Nếu tạm gác sang một bên lỗi chủ quan từ phía Samsung, thì một điều thú vị có thể rút ra qua sự việc liên quan đến chiếc Galaxy Note 7 lần này: đó là hệ quả tất yếu của cuộc chạy đua công nghệ giữa các hãng sản xuất smartphone trên thế giới một cách ồ ạt như hiện nay.
Câu chuyện ồn ào liên quan đến chiếc điện thoại Galaxy Note 7 của Samsung đã dần lắng xuống, quá trình thu hồi khoảng 2,5 triệu chiếc smartphone này đã được tập đoàn công nghệ Hàn Quốc triển khai trên toàn cầu. Và dù vẫn còn một số chưa thu hồi hết, khiến cho nhà chức trách Mỹ hôm thứ bảy 15.10 đã thông báo bất cứ hành khách nào mang Galaxy Note 7 lên các chuyến bay có thể sẽ bị bắt giữ và truy tố hình sự, buộc các đại diện của Samsung phải túc trực tại các sân bay lớn để thu hồi hoặc đổi một mẫu điện thoại mới cho các khách hàng, thì về cơ bản vụ việc đã khép lại. Và giờ là lúc cần rút ra những bài học từ sự cố được xem là lớn nhất trong ngành sản xuất smartphone nhiều năm gần đây.
Lỗi lớn nhất trong vụ scandal mang tên Galaxy Note 7, chắc chắn phải thuộc về Samsung, khi tập đoàn công nghệ Hàn Quốc này không những mắc một, mà là khá nhiều lỗi trong vụ việc một cách khá cẩu thả. Trước hết, Samsung đã không tiến hành kiểm tra chất lượng và độ an toàn của pin một cách độc lập, vốn là công đoạn gần như bắt buộc mọi hãng sản xuất smartphone nào cũng phải tuân thủ chặt chẽ. Sau đó, khi sự cố cháy nổ bắt đầu xảy ra khiến cho đợt thu hồi và sửa chữa sản phầm lần thứ nhất diễn ra, thì các kỹ sư Samsung cũng đã thực sự tắc trách khi chưa giải quyết tận gốc vấn đề khiến cho những chiếc điện thoại đã được sửa vẫn tiếp tục bị cháy nổ. Việc một mẫu smartphone bị thu hồi do sự cố nguy hiểm đã là điều hiếm khi xảy ra, thì việc hãng sản xuất tiếp tục để lỗi đó xảy ra sau khi đã thu hồi và sửa chữa lại càng hiếm hơn nữa. Sự việc này đánh thẳng vào uy tín và chất lượng công nghệ của Samsung một cách trực diện nhất.
Tuy nhiên, nếu tạm gác sang một bên lỗi chủ quan từ phía Samsung, thì một điều thú vị có thể rút ra qua sự việc liên quan đến chiếc Galaxy Note 7 lần này là: đó là hệ quả tất yếu của cuộc chạy đua công nghệ giữa các hãng sản xuất smartphone trên thế giới một cách ồ ạt như hiện nay. Lý do khiến một tập đoàn công nghệ tập trung vào các sản phẩm smartphone cao cấp và đặt chất lượng lên hàng đầu như Samsung lại có thể bỏ qua khâu kiểm tra pin một cách độc lập, đến từ áp lực cạnh tranh. Galaxy Note 7 là sản phẩm mới mà Samsung kỳ vọng sẽ đủ sức đánh bại mẫu iPhone 7 của đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình là Apple, và để chiếm lĩnh thị phần thì Galaxy Note 7 phải ra mắt trước iPhone 7 một thời gian nhất định. Chính điều ấy khiến cho các bước kiểm định chất lượng cần thiết đã bị bỏ qua, nhất là khi một sự cố tương tự là chưa từng có tiền lệ.
Các yếu tố trực tiếp khác dẫn đến sự cố cháy nổ pin của Galaxy Note 7 cũng bị tác động mạnh mẽ từ cuộc chạy đua công nghệ mà Samsung là một phần trong đó. Một trong số đó là cuộc chạy đua về thiết kế, trong đó các hãng smartphone đặt mục tiêu sản xuất ra những chiếc điện thoại thông minh mỏng nhất có thể. Samsung cũng không phải là một ngoại lệ. Tập đoàn Hàn Quốc để chứng tỏ sự vượt trội của Galaxy Note 7 so với iPhone 7 đã cố gắng giảm tối đa độ dày và tích hợp cả chức năng không thấm nước khi thiết kế và sản xuất chiếc điện thoại của mình. Cả hai điều này khiến cho thiết kế của Galaxy Note 7 trở nên cứng nhắc, và việc tiếp cận, tháo mở nó trở nên khó khăn hơn, phần pin được cố định vào máy thay vì có thể tháo rời như thông thường. Thiết kế pin thiếu hợp lý do cố gắng giảm độ dày và thêm chức năng chống thấm là một trong những lý do gây ra cháy nổ, và cũng là lý do khiến cho các kỹ sư Samsung gặp nhiều khó khăn trong việc sửa chữa sau đợt thu hồi sản phẩm lần thứ nhất.
Ngoài lý do thiết kế, thì một nguyên nhân khác khiến Samsung chọn cách thiết kế có phần cứng nhắc cho mẫu Galaxy Note 7. Đó là yếu tố lợi nhuận. Việc pin được gắn cố định vào máy có thể đem lại lợi nhuận lớn hơn cho Samsung qua công đoạn thay thế pin. Thay pin trên thực tế đã luôn là một miếng bánh béo bở cho các hãng sản xuất smartphone trên khắp thế giới. Chẳng hạn như Apple, mức chi phí để thay thế pin đối với các sản phẩm smartphone của hãng, chẳng hạn như iPhone 6 đã hết hạn bảo hành, vào khoảng 79 USD. Chi phí có thể giảm đi từ 10-30 USD nếu khách hàng thay pin ở một trong số các trung tâm dịch vụ được Apple ủy quyền, hoặc mua bộ dụng cụ thay pin do chính Apple sản xuất. Samsung cũng có những hệ thống tương tự, chẳng hạn như chi phí để thay pin cho một chiếc S6 tại một trung tâm được Samsung ủy quyền là vào khoảng 45 USD.
Việc gắn chặt pin vào smartphone ở trường hợp mẫu Galaxy Note 7 có thể đẩy doanh thu từ việc thay pin lên cao hơn khá nhiều, do khó thực hiện hơn nhiều so với pin có thể tháo rời ở hầu hết các mẫu smartphone khác. Nó gần như loại trừ toàn bộ khả năng khách hàng có thể tự thực hiện việc thay pin ở nhà kể cả khi có bộ dụng cụ thích hợp. Tuy nhiên, chính điều này lại là một trong những lý do tạo ra thảm họa mà Samsung đang phải đối mặt.
Có thể thấy, nếu nhìn nhận vấn đề trên khía cạnh một cuộc chạy đua công nghệ ồ ạt và có phần thiếu kiểm soát giữa các hãng sản xuất smartphone trên thế giới trong vài năm gần đây, thì một sự cố như Galaxy Note 7 là điều sớm muộn cũng sẽ xảy ra, không với Samsung thì cũng với một hãng công nghệ khác. Khi sức ép cạnh tranh về thị phần và lợi nhuận được đẩy lên quá cao, nhất là khi lại ở trong một lĩnh vực công nghệ cao nhưng còn khá non trẻ như sản xuất smartphone, thì việc phạm sai lầm là điều tất yếu. Cơn sốt smartphone trên thế giới đã đến lúc cần phải hạ nhiệt, và những gì xảy ra với Samsung lần này có thể là một điều cần thiết.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)