Luật sư Đặng Văn Cường cho biết hình phạt cao nhất của hành vi nhận hối lộ có thể tù chung thân hoặc tử hình. Còn hành vi đưa hối lộ có hình phạt cao nhất đến 20 năm tù.

Nhóm người ‘làm luật’ cho xe qua cửa khẩu Lạng Sơn đối mặt khung hình phạt nào?

Lam Thanh | 17/01/2022, 15:41

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết hình phạt cao nhất của hành vi nhận hối lộ có thể tù chung thân hoặc tử hình. Còn hành vi đưa hối lộ có hình phạt cao nhất đến 20 năm tù.

Công an tỉnh Lạng Sơn mới đây đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Đinh Văn Thìn (44 tuổi, trú xã Mai Pha, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) để làm rõ hành vi “đưa hối lộ”; Lâm Văn Hưởng (39 tuổi) và Nông Tuấn Anh (30 tuổi), đều là cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) cùng về hành vi “nhận hối lộ”.

Công an tỉnh Lạng Sơn xác định Thìn là một “cò mồi” xuất nhập khẩu ở biên giới Việt - Trung đã lợi dụng tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, xe tải đỗ dài ngày ở các bãi kiểm hóa, trung chuyển… để móc nối với Hưởng và Tuấn Anh, những người làm nhiệm vụ phát phiếu thứ tự tại bãi trung chuyển hàng hóa Bản Liếp (xã Phú Xá, huyện Cao Lộc), để thực hiện việc bán chỗ, ưu tiên cho những xe đi trước.

Nhóm bị can này tìm những xe đã được cấp phiếu xếp xe xuất khẩu hàng hóa nhưng do hàng bị hỏng hoặc tự quay đầu bỏ chỗ để đưa những xe mới đến thay vào với giá từ 100 - 300 triệu đồng/xe tùy loại. Bước đầu, Công an tỉnh Lạng Sơn đã làm rõ nhóm bị can thu lợi bất chính hơn 500 triệu đồng.

lang-son.jpg
Lợi dụng tình hình ùn tắc tại cửa khẩu, một số cán bộ nhận tiền để bán chỗ, ưu tiên cho xe đi trước

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng việc cơ quan điều tra khởi tố, xử lý đối với một số đối tượng về hành vi mua bán "lốt" xe tại cửa khẩu là cần thiết để đảm bảo công bằng cho các lái xe, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, hành vi dùng tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất để yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của mình là hành vi đưa hối lộ. Còn người có chức vụ quyền hạn, nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người khác để làm hoặc không làm một công việc thuộc nhiệm vụ quyền hạn của mình vì lợi ích của người đã đưa hối lộ thì đó là hành vi nhận hối lộ. Cả hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ đều là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý với chế tài nghiêm khắc.

Ông Cường cho biết hình phạt cao nhất của hành vi nhận hối lộ có thể tù chung thân hoặc tử hình. Còn hành vi đưa hối lộ có hình phạt cao nhất đến 20 năm tù.

“Để kết tội những người này về tội nhận hối lộ thì cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh người đã nhận tiền của các lái xe là người có chức vụ, có quyền hạn trong việc bố trí vị trí đỗ xe cho các lái xe trước khi thông quan. Lợi dụng chức vụ quyền hạn đó, những người này đã nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền là xếp vị trí cho những xe đó được làm thủ tục trước để xuất khẩu. Hành vi này là vi phạm pháp luật, vi phạm tính đúng đắn trong hoạt động quản lý nhà nước, gây bất bình đẳng trong xã hội, bức xúc trong dư luận”, ông Cường nhấn mạnh.

Do đó, luật sư Cường cho rằng trong trường hợp chứng minh được những yếu tố trên thì xử lý những người nhận tiền về tội nhận hối lộ là có căn cứ. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền nhận hối lộ là bao nhiêu, nhận của những ai và nhận bao nhiêu lần. Tình tiết phạm tội nhiều lần có thể được áp dụng trong vụ án này.

Luật sư Cường cũng cần lưu ý là người nhận hối lộ không chỉ là người có chức vụ, không chỉ là công chức, lãnh đạo mà còn là những người khác khi họ có quyền hạn, được giao thẩm quyền thực hiện các công việc liên quan đến quản lý an ninh trật tự, quản lý hành chính... Nhưng họ đã lợi dụng chức vụ hoặc quyền hạn của mình để nhận tiền, nhận lợi ích vật chất hoặc phi vật chất của người khác để làm hoặc không làm công việc vì lợi ích của người đưa hối lộ.

Như vậy, theo ông Cường, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy nhóm người này đã nhận hối lộ từ 2 lần trở lên hoặc hành vi được xác định là lạm dụng chức vụ quyền hạn thì khung hình phạt tối thiểu là phạt tù từ 7 - 15 năm. Còn trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 500.000 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng thì hình phạt có thể tới 20 năm tù. Trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 1 tỉ đồng trở lên thì người nhận hối lộ sẽ bị xử lý trong khung cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.

“Đây là chế tài rất nghiêm khắc của hành vi nhận hối lộ để răn đe, phòng ngừa đối với người có chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hành vi nhận hối lộ làm suy thoái đạo đức cán bộ, làm giảm sút uy tín, niềm tin của người dân đối với chính quyền và phát sinh những hệ lụy, tiêu cực, bất bình đẳng trong xã hội. Bởi vậy tội nhận hối lộ là một trong những tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng có mức hình phạt cao nhất là tử hình”, ông Cường nêu rõ.

lang-son-2.png
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp

Cũng theo ông Cường, người đưa hối lộ sẽ bị xử lý hình sự có thể tới 20 năm tù, trừ một số trường hợp hành vi đưa hối lộ là bị ép buộc và đã chủ động khai báo với cơ quan điều tra. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ tiền của đã dùng để đưa hối lộ.

“Hành vi đưa hối lộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hóa biến chất”, ông Cường nêu.

Luật sư Cường cho rằng đưa hối lộ là nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã, suy thoái của người có chức vụ, quyền hạn, gây ra bất công bằng trong xã hội, bởi vậy hành vi đưa hối lộ là hành vi nguy hiểm và phải bị pháp luật xử lý nghiêm khắc.

“Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay, chính sách về xuất khẩu Việt Nam và Trung Quốc có những điểm khác nhau nên nông sản Việt không xuất sang được Trung Quốc theo đúng thời hạn là chuyện thường xuyên diễn ra. Lợi dụng tình hình dịch bệnh, lợi dụng chính sách về xuất khẩu và nhiệm vụ được giao như vậy nên một số người đã trục lợi. Do đó, việc cơ quan điều tra phát hiện, xử lý những trường hợp như vừa qua là kịp thời, cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội”, ông Cường nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhóm người ‘làm luật’ cho xe qua cửa khẩu Lạng Sơn đối mặt khung hình phạt nào?