Trong một khảo sát do tổ chức think tank Mỹ “Hội đồng Quan hệ đối ngoại” (Council on Foreign Relations, CRF) thực hiện, đã liệt kê những điểm nóng toàn cầu năm 2021 có khả năng cao nổ ra xung đột vũ trang.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Reagan và Nimitz trên Biển Đông ngày 6.7.2020.
Mới đây (14.1), tổ chức think tank Mỹ “Hội đồng Quan hệ đối ngoại” (Council on Foreign Relations, CRF) đã công bố báo cáo có tên “Khảo sát ưu tiên phòng ngừa” (Preventive Priorities Survey, PPS), theo đó dự đoán những khu vực trên thế giới có thể xảy ra xung đột vũ trang trong năm 2021 và mức độ ảnh hưởng của những xung đột này đối với Mỹ. Dưới đây là 4 điểm nóng cao nhất theo báo cáo khảo sát của CRF.
Bán đảo Triều Tiên khó lường
Tương tự năm 2020, Triều Tiên vẫn được xem là nơi đặc biệt nhạy cảm có khả năng xảy ra xung đột vũ trang cao và gây phiền phức lớn cho Mỹ.
Do hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa của Triều Tiên vẫn thường trực, các chuyên gia đối ngoại của Mỹ tham gia khảo sát đã thống nhất thừa nhận biểu hiện gần đây của Triều Tiên cho thấy mức độ gây xung đột vũ trang vào năm 2021 là rất cao. Paul Stares, chủ nhiệm dự án phụ trách cuộc điều tra trả lời Deutsche Welle, hãng truyền thông công cộng quốc tế của Đức, cho rằng đa số chuyên gia thừa nhận Triều Tiên sẽ không thúc đẩy phi hạt nhân hóa như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, thậm chí kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy có thể Triều Tiên còn gây áp lực lên Mỹ, thúc đẩy mạnh hơn phát triển vũ khí hạt nhân, vì vậy họ lo ngại xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể gây khủng hoảng nghiêm trọng.
“Tôi cho rằng kết quả của khảo sát này đã cho thấy vấn đề xu hướng gần đây việc Triều Tiên tiếp tục phát triển sức mạnh quân sự, buộc chính quyền Biden phải lập tức xử lý tình hình ngay sau khi nhậm chức”, ông cho biết.
Về vấn đề này, Derek Grossman, một nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao của tổ chức think tank RAND, cho biết rằng tin tức từ Triều Tiên gần đây cho thấy ông Kim Jong-un có thể có kế hoạch dùng cách thử tên lửa tầm xa hoặc vũ khí hạt nhân để buộc chính phủ Mỹ dưới thời ông Biden tái khởi động đàm phán với Triều Tiên.
Eo biển Đài Loan nhiều nguy cơ
Báo cáo khảo sát cũng cho thấy khả năng xảy ra xung đột vũ trang ở eo biển Đài Loan lên mức đặc biệt cao trong năm 2021. Đây cũng là xác suất xảy ra xung đột cao nhất ở eo biển Đài Loan kể từ khi CRF bắt đầu triển khai báo cáo điều tra vào năm 2008. Khảo sát chỉ ra thực trạng Trung Quốc ngày càng tăng cường áp lực kinh tế và chính trị đối với Đài Loan khiến eo biển Đài Loan trở thành ngòi nổ đặc biệt nhạy cảm của đột Mỹ - Trung Quốc.
Hãng tin Deutsche Welle cho biết người phụ trách chính cuộc điều tra Paul Stares chỉ ra nguy cơ đến từ hoạt động tích cực hỗ trợ Đài Loan một cách công khai trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, bao gồm việc nới lỏng các hạn chế đối ngoại giữa quan chức Mỹ và Đài Loan, nới lỏng bán vũ khí cho Đài Loan và cung cấp các hỗ trợ khác. Ông nói: “Trung Quốc cũng thể hiện thái độ ngày càng cứng rắn trong vấn đề Đài Loan. Để đáp trả thái độ công khai hỗ trợ Đài Loan của Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động răn đe Đài Loan.”
Paul Stares cho hay, qua xem xét toàn diện hai yếu tố này, các chuyên gia Mỹ lo ngại eo biển Đài Loan trở thành ngòi nổ đặc biệt nhạy cảm của đột Mỹ - Trung Quốc, thậm chí không loại trừ khả năng có cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn. Ông nói: “Hiện nay xung đột vì vấn đề Đài Loan có thể là một trong những xung đột tiềm ẩn nguy hiểm nhất toàn cầu. Nó cũng có thể là vấn đề mang tính quyết định trong diễn tiến xu hướng toàn cầu sau này”.
Leo thang xung đột biên giới Trung-Ấn
Ngoài ra, báo cáo điều tra của CRF cũng liệt kê xung đột biên giới Trung-Ấn kéo dài từ giữa năm ngoái là hiểm họa tiềm tàng mà thế giới phải quan tâm. Chuyên gia Paul Stares cho biết, đã từ lâu, xung đột biên giới Trung - Ấn hồi năm 2020 là biến cố đẫm máu hy hữu giữa hai nước. Kết quả khảo sát của CRF phản ánh lo ngại của các chuyên gia Mỹ về cuộc xung đột leo thang này, cũng cho thấy hầu hết các chuyên gia đều bi quan về nỗ lực giải quyết tranh chấp của hai bên.
“Thông thường người ta cho rằng tranh chấp biên giới sẽ không leo thang thành cuộc xung đột toàn diện, nhưng cuộc xung đột này có khả năng thay đổi quan điểm của Ấn Độ trong quan hệ với Trung Quốc, có thể biến Ấn Độ từ một quốc gia trung lập trong tranh chấp Trung-Mỹ thành một thế lực khu vực liên minh với phương Tây đối đầu với Trung Quốc”, ông nói với Deutsche Welle.
Cùng quan điểm, chuyên gia Derek Grossman của Công ty RAND cũng dự đoán rằng xung đột biên giới Trung-Ấn có thể phát triển thành một vấn đề khu vực lâu dài. Ông nói: “Trung Quốc và Ấn Độ có quan điểm khác nhau về cách giải quyết xung đột biên giới. Ấn Độ hy vọng sẽ khôi phục việc triển khai quân sự ở biên giới như trước khi xung đột nổ ra vào năm 2020, trong khi Trung Quốc muốn mở rộng lãnh thổ nhằm hy vọng tăng cường lợi thế, thực trạng này tiềm ẩn nổ ra cuộc chiến. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đang lên kế hoạch cho cuộc đàm phán quân sự lần thứ 9, nhưng tôi nghĩ rằng hai bên sẽ khó đạt được đồng thuận trong vòng đàm phán mới này”.
Biển Đông hạ nhiệt
Về xác suất xung đột ở Biển Đông, báo cáo của CRF đã cho thấy chiều hướng hạ nhiệt mức độ nguy cơ. Chuyên gia Paul Stares cho rằng điều này phản ánh cả Trung Quốc và Mỹ đều nhận thức cao về nguy cơ xung đột ở Biển Đông nên Trung Quốc giảm lập trường cứng rắn về Biển Đông, còn Mỹ cũng thận trọng hơn khi thúc đẩy các hoạt động trên biển ở khu vực này. “Trung Quốc và Mỹ đều nhận thấy tình hình ở Biển Đông đã ổn định trở lại, vì vậy niềm tin của các chuyên gia Mỹ về khả năng xung đột vũ trang nổ ra ở Biển Đông cũng giảm bớt”, ông nói với Deutsche Welle.
Nhưng Derek Grossman của Công ty RAND lại nhận định báo cáo của CRF đã đánh giá thấp khả năng xảy ra xung đột Mỹ - Trung Quốc trên Biển Đông. Qua Deutsche Welle, ông nói rằng gần đây Mỹ đã không ngừng thúc đẩy các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, chiều ngược lại khi bị Mỹ kích thích thì Trung Quốc cũng đã điều tàu chiến đến Biển Đông để cạnh tranh với Mỹ. Ông nhấn mạnh: “Tình hình như vậy có thể tiến triển thành xung đột vũ trang”.
Trong khi chuyên gia Paul Stares của CRF phân tích rằng chính quyền Tổng thống Biden đã thể hiện rõ nỗ lực để tăng cường quan hệ với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Việc ông bổ nhiệm Campbell, người có kinh nghiệm trong các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương để xử lý chính sách về Trung Quốc, cho thấy chính quyền Biden rất chú trọng tăng cường củng cố quan hệ của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.