Hiện nay, nông dân ở vùng đất lúa – tôm ở TP.Cà Mau và các huyện Thới Bình, U Minh, Cái Nước… của tỉnh Cà Mau đã hoàn thiện khâu cải tạo đất và đang tất bật tiến hành gieo sạ hoặc cấy lúa (cây mạ non) trên toàn diện tích canh tác của mình.

Nhộn nhịp mùa gieo cấy lúa trên đất tôm ở Cà Mau

Trần Khải | 17/09/2022, 10:47

Hiện nay, nông dân ở vùng đất lúa – tôm ở TP.Cà Mau và các huyện Thới Bình, U Minh, Cái Nước… của tỉnh Cà Mau đã hoàn thiện khâu cải tạo đất và đang tất bật tiến hành gieo sạ hoặc cấy lúa (cây mạ non) trên toàn diện tích canh tác của mình.

Mới tờ mờ sáng, vợ chồng anh Công Trường, ngụ TP.Cà Mau đã vội vàng thức dậy để chuẩn bị ra đồng cấy lúa. Anh Trường có 5 công đất (0,5ha), từ cuối tháng 6 âm lịch hằng năm, anh Trường cũng như hàng trăm hộ có đất ở địa phương bắt đầu tháo nước vuông tôm, phơi đất ao đầm, chờ mưa xuống để rửa phèn mặn rồi bón phân lót để tạo sự màu mỡ cho đất trước khi gieo sạ hoặc cấy.

1-nho-ma.jpg

“Nếu ai chọn phương pháp cấy thì vất vả hơn, nhưng đổi lại những ngày sau đó mình nhàn rỗi hơn. Bởi nếu gieo sạ thì trong thời gian chờ hạt lúa nảy mầm, nếu có mưa lớn thì mình phải canh đồng, túc trực để bơm nước ra bên ngoài. Còn cấy mạ non thì không cần phải tỉ mẩn, vốn dĩ cây mạ đã phát triển có độ cao nhất định rồi nên công chăm sóc vì thế cũng đỡ vất vả hơn. Nói chung hình thức gieo sạ hoặc cấy mạ non gì thì cũng có nỗi nhọc nhằn riêng. Mình chăm bẵm tốt thì chất lượng cây lúa phát triển tốt và cho năng suất cao”, anh Trường nói.

2-nho-ma.jpg

Theo người dân địa phương, để vụ lúa trên đất tôm phát triển thuận lợi, cho năng suất cao thì khâu cải tạo đất rất quan trọng, nếu lơ là khâu này thì dù có gieo trồng thì sớm muộn cây lúa cũng sẽ chết và năng suất sau thu hoạch cũng sẽ rất thấp.

3-nho-ma.jpg

Anh Hoàng Em, ngụ TP.Cà Mau, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, tôi thường tháo nước sớm để phơi đầm, rửa phèn mặn. Khâu này rất quan trọng, nếu làm tốt, năng suất lúa khi thu hoạch sẽ đạt rất cao. Phơi đất càng khô, nứt nẻ thì khi xuống giống gieo sạ sẽ đạt chất lượng cao và ngược lại”.

4-nho-ma.jpg

Việc gieo sạ trên đất tôm có vai trò rất quan trọng đối với việc nuôi tôm. Sau khi thu hoạch, phần gốc rạ của lúa sẽ là nơi sản sinh chất dinh dưỡng, tạo nguồn thức ăn dồi dào cho tôm nuôi. Nếu gieo sạ lúa trên đất tôm thì ở vụ mùa kế tiếp, tôm nuôi sẽ sinh trưởng phát triển tốt hơn, lớn nhanh và cho sản lượng cao.

5-nho-ma.jpg

Ông Tư Diệp, một nông dân kỳ cựu trong lĩnh vực lúa tôm ở TP.Cà Mau cho biết: “Tôi nắm rất rõ tính đặc thù của vùng đất này, nếu mình không gieo sạ lúa thì chất lượng tôm nuôi đạt rất thấp. Bởi thế, dù có vất vả nhưng năm nào tôi cũng tranh thủ thì giờ để cải tạo đất, tiến hành cấy lúa. Việc này giúp cho vụ mùa kế tiếp lúc nào cũng trúng nên bà con nông dân thấy được tiện ích đó mà không một ai dám bỏ đất trống”.

6-nho-ma.jpg

Anh Tạ Quang Thiên, ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh thông tin, gia đình anh có 8 công đất đang tiến hành cấy lúa. Hiện nay anh đang thuê người nhổ mạ để cho kịp vụ cấy năm nay. “Thời gian gieo lúa giống cho đến nhổ mạ là khoảng 1 tháng. Hiện nay do diễn biến thời tiết khó lường và tác động trực tiếp vào sản xuất có thể ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy, thiệt hại về mạ, lúa non nên năm nay mọi người cấy cũng hơi trễ so với mọi năm. Do gia đình ít người nên tôi phải mướn thêm người nhổ mạ”.

7-nho-ma.jpg

Nhân công hiện nay mướn cũng khó, vì thanh niên đa phần đi làm ăn xa và không ai mặn mà với việc đồng áng. Chỉ một số người lớn tuổi mới lựa chọn việc cấy thuê kiếm thêm thu nhập. Giá nhân công được thuê áp dụng cho cả việc nhổ mạ và cấy là 250.000 đồng/công.

9-nho-ma.jpg

Đang hì hục nhổ mạ không thua gì những người đàn ông, khi nghe có phóng viên đến ghi hình, bà Nguyễn Thị Hạnh, ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, vội kéo chiếc khăn rằn quấn trên vai lau vội những giọt mồ hôi trên mặt, rồi bà cho biết: “Hiện nay gia đình cũng không có việc gì làm, đất ít, nên tôi đợi đến khi những người có đất nhiều thuê nhổ mạ cấy là làm liền. Thời điểm này tôi và chồng cùng làm thêm để tăng thu nhập. Công việc đồng áng tuy có cực nhưng vui lắm”.

8-nho-ma.jpg

Chia sẻ về chuyện cấy lúa, ông Hồ Văn Quốc, ngụ xã Nguyễn Phích, tay cầm nắm mạ non, tay cấy, miệng phì phèo khói thuốc vội đứng phắt dậy rồi nói: “Gia đình tôi được 9 công đất làm vuông, năm nào cũng vậy tới mùa cấy là vất vả lắm. Đất này chưa có sạ như những chỗ khác, vì ở đây mình cấy lúa kết hợp nuôi tôm nên người dân cũng ít dùng hóa chất phun xịt cho lúa. Do vậy, cây lúa ở đây cũng ít bệnh, giảm được chi phí thuốc men nên người dân cũng an tâm. Nhìn chung, vụ lúa trên đất tôm luôn đem lại cuộc sống sung túc hơn xưa rất nhiều”.

10-mnho-ma.jpg

Giờ người nông dân đã cách tân những ứng dụng tiên tiến của khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp như dùng máy móc thay cho sức người, sức trâu bò trong khâu cải tạo đất. Khi sạ lúa và phun xịt thuốc đều sử dụng máy móc nên năng suất và sản lượng đạt cao. Khâu đầu tư cũng rút ngắn và giảm thiểu chi phí. Đối với nông dân vùng lúa – tôm họ chỉ dùng máy móc để cải tạo đất, ở khâu gieo sạ lúa, cấy lúa trên đất tôm thì họ vẫn sử dụng phương pháp thủ công và hạn chế việc phun xịt thuốc làm ảnh hưởng đến môi trường nuôi thủy sản.

Bài liên quan
Trao đổi cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Cà Mau
Sáng 24.4, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị “Gặp gỡ doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhộn nhịp mùa gieo cấy lúa trên đất tôm ở Cà Mau