Buổi sáng, bất chợt nhận ra cơn gió lạ tràn qua ô cửa mở, ngọn gió ban mai hiếm hoi của Sài Gòn trong những ngày tất bật cuối năm. Tôi cảm nhận trong gió có cái gì đó thật quen thuộc, thật gần gũi mà lại như xưa lắc xưa lơ. Hình như chướng đã về rồi.
Trong tôi, nỗi nhớ cũng tràn về. Nỗi nhớ của một người xa quê luôn được giấu kỹ đằng sau những lo toan cơm áo. Nỗi nhớ theo thời gian ngày mỗi lớn thêm nhưng không còn cồn cào, quýnh quáng, mới mẻ như ngày nào mà trở nên đằm thắm lắng sâu và dai dẳng. Trong cơ man nỗi nhớ, không dưng tôi cồn cào nhớ Tết quê nhà.
Tết quê tôi thường bắt đầu từ ngày đưa ông Táo về trời – hai mươi ba tháng Chạp. Năm nào cũng vậy, từ chiều hôm trước, ba tôi thường mang chài ra hồ cá chép chài lên một mớ, chia bà con hàng xóm mang về cho ông táo cưỡi đi chầu trời. Tôi còn nhớ ba tôi quăng chài rất điệu nghệ, miệng chài xoay tròn chụp xuống mặt nước rồi từ từ chìm xuống, sau khi giũ nhẹ mấy cái cho miệng chài gom lại, ba thong thả kéo chài lên, những con cá chép vàng óng ánh mắc kẹt trong chài, ra sức giãy đành đạch. Chị em tôi tranh nhau gỡ cá cho vào thau.
Nhưng nôn nao nhất vẫn là chờ đến hai bảy, hai tám tết ba tôi tháo đập. Nước vừa giựt ròng, cả xóm kéo nhau đi như một đội quân ra trận. Là chủ đập, nhưng ba tôi vẫn thường hay căn dặn cả nhà “bắt sơ sơ thôi, được bao nhiêu thì được, mình bắt kỹ quá, còn gì đâu cho người ta bắt hôi”. Riêng tôi, mặc dù đập nhà nhưng tôi thích cùng lũ bạn đi đằng sau bắt hôi cá hơn. Bắt hôi cá là niềm vui của bọn trẻ nhà quê miền sông nước chúng tôi mỗi năm Tết đến.
Niềm vui không kém gì được đi chợ Tết. Gà vừa hiệp nhứt đã nghe tiếng chèo khua nước lõm bõm, tiếng mái dầm va vào be xuồng kêu lộp bộp, tiếng người gọi nhau í ới, tiếng kèn tu tu thúc giục quýnh quáng của con đò dọc. Trời chưa tỏ, xuồng ghe đã chật cứng cả bến chợ. Chiếc gắng chen vào, chiếc cố quay ra khẳm lừ với đủ thứ hàng hóa, nhộn nhịp, rộn ràng cả một khúc sông.
Khi mấy chị em phụ nữ hoàn tất các món để “ăn tết”, thì cánh đàn ông cũng lo xong phần “chơi tết”. Cội mai già lặc lè những nụ vừa bung vỏ lụa chực nở đúng giao thừa. Sắc đỏ rực rỡ của mào gà, trạng nguyên xen lẫn với màu vàng tươi của vạn thọ, cúc tần lung linh trong những sợi nắng vàng như mật rót
Thế là đất trời lộng lẫy vào xuân.
Trong mâm cơm rước ông bà chiều ba mươi Tết, tất cả các món ăn có trong nhà đều được bày hết lên mỗi thứ một ít như một minh chứng cho sự ấm no sung túc của gia đình. Trong đó, không thể thiếu món khổ qua hầm. Má tôi nói: hết năm, mọi người ai cũng phải ăn cho… “khổ nó qua đi”, năm tới sẽ được sung sướng. Vậy mà suốt mấy chục năm, trên mâm cơm chiều ba mươi nào, tôi cũng thấy có món khổ qua hầm ngon ơi là ngon của má. Ba tôi khăn áo chỉnh tề, trong phảng phất hương trầm, trịnh trọng rước tổ tiên ông bà về sum vầy cùng con cháu. Kể từ giây phút đó, không ai bảo ai, cứ hễ thấy lượt nhang này sắp tàn là lại thắp thêm một lượt nhang mới. Suốt đêm ba mươi trên bàn thờ gia tiên lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Đó là nơi linh thiêng nhất trong mỗi gia đình người Việt Nam nhất là trong ba ngày tết. Gian thờ luôn được ưu tiên quét dọn trang hoàng rực rỡ nhất, trang trọng nhất trong ngày đầu năm mới. Mọi người tắm gội sạch sẽ thơm tho mặc bộ áo mới nhất quây quần bên nhau náo nức đợi chờ thời khắc giao thừa.
Sau khi con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ thì cùng kéo nhau đi chùa lễ Phật. Ngôi chùa nằm ngó mặt ra con sông lồng lộng gió. Trong đêm trừ tịch, từng hồi chuông ngân nga trôi trên mặt nước sông đầy luôn dội vào lòng tôi những nỗi niềm khó tả. Ngoài cội bồ đề ở giữa sân, rất nhiều bụi nguyệt quế được nhà chùa trồng dọc theo hai bên con đường nhỏ dẫn vào cổng chùa dành để hái lộc. Không ai bảo ai, mọi người cẩn trọng hái cho mình một bông hoa nguyệt quế bé xíu, nhẹ nhàng để cây không bị gảy cành, trụi lá. Nụ hoa dễ thương giống hình giọt nước trắng ngần, theo tôi vào trong giấc ngủ thom tho. Không biết bây giờ những bụi nguyệt quế ấy vẫn còn sum sê hay đã già nua cằn cỗi.
Giờ đây, ở chốn “phồn hoa đô hội”, chỉ cần một “phiên siêu thị” là đã có đầy đủ tất cả món ăn ngày Tết. Thảnh thơi quá, nhiều lúc tôi đâm buồn ngang. Tôi tiếc những ngày chuẩn bị ăn Tết bận rộn bù đầu bù cổ. Tôi nhớ mùi khói bếp, nhớ tiếng củi cháy lách cách bên dưới nồi bánh tét trong đêm ba mươi, nhớ những đòn bánh vừa được vớt ra, nghi ngút khói, thơm nứt mùi lá chín. Tôi nhớ má ngồi nướng bánh phồng. Bên đống lửa rơm, bóng má lung linh, hai tay thoăn thoắt giũ bánh. Những cái bánh phồng nếp qua bàn tay khéo léo của má nở bung ra bằng chiếc mâm thau, vàng rượm, bỏ một miếng vào miệng, bánh tan dần thanh thao đầu lưỡi. Nhớ cả lũ học trò sáng mùng ba Tết kéo nhau tới “tết thầy” ríu rít. Lũ học trò ngày nào chắc giờ có đứa tóc đã phai xanh.
Tôi ngẩn ngơ thấy mình như một kẻ lạc thời, xưa cũ!
Cát Tường