Yokohama, đô thị cách Tokyo 20 phút tàu shinkanshen có gì ngoài một trong những cảng lớn nhất thế giới, khu phố Chinatown, tháp Yokohama? Câu trả lời là ramen (mì), với hai bảo tàng giàu thông tin và cả hương vị đến từ những bát ramen đậm đà đến ngây ngất.

Những bảo tàng mì độc đáo ở phố cảng Yokohama

08/06/2019, 08:13

Yokohama, đô thị cách Tokyo 20 phút tàu shinkanshen có gì ngoài một trong những cảng lớn nhất thế giới, khu phố Chinatown, tháp Yokohama? Câu trả lời là ramen (mì), với hai bảo tàng giàu thông tin và cả hương vị đến từ những bát ramen đậm đà đến ngây ngất.

Nếu nhắc đến thành phố nào tại Nhật Bản có hẳn hai bảo tàng về mì, hầu hết những người bản địa sẽ cho bạn cái tên quen thuộc Yokohama. Thành phố cảng nhộn nhịp bậc nhất thế giới đã đón những thương thuyền nước ngoài đến giao thương từ nhiều thế kỉ trước. Họ mang theo những vật phẩm, nét văn hoá và cả ẩm thực trong đó có món mì mà người Nhật gọi là ramen.

Khu Chinatown ở Yokohama được xem là một trong những nơi ra đời đầu tiên của các tiệm mì. Trước đó người Nhật cũng có món mì làm từ lúa mạch gọi là soba, còn ramen làm từ lúa mì chỉ thật sự phổ biến từ thế kỉ 19.

Shin-Yokohama Ramen Museum

Shin-Yokohama Ramen Museum mở cửa lần đầu tiên ngày 6 tháng 3 năm 1994 và nhanh chóng ghi dấu ấn như một địa chỉ mà nhiều du khách không thể bỏ qua khi đến Yokohama. Ngay cổng vào, chào đón du khách là mô hình tô mì lớn với đôi đũa đang “gắp” những sợi mì nhúng lên nhúng xuống rất sinh động.

Ngay từ ban đầu, “concept” của bảo tàng là nơi vừa trưng bày đồng thời quy tụ những món mì đặc trưng nhất từ khắp nơi trên đất nước Nhật Bản, qua đó giúp du khách không phải di chuyển đi đâu cả mà vẫn có thể thưởng thức đủ hương vị vùng miền.

Tầng 1 của bảo tàng mô tả lại lịch sử của những sợi mì khi được mang đến Nhật Bản và bao gồm cả giai đoạn những sợi mì Trung Quốc bắt đầu hiện diện thời kì Muromachi (1338-1573) và “buổi bình minh” của ramen ở xứ sở mặt trời mọc.

Tại một góc mang tên IRIS Slot-car Race Track, không khó để khơi gợi lại giai đoạn những năm 1960 với môn đua xe mô hình rất thịnh hành tại Nhật. Ngày nay người lớn lẫn trẻ nhỏ có thể thuê để chơi trong trường đua có 6 làn chạy dài 30m.

Bước xuống tầng trệt, bạn đừng bỏ qua Dagashi-ya (một loại cửa hàng bán đồ ăn vặt truyền thống của Nhật) nơi sẽ mang đến những kỉ niệm thời thơ ấu cho rất nhiều người Nhật Bản. Dagashi-ya là nơi mà những đứa trẻ sẽ ghé qua trên đường về nhà. Bạn sẽ tìm thấy hơn 300 loại đồ chơi, kẹo bánh,... đầy màu sắc được bày bán đúng kiểu ngày xưa.

Dagashiya gợi lại tuổi thơ của rất nhiều người Nhật - Ảnh raumen.co.jp

Thế giới thật sự hấp dẫn tiếp theo sẽ là ở tầng hầm thứ 2 và cũng là tầng dưới cùng của bảo tàng, khi ấy không còn là Yokohama của ngày nay nữa mà là những năm 50 ở Tokyo, giai đoạn mì ăn liền cũng đang trở nên thịnh hành. Như một khu phố dưới lòng đất, bạn sẽ cần bước qua những ngõ ngách nhỏ hẹp với ánh đèn neon ngả màu. Tại đây 9 cửa hàng mì đặc trưng của các vùng Sapporo, Kitakata, Yamagata, Tokyo, Tokushima, Hakata bài trí theo phong cách cổ điển sẽ luôn mở cửa đón chào mọi du khách.

Dù là bảo tàng mì, không gian xưa cũng gợi lại qua những bàn xem tử vi có ánh đèn mờ ảo - Ảnh: raumen.co.jp

Ryu Shanghai Honten - mì có nước dùng hải sản và miso (tương đậu nành), Rishiri Ramen Miraku – nước dùng tương đậu nành, Ryus Noodle Bar - nước dùng thịt gà kiểu Canada, Muku Zweite – nước dùng xương heo, Ryukyu Shinmen Tondou – nước dùng từ muối, Komurasaki – nước dùng xương heo từ Kumamoto, Sumire, Shin Soba-ya – nước dùng từ muối và nước tương, Nidai-me Genkotsu-ya là những cái tên bạn sẽ phải mất nhiều thời gian để lựa chọn.

Tô mì hấp dẫn của Ryus Noodle Bar có nước dùng từ thịt gà - Ảnh raumen.co.jp

Mì Nhật Bản có hai điểm quan trọng khi gọi món đó là nước dùng và sợi mì. Mì sợi to, nhỏ, sợi rối và sợi bằng phẳng và nước dùng cơ bản được làm từ đậu nành hoặc xương heo, hoặc đơn giản là muối. Cuối cùng hãy chọn những topping (các món ăn kèm) cho riêng bạn như chashu (thịt heo xá xíu), măng, trứng lòng đào, naruto (chả cá), kim chi, hành xanh.

Việc của bạn bây giờ thật đơn giản, say đắm trong những tô mì nghi ngút khói và hương thơm.

Bảo tàng mở cửa từ 11:00 – 21:30

Địa chỉ: 2-14-21 Shinyokohama, Kohoku-ku, Yokohama-City, 222-0033, Japan.

Ga tàu điện gần nhất: Ga Shinyokohama (cửa ra số 8)

Giá vé vào cửa: 310 YEN

Cupnoodles Museum

Nhìn ra bến cảng Yokohama, Bảo tàng Mì ly – Cup Noodles Museum cũng độc đáo không kém. Cha đẻ của những ly mì ông Ando Momofuku là ngồn cảm hứng để xây dựng nên bảo tàng.

Momofuku, cha đẻ của mì ăn liền, đã sáng tạo ra những gói mì ăn liền thịt gà (Chicken ramen) năm 1958 tại căn nhà nhỏ ở Ikeda, Osaka sau hàng ngàn giờ làm việc không ngừng nghỉ suốt cả năm. Hơn 1 thập kỉ sau, trong chuyến đến Mỹ năm 1971, nhìn thấy người quản lý siêu thị mở gói mì, bỏ vào trong một chiếc ly rồi đổ nước sôi vào, Momofuko lại tiếp tục cho ra đời cupnoddle (mì ly) made in Japan và nhanh chóng phổ biến khắp thế giới. Năm 2005, ở độ tuổi 95 (ông sinh năm 1910), Ando tiếp tục giấc mơ sáng tạo ra món mì có thể dùng được trên vũ trụ mang tên Space Ramen.

Thành quả sáng tạo của Ando Momofuku đến từ năm 1958 với món mì thịt gà đóng gói gói nilon đơn giản. Ảnh: cupnoodles-museum
Không gian làm việc của Ando được tái hiện lại trong một góc bảo tàng. Ảnh: cupnoodles-museum

Những tưởng tượng phong phú và tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ của Momofuku chính là concept của bảo tàng. Không chỉ có trẻ em Nhật Bản, những người lớn và cả trẻ em nhiều quốc gia cũng đến thăm và đắm chìm trong không gian đầy những sắc màu khơi gợi tâm hồn của CupNoddle Museum.

Không gian khơi gợi sáng tạo tại khu vực Creative Thinking Boxes trong bảo tàng lấy cảm hứng từ cuộc sống và tinh thần làm việc của Ando. Ảnh: cupnoodles-museum

Logo với ba dấu chấm than (!) biểu tượng cho niềm vui thích khi của sáng tạo và khám phá, sự quan trọng của thực phẩm và niềm hạnh phúc khi có những giấc mơ và suy nghĩ không giới hạn.
Trong bảo tàng có những góc bạn nhất định không nên bỏ qua. Đầu tiên là Instant Noddles History Cube nơi bức tường dài màu trắng treo đầy 3000 sản phẩm trải dài dòng lịch sử hơn nửa thế kỉ. Tiếp theo là Chicken Ramen Factory, khuôn viên để du khách tự làm mì bằng tay, trải nghiệm quy trình tạo ra những sợi mì từ nhào, phết, hấp, nêm nếm và sấy khô bằng phương pháp chiên nhanh. Đến My Cubnoodle Factory – Xưởng làm mì, du khách có thể tạo ra bất cứ loại mì gì mình thích từ 4 loại súp và 12 loại đồ ăn kèm (topping). Cuối cùng, khi đã bắt đầu muốn nghỉ ngơi, Noodles Bazaar – World Noddle Road ở tầng 4 bảo tàng mở ra không gian 200 chỗ ngồi đầy ắp hương vị mì nguyên bản của Ando là Mini Chicken Ramen và các loại mì đặc trưng trên khắp thế giới như Pasta (Ý), Lagman (Kazakhstand), Phở (Việt Nam), Mì lạnh (Hàn Quốc), Tom Yum Goong Noddle (Thái Lan), Laksa (Malaysia).

Trải nghiệm làm mì tại công xưởng của Chicken Ramen Factory. Ảnh: cupnoodles-museum
Ô cửa bán món Phở Việt trong Noodles Bazaar – World Noddle Road. Ảnh: cupnoodles-museum
Bạn sẽ thấy những nét thân quen đậm chất châu Á trong những ngõ ngách ở khu ẩm thực của bảo tàng. Ảnh: cupnoodles-museum

Bảo tàng mở cửa từ 10:00-18:00 (nghỉ thứ 3)

Địa chỉ: 2-3-4 Shinko, Naka-ku, Yokohama 231-0001 Japan

Ga tàu gần nhất: Minatomirai Station tuyến Minatomirai

Vé vào cửa: 500 YEN.

Vé trải nghiệm các dịch vụ làm mì, đóng gói mì, ăn uống từ 500 – 150 YEN.

An Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những bảo tàng mì độc đáo ở phố cảng Yokohama