếc xe tăng Liên Xô trên đường phố Prague mùa xuân Tiệp Khắc. Có cái gì đó hòa quyện không tách rời giữa không khí chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh trong văn chương, cà phê và nhạc. Nhạc trong các quán cà phê mà đám sinh viên chúng tôi thường lui tới chủ yếu là nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến, nhạc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương... Với những giọng ca làm mưa làm gió: Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Lê Uyên và Phương... Chính cái sự hòa quyện đó khiến đám sinh viên chúng tôi càng ghiền các quán cà phê nhạc, kể cả những quán cà phê nhạc sâu trong hẻm nhưng nhạc hay, ấm cúng, nhất nữa là có thấp thoáng sau quầy bóng dáng đôi “vai em gầy guộc nhỏ” của cô nàng chủ quán hay cô caissière. Tất nhiên cà phê phải ngon. Như ở cái quán Đỉnh Thiêng trong con hẻm trên đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ), quận Tân Bình mà đám chúng tôi hay kéo vào buổi tối.
Cái lý (hay triết lý) của ly cà phê phin nhỏ từng giọt, từng giọt là uống cà phê không chỉ là uống cà phê. Mà là uống và nhâm nhithời gian. Uống và nhâm nhi cuộc đời, tình bạn, tình yêu. Uống và nhâm nhi nghĩ về cuộc chiến đang diễn ra ngoài kia. Uống và “tám” với bạn bè một chủ đề gì đó, như chiến cuộc, tình trạng đôn quân bắt lính, sự hiện diện của quân đội nước ngoài, hay một triết thuyết mới xuất hiện ở phương Tây, hoặc chỉ đơn giản là chuyện yêu đương của chàng này nàng kia trong đám. Hoặc cũng có khi là uống và nhâm nhi một mình với cuốn sách mang theo mình hay tờ tạp chí nước ngoài mà quán để sẵn cho khách mượn đọc. Như ở cái quán Hân với cô caissière đẹp quý phái trên đường Đinh Tiên Hoàng, khu Đa Kao, không xa trường Văn khoa, mà tôi hay ghé. Hay quán Nắng Mới sát bên Đại học Vạn Hạnh, dưới chân cầu Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ) của một ứng cử viên dân biểu.
Chính ở những cái quán như vậy mà những sinh viên kính cận đã ngồi cả buổi để đọc như nuốt lấy từng trang Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện, nhờ đó mà nhớ mãi những chữ Nada, nada, nada láy đi láy lại của tác giả trong bài viết về Hemingway và tác phẩm Chuông nguyện hồn ai. Hay đọc Dịch hạch, Người xa lạ của Camus, Khung cửa hẹp của Gide, hay Buồn nôn, Gái đ... đáng kính của Sartre, Tội ác và trừng phạt của Dostoievski... (sách dịch hay sách Livre de poche mua ở nhà sách Xuân Thu hay Liên Châu) cũng ở những quán đó, thay vì trong những căn phòng trọ sát dưới mái tôn, nóng bức, chỉ để chui vào ngủ lúc đêm về.