Việc CEO Google đến Việt Nam hồi cuối tháng 12.2015 và gần nhất là bản kế hoạch tham vọng của chính phủ Ấn Độ để phát triển giới khởi nghiệp của nước này đang thực sự là một lời nhắc nhở với Việt Nam: Đừng bỏ lỡ cơ hội lần thứ hai.

Những bài học từ Ấn Độ cho người Việt Nam

Một Thế Giới | 24/01/2016, 06:00

Việc CEO Google đến Việt Nam hồi cuối tháng 12.2015 và gần nhất là bản kế hoạch tham vọng của chính phủ Ấn Độ để phát triển giới khởi nghiệp của nước này đang thực sự là một lời nhắc nhở với Việt Nam: Đừng bỏ lỡ cơ hội lần thứ hai.

Việt Nam đang bước vào năm bản lề 2016 với nhiều thách thức nhưng cũng đầy kỳ vọng, khi đây được xem là thời điểm những làn sóng đầu tư đổ về Việt Nam mạnh nhất so với hai thời điểm bản lề trước đó là năm 1986 và năm 2000.
Nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc buộc Việt Nam phải lựa chọn một hướng đi cụ thể cho tương lai, thay vì mô hình phát triển dàn trải và thiếu tập trung như trước. Không phải là chúng ta hoàn toàn không có những gợi ý, đặc biệt là những gợi ý đến từ những quốc gia có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam, như Ấn Độ là một ví dụ. 
Việc CEO của Google là Sundar Pichai đến Việt Nam hồi cuối tháng 12.2015 và gần nhất là bản kế hoạch tham vọng của chính phủ Ấn Độ để phát triển giới khởi nghiệp của nước này đang thực sự là một lời nhắc nhở với Việt Nam: đừng bỏ lỡ cơ hội lần thứ hai.
Ấn Độ sau cuộc cách mạng công nghệ thông tin
Ấn Độ một lần nữa đang chứng minh với cả thế giới rằng họ đã và đang sở hữu những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, khi vào ngày 16.1 vừa qua, thủ tướng Narendra Modi đã công bố một kế hoạch tổng thể hướng tới việc phát triển giới Startup (các doanh nghiệp khởi nghiệp) Ấn Độ một cách toàn diện và sâu rộng nhất từ trước đến nay, với tổng trị giá khoảng 1,5 tỷ USD trong vòng 5 năm đầu tiên. 
Bản kế hoạch mang tên “Startup India Action Plan” mà ông Modi công bố không chỉ là kế hoạch tổng thể đầu tiên của Ấn Độ trong việc hỗ trợ giới Startup và coi bộ phận này là thành phần nòng cốt của nền kinh tế, mà còn là bản kế hoạch hỗ trợ lớn đầu tiên trên thế giới mà giới Startup nhận được từ một chính phủ.
Điều này cho thấy, sau cuộc cách mạng công nghệ thông tin (CNTT) được bắt đầu từ giữa những năm 1970, các công ty khởi nghiệp (Startup) đang được chính phủ Ấn Độ coi là lĩnh vực tiềm năng nhất trong tương lai và cần thiết phải lên kế hoạch đầu tư và phát triển một cách bài bản. 
Không ai có thể quên Ấn Độ đã thành công như thế nào với việc nhận ra tầm quan trọng của lĩnh vực CNTT và sớm đầu tư để trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này. Đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển và xuất khẩu phần mềm và các sản phẩm CNTT với tổng giá trị gần 80 tỷ USD vào năm 2012, mức đóng góp của ngành CNTT vào GDP của Ấn Độ lên tới gần 25%. Hiện nay, Ấn Độ là quốc gia có lượng kỹ sư CNTT chất lượng cao thuộc hàng lớn nhất thế giới, sản sinh ra không ít các tài năng trong lĩnh vực công nghệ đang giữ những vị trí quan trọng tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google hay Microsoft.
Và với bản kế hoạch tổng thể nói trên, Ấn Độ đang khẳng định vị thế và tầm quan trọng của các công ty khởi nghiệp này trong tương lai, tương tự như ngành CNTT cách đây gần nửa thế kỷ. 
Trên thực tế, vai trò và tầm quan trọng của lĩnh vực mới mẻ này đã được nhận ra từ lâu trên thế giới, nhưng chỉ đến thời điểm hiện tại nó mới chính thức được chính phủ đầu tiên trên thế giới công nhận và có kế hoạch phát triển một cách bài bản. Những số liệu thống kê về giá trị gia tăng của giới Startup ở Ấn Độ đang nói lên tất cả: Từ năm 2010-2015, giới Startup Ấn Độ đã thu về 18 tỷ USD, trong đó chỉ riêng năm 2015 chiếm tới 9 tỷ USD; với 4.200 Startup Ấn Độ đang xếp thứ 3 thế giới về số lượng các công ty khởi nghiệp, trong đó có 9 Startup được định giá trên 1 tỷ USD.
Những con số thống kê đó đã chỉ ra Startup thực sự là một lĩnh vực có tiềm năng gần như vô tận ở thời điểm hiện tại, quốc gia nào có kế hoạch phát triển lĩnh vực này sớm nhất sẽ có lợi thế. Và bản kế hoạch tổng thể lần này của chính phủ Ấn Độ được xem là toàn diện nhất trong việc phát triển lĩnh vực mới mẻ này: tổng vốn đầu tư bao gồm ngân sách ban đầu là 25 tỷ Rupee Ấn và thêm 100 tỷ Rupee nữa trong 4 năm tới, tương đương 1,5 tỷ USD. Ngoài ra còn hàng loạt các ưu đãi lớn về nhiều mặt: từ cắt giảm thuế lớn (trong đó miễn thuế thu nhập trong 3 năm đầu tiên), giảm thủ tục hành chính, đăng ký bằng sáng chế, ươm mầm và đào tạo với việc mở ra nhiều vườn ươm lớn. Nói cách khác, gần như tất cả điều kiện quan trọng và cần thiết nhất để phát triển giới Startup một cách mạnh mẽ nhất đều có mặt trong bản kế hoạch lần này.
Việt Nam đừng bỏ lỡ cơ hội lần thứ hai
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào năm bản lề 2016 của nền kinh tế, rõ ràng những bước đi của Ấn Độ đang là một bài học quý báu mà Việt Nam cần xem xét. 
Chúng ta đã bỏ lỡ thời cơ khi không theo kịp Ấn Độ trong việc phát triển CNTT vào những năm 1970, việc nhập cuộc muộn đã khiến cho Việt Nam dù sở hữu những tiềm năng lớn trong việc phát triển lĩnh vực CNTT thì cho đến giờ mới chỉ nằm trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu phần mềm và các sản phẩm CNTT hàng đầu thế giới. 
Nguyên nhân có thể là khách quan, khi phải đến những năm 1986 Việt Nam mới mở cửa nền kinh tế và có quá nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi phát triển ngành CNTT; nhưng giờ đây khi nền kinh tế Việt Nam đã tương đối phát triển, thì lần này không có lý do gì để chúng ta chậm chân thêm một lần nữa.
Trên thực tế, việc phát triển giới Startup trong nước không chỉ mang ý nghĩa tạo nền tảng phát triển cho một trong những lĩnh vực tiềm năng nhất trong tương lai của nền kinh tế, mà còn là để giữ lại một bộ phận chủ chốt của nền kinh tế. Một xu hướng của giới Startup toàn cầu hiện nay là đổ về những quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi nhất cho việc khởi nghiệp, như Singapore. 
Trên thực tế, nguyên nhân chủ đạo khiến chính phủ Ấn Độ nhanh chóng công bố kế hoạch phát triển dành riêng cho giới Startup là vì trong vài năm gần đây, có tới 65% công ty khởi nghiệp Ấn Độ chuyển tới các quốc gia khác mà chủ yếu là tới Singapore. Sau khi TPP đi vào hoạt động, xu hướng này được dự báo sẽ còn tăng mạnh hơn nữa và Singapore cùng Mỹ có thể thu hút phần lớn giới khởi nghiệp từ mọi quốc gia thành viên đến đặt trụ sở tại 2 nước này.
Vì thế, nếu không thiết lập kế hoạch ngay từ bây giờ, Việt Nam có thể sẽ mất đi một bộ phận năng động và có giá trị gia tăng cao nhất trong nền kinh tế. Nhưng quan trọng hơn là Việt Nam sẽ tự đánh mất đi cơ hội phát triển lĩnh vực được xem là tiềm năng nhất trong tương lai, cũng giống như những gì chúng ta đã đánh mất khi chậm chân trong việc phát triển ngành CNTT cách đây ít năm. 
Câu chuyện phát triển kinh tế với Việt Nam ở thời điểm hiện tại không còn đơn giản chỉ là thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI càng nhiều càng tốt như trước, mà còn phải vạch ra được kế hoạch phát triển những bộ phận và lĩnh vực tiềm năng nhất của nền kinh tế nội địa, mà Startup Việt Nam là một trong số đó.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Cafebiz, Genk)


Bài liên quan
Loại mực gắn liền với bầu cử Ấn Độ suốt 7 thập kỷ
Đài CNN giới thiệu “mực cử tri” ngăn nguy cơ gian lận được dùng mỗi khi Ấn Độ tổ chức bầu cử.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng kỷ luật Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
8 giờ trước Sự kiện
Ngày 14.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký các quyết định kỷ luật Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những bài học từ Ấn Độ cho người Việt Nam