Điện ảnh Việt Nam một năm nhìn lại có thể thấy có những bộ phim gây ầm ĩ, cũng có những bộ phim im ắng một cách đáng tiếc.
Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa, năm 2023 năm sẽ khép lại. Nền điện ảnh nước nhà cũng bước qua một năm đầy thăng trầm đối với các nhà làm phim và cả công chúng. Một năm có những bộ phim gây tranh cãi khắp mạng xã hội và tốn nhiều giấy mực của báo chí, và cũng có những bộ phim chất lượng nhưng lại chịu sự thờ ơ của cả truyền thông lẫn khán giả.
Những bộ phim điện ảnh gây tranh cãi
Ra mắt mùng tết năm nay, Nhà bà Nữ ngay lập tức gây chú ý. Sức hút từ cái tên Trấn Thành cùng thành công trước đó của Bố già của cùng một nhà sản xuất đã giúp Nhà bà Nữ lập kỷ lục là phim Việt có lượng vé đặt trước cao nhất với 30.000 vé bán sớm tính đến chiều 30 tết.
Những ngày sau đó, bộ phim đã trở thành viral (lan truyền) khắp cõi mạng với những con số doanh thu liên tục được cập nhật. Chọn đề tài gia đình với độ phổ quát rộng, lại mổ xẻ mạnh mẽ mà khéo léo những vấn đề xung đột thế hệ, lập nghiệp, tình yêu, cộng thêm không khí tươi mới đầy hơi thở cuộc sống đương đại đã khiến cho Nhà bà Nữ tiếp cận và thu hút được một lượng khán giả khổng lồ. Nhưng bên cạnh đó nội dung phim chứa quá nhiều lời thoại, các nhân vật tranh cãi, chửi nhau ầm ĩ cùng với hình tượng nhân vật nữ chính "thất nghiệp mà đòi ăn bò Wagyu" là những lý do khiến bộ phim bị một bộ phận lớn khán giả chê bai không tiếc lời, thậm chí bị coi là "web drama", là “rác phẩm điện ảnh”...
Những tranh cãi bất tận ấy khiến Nhà bà Nữ là chủ đề hot trên báo chí và mạng xã hội suốt một quãng thời gian trước và sau công chiếu đã góp phần tạo nên sự chú ý tò mò cho mọi đối tượng liên quan một hiện tượng rất hiếm đối với bộ phim khi ra rạp. Chung cuộc, Nhà bà Nữ đã tạo nên kỷ lục phòng vé vô tiền khoáng hậu ở thị trường Việt với 475 tỷ đồng và số lượng vé bán ra là 5,8 triệu vé.
Cũng công chiếu cùng thời gian với Nhà bà Nữ, bộ phim Chị chị em em 2 của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng lại gây chú ý với câu chuyện đấu đá cạnh tranh ngôi đệ nhất giữa các mỹ nhân. Những phân cảnh nóng của Ngọc Trinh, nhất là trong một clip "bị khán giả quay lén" đã góp phần đưa tên phim vào top tìm kiếm nhiều nhất. Kết quả Chị chị em em 2 cán mốc doanh thu 121 tỷ đồng, dù còn nhiều tình tiết phi lý và câu chuyện vô thưởng, nhẹ tênh so với một tác phẩm bình dân mà xúc động cũng của Vũ Ngọc Đãng ra mắt sau đó ít lâu là Con Nhót mót chồng.
Một bộ phim đình đám khác cũng đã tạo nên một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử điện ảnh Việt Nam khi vấn đề được mang ra nghị trường Quốc hội để tranh luận đó là Đất rừng phương Nam. Phim gây chú ý từ khi còn là dự án tiền kỳ sản xuất nhờ remake (làm lại) từ tác phẩm phim truyền kinh điển Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng càng làm nóng thị trường hơn với buổi ra mắt tận dụng tối đa sự kết nối với ký ức người xem bản truyền hình khi mời gần đủ ekip phim xưa đến sự kiện công chiếu.
Thế nhưng, việc “dựa hơi” một tác phẩm đã quá thành công đã ăn sâu vào trong lòng công chúng như Đất phương Nam cũng là con dao hai lưỡi. Sau khi công chiếu, phim đã bị khán giả mang ra so sánh cùng với nhiều lời khen chê. Khán giả cho rằng Đất phương Nam 1997 là một tác phẩm kinh điển với những giá trị văn hoá, đời sống sâu sắc còn Đất rừng phương Nam 2023 là một sản phẩm mang tính giải trí có đầu tư bối cảnh, kỹ thuật, diễn xuất tạm ổn và chỉ thế, không hơn.
Đỉnh điểm của các cuộc tranh cãi là những câu hỏi về “trang phục Tàu” và vai trò của người Hoa trong cuộc kháng Pháp ở miền Nam trong phim bị cho là "sai với lịch sử". Cuộc tranh cãi trở nên căng thẳng và kéo dài sốt nóng trên mọi phương tiện truyền thông. Dư luận chia làm hai phe bênh vực và phản đối gay gắt và điều đó cũng giúp bộ phim lôi kéo được cả những khán giả có tâm lý chê phim cũng đã mua vé ra rạp xem để "soi" nhằm củng cố cho các lập luận của mình. Trong khi đó khán giả trung lập đi xem phim nhằm kiểm chứng lý lẽ của các phe.
Có thể những tranh cãi đã khiến cho doanh thu của Đất rừng phương Nam không như kỳ vọng của nhà sản xuất... Nhưng rất may phim đã thu về đến 140 tỷ và trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất của điện ảnh Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Sau Đất rừng phương Nam là một bộ phim điện ảnh của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ. Người vợ cuối cùng ra mắt vào đầu tháng 11 đã tạo sức nóng nhờ thương hiệu cá nhân của hai cái tên Victor Vũ và Kaity Nguyễn. Phim được nhận xét là tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, chăm chút bối cảnh và trang phục...
Tuy nhiên phim vẫn còn nhiều hạn chế như nhiều tình tiết chuyện phim còn cũ, phi lý. Việc Victor Vũ để giọng thật của diễn viên miền Nam trong bộ phim có bối cảnh phía Bắc cũng là đề tài gây tranh cãi. Bên cạnh đó phim cũng bị antifans lập các diễn đàn bàn tán, cười cợt châm biếm vật nam chính do diễn viên Thuận Nguyễn thủ vai. Không ít cư dân mạng đang "ném đá" nhân vật này trên khắp mạng xã hội
Tính đến thời điểm hiện tại, Người vợ cuối cùng đã châm ngưỡng con số 100 tỷ đồng và doanh thu của phim sẽ tiếp tục tăng thêm trong những ngày tới.
Đến những bộ phim Việt bị thờ ơ
Trong khi báo chí và dư luận quá tập trung, chú ý cho những bộ phim ở trên đến mức nhiều khi thông tin trùng lặp, thậm chí thừa mứa, thì đáng tiếc có nhiều tác phẩm khác cũng xứng đáng được lưu ý nhưng lại bị thờ ơ một cách thiên lệch. Thành phố ngủ gật - một bộ phim độc lập, nhiều tìm tòi của đạo diễn Lương Đình Dũng có lẽ là ví dụ đáng tiếc nhất trong số này.
Bản thân là phim thuộc dòng nghệ thuật kén khán giả, diễn viên lại hầu như hoàn toàn vô danh trước đó nên chắc chắn Thành phố ngủ gật không thuộc khu vực từ khóa hàng đầu về tìm kiếm trên internet hay đầu bảng doanh thu là điều tất nhiên.
Ở những quốc gia có nền điện ảnh phát triển cũng gặp nhan nhản tình trạng phim nghệ thuật, phim độc lập bị thất thu phòng vé. Nhưng chúng sẽ có vị trí, có chỗ đứng ở những thiết chế khác, những khu vực khác. Đó là các giải thưởng điện ảnh uy tín, đó là trên các website chấm điểm và bình luận phim ảnh và đó là những giới thiệu, đánh giá công tâm từ giới chuyên môn.
Trong khi đó, ở Việt Nam, giải thưởng Bông sen Vàng vừa qua cũng không cho bộ phim này vào danh sách các tác phẩm tham dự liên hoan, nó đứng ngoài khu vực dự thi vì lý do chưa được rõ. Trong khi đó ở Việt Nam cho đến nay chưa có các website chấm điểm và nhận xét chất lượng phim như kiểu IMDB, Rotten Tomatoes, MetaCritic hay Letterboxd... Vì thế những bộ phim không đại chúng như Thành phố ngủ gật càng không có không gian để bàn tán, mổ xẻ. Măt khác, phim cũng bị truyền thông lơ là.
Có thể thấy, Thành phố ngủ gật ra mắt vào tháng 10 vừa qua trong không khí rất lặng lẽ. Phim không được báo chí đưa tin nhiều. Trong khi đó Đất rừng phương Nam đã được báo chí cập nhật từng giờ từng phút. Đành rằng bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tổ chức sự kiện ra mắt hoành tráng, đi cine tour, hay gửi thông cáo báo chí PR đến truyền thông thì có lợi thế thông tin áp đảo hơn so với phim của đồng nghiệp, nhưng có nhiều tờ báo và cây viết bình phim chuyên nghiệp không hề đả động đến Thành phố ngủ gật một dòng nào, dù bằng một bài review khách quan hay phân tích chê bai. Bộ phim cứ như thể bị bỏ qua hay chưa từng xuất hiện.
Công bằng mà nói, Thành phố ngủ gật có nhiều khía cạnh đáng đề cập. Từ việc làm phim với con số kinh phí siêu thấp chỉ vỏn vẹn 700 triệu đồng - là một điển hình rất đáng hoan nghênh và chia sẻ kinh nghiệm. Từ việc xây dựng nhân vật độc đáo khi nam chính hầu như không thoại suốt cả phim và bộ phim chỉ "show, don't tell" đúng nghĩa điện ảnh. Từ việc tìm tòi khai phá mảng đề tài mới mẻ: những số phận cô lẻ bên lề và những góc khuất đen tối trong cuộc sống và mổ xẻ các nhân vật tâm lý khó dò.
Một tác phẩm có số phận cũng thiệt thòi đáng được biết tới là phim Tiểu đội hoa hồng của điện ảnh Quân đội Nhân dân. Đây là một phim nhà nước nên chỉ đến với khán giả đôi lần vào các dịp tuần phim chiếu miễn phí trong khuôn khổ Bông sen Vàng hay Cánh diều Vàng.
Nếu năm nay hai phim nhà nước khác là Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn hay Hồng Hà nữ sĩ của đạo diễn Nguyễn Đức Việt đều đã có buổi chiếu ra mắt báo chí và đều được chọn vào tranh giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam vừa qua, thì Tiểu đội hoa hồng (biên kịch Phạm Hoài Thương, đạo diễn Nguyễn Quang Quyết) mới chỉ chiếu đôi lần phục vụ các chiến sĩ. Thậm chí, ở LHP Việt Nam vừa qua nó chỉ chiếu ở khu vực phim “Toàn cảnh” mà không hiện diện trong khu vực “Tranh giải”.
Tiểu đội hoa hồng chưa hẳn là bộ phim nghệ thuật đặc sắc... nhưng nó là một tác phẩm giản dị, phản ánh hiện thực gần gũi, đang thiếu trong một môi trường điện ảnh Việt đua nhau trưng trổ với với những drama. Những câu chuyện thường ngày ở một trại huấn luyện tân binh nữ và chuyện tình nhẹ nhàng nảy sinh giữa một nữ quân nhân với người đại đội trưởng phụ trách hầu như không có gì, nhưng dung dị len nhẹ lòng người. Nam chính không quá đẹp trai nhưng cương nghị, trầm ổn cũng là một hình tượng đẹp và gần gũi của người lính thời bình. Rất tiếc, trong đợt LHP Việt Nam vừa qua, nó không được bất cứ tờ báo nào nhắc đến.
Một bộ phim cũng bị “rơi” rất đáng tiếc năm qua là Giao lộ 8675 của đạo diễn Tân DS. Xuất thân là một đạo diễn phim quảng cáo, Tân DS đã thực hiện bộ phim điện ảnh đầu tay của mình ở dòng phim quảng bá du lịch.
Bộ phim gồm 3 câu chuyện độc lập: Một võ sĩ đến đất võ Bình Định tìm người thượng đài cùng. Một doanh nhân Việt kiều gặp gỡ một cô nàng ngoại quốc và cả hai có khoảng thời gian khám phá Sài Gòn bên nhau. Một nhạc sĩ - ca sĩ bế tắc đến Ninh Bình để tìm cảm hứng sáng tác và gặp một hướng dẫn viên trớt quớt. Song song với hành trình của các nhân vật là quảng bá du lịch và ẩm thực. Một bộ phim không thủ pháp cầu kỳ, không tham vọng sâu xa, chỉ là những lát cắt nho nhỏ, xinh xinh về cuộc sống và thuộc dạng phim “feel good movies, có tác dụng tưới tắm tâm hồn”. Diễn xuất của các diễn viên không đột phá nhưng tạm ổn. Bông hồng lai Emma Lê và Rocker Nguyễn nhẹ nhàng, thủ thỉ, Issac như mang chính mình vào phim còn La Thành thì hài hước, duyên dáng, cộng thêm việc được du lịch qua màn ảnh, phim này đáng lẽ phải được đón nhận nhiều hơn thay vì chỉ kiếm được hơn 2 tỷ đồng.
Nói chung, thị trường phim Việt hiện nay còn nhiều hiện tượng chưa được lành mạnh: Đánh giá thành bại dựa trên doanh thu, các suất chiếu có sự chênh lệch bất hợp lý đến bất công, sự đón nhận của truyền thông và phê bình chưa công bằng... Hy vọng, tình hình này sẽ được cải thiện và khắc phục trong thời gian tới.