Sao lại chỉ nhức đầu? Covid-19 như trời đánh, làm choáng váng ngành du lịch và xây xẩm các ngành nông nghiệp, vận chuyển, dịch vụ, công thương. Đến cả sản xuất và giáo dục còn bị vạ lây.
Bất ngờ, lạnh lùng và tàn nhẫn, Covid-19 không mời mà tới, tàn phá kinh tế các nước, không có biệt lệ. Có doanh nghiệp chuyên thị trường Trung Quốc, không chỉ bất tỉnh mà còn chết lâm sàng, có trường hợp chết luôn như đột quỵ.
Nếu chỉ nhức đầu bình thường thì quá nhẹ, chỉ cần uống thuốc cảm hay cạo gió. Nhức đầu ở đây là do thông tin và cách hành xử của các đơn vị quản lý, dù chỉ đọc báo và mạng chính thống. Nếu vào mạng xã hội, thì thông tin chẳng biết thực hư thế nào.
Covid-19 gây tổn thất nặng nề, mức độ khác nhau tùy ngành và tác động đến cả xã hội vì các ngành đều liên đới, thúc đẩy qua lại. Ngày 8.2, Tổng cục Du lịch ước tính thiệt hại của ngành do Covid-19 trong 3 tháng tới từ 5,9 - 7,7 tỉ USD. Ngày 13.2, bộ Kế hoạch Đầu tư công bố thiệt hại của ngành Du lịch Việt Nam đến hết quý II là 2 - 5 tỉ USD. Số liệu sao lại vênh nhau như vậy?
Thanh long và dưa hấu xuất đi Trung Quốc không được, rớt giá thê thảm. Tỉnh Quảng Nam và một số địa phương kêu gọi mọi người chung tay giải cứu và thu được những kết quả nhất định. Sao không nghe tỉnh thành nào hành xử tương tự với du lịch? Ngày 13.2, Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã gửi thư đến bạn bè và các đối tác nước ngoài, khẳng định “Du khách đến Việt Nam thời điểm này luôn được đảm bảo an toàn, các điểm du lịch vẫn hoạt động bình thường…”.
Tại sao Tổng cục trưởng, thậm chí Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch không gởi tâm thư, kêu gọi người dân chung tay giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn và nhà nước có thêm nguồn thu. Du lịch đang đóng góp 10% doanh thu và 25% lợi nhuận vào ngân sách nhà nước. Tây Nguyên và Tây Nam bộ vốn là vùng trũng của du lịch Việt Nam, dù tiềm năng có thừa. Đây là 2 vùng chưa phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 nào, lại đầy nắng gió, vốn là đối thủ khó chịu của Covid-19.
Lãnh đạo các địa phương có thể nhân thời cơ này, mời gọi du khách đến với những khuyến mãi cụ thể. Giảm giá 20% sản phẩm thực tế, cứ 5 thì tặng 1, từ suất ăn, phòng ngủ cho tới vé tham quan, tàu thuyền… Có thể quyết ngay, không chờ hội họp hay lập nhóm kích cầu.
Lâu nay, người Việt nổi tiếng dũng cảm, không nguy hiểm. Từ việc tham gia giao thông đến vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường nhưng lại khiếp sợ Covid-19. Nhiều người không dám ra khỏi nhà và lúc nào cũng khẩu trang kín mít. Khách Âu Mỹ thì ngược lại. Chỉ đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người lạ hoặc cảm thấy không khỏe và vẫn du lịch vô tư. Họ còn bảo “Du lịch mùa này sướng nhất vì giá rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn do vắng khách”.
Ngay cả việc học hành cũng làm nhức đầu phụ huynh. Đáng lẽ phải cho những vùng có người nhiễm Covid-19 hoặc khả năng lây lan cao, nghỉ học trước, thì cả nước “đồng khởi” nghỉ học, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực.
Lẽ ra, trước khi cho học sinh nghỉ học, phải đóng cửa chợ, siêu thị, nhà máy… trước vì nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Nhiều phụ huynh không phải đi làm (do kinh tế khá giả) còn lên mạng làm áp lực cho học sinh nghỉ tiếp. Họ đâu biết nỗi khổ của những gia đình không có người làm hay người thân ở nhà trông giữ trẻ khi chúng nghỉ học. Nếu không thích cho con đến trường, ở nhà học trực tuyến và có người kèm cặp, cũng đâu ai cấm cản.
Bộ Giáo dục cũng thụ động. Thay vì chỉ đạo và giúp các trường tích cực thực hiện biện pháp phòng chống để học sinh tới trường, lại chỉ thị “Chỉ cho học sinh trở lại trường khi có biện pháp phòng chống Covid-19”. Một dạng sợ trách nhiệm và đùn đẩy cho bên dưới. Nhờ Covid-19 nên đường phố mấy thành phố lớn hết kẹt xe, lúc nào cũng thông thoáng, nhưng chỉ số không khí Hà Nội vẫn rất xấu.
Nói chung là nhức đầu toàn tập. Không đọc thì lo. Đọc thì hoảng.
Lý Xuân Diện