Gom rác trên một bãi biển ô nhiễm, chặn làn xe máy, xe đạp lao lên vỉa hè là những hành động của khách Tây từng làm ở Việt Nam.
Khách Tây đến Việt Nam không chỉ dừng lại với những chuyến tham quan thắng cảnh, khám phá văn hóa địa phương, nhiều người sẵn sàng ra tay "nghĩa hiệp" đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân bản xứ.
Hướng dẫn đi đúng luật giao thông
Sáng 16.6, một người đàn ông ngoại quốc xuất hiện trên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng 8, gần vòng xoay Thánh Gióng, TP HCM. Anh ngăn đoàn những người lái xe máy, xe đạp đi lên vỉa hè.
Theo lời vài người chứng kiến, nhiều chủ phương tiện vẫn cố tình chạy xe trên lề đường, bất chấp sự ngăn cản của chàng trai Tây. Anh bị một số người chửi, đòi đánh, những người khác làm ngơ trước cảnh tượng đó.
Đây không phải lần đầu tiên những du khách nước ngoài xuống đường điều tiết giao thông. Hồi tháng 1.2017, mạng xã hội lan truyền video về hai chàng khách Tây dừng dòng xe theo tín hiệu đèn giao thông trên đường Phạm Hồng Thái, vòng xoay Phù Đổng, TP HCM.
Theo đó, hai chàng trai dùng còi, điều khiển dòng xe, đưa người đi bộ qua đường khi đèn đỏ, thúc giục xe cộ đi nhanh khi đèn xanh.
Trước đó, một du khách ngoại quốc từng gây sốt khi chặn cô gái đi xe máy trong phố cổ Hà Nội hồi tháng 8.2015. Anh cương quyết yêu cầu cô gái xuống xe, dắt bộ vì có nhiều trẻ em chơi trên phố, người dân xung quanh cũng phải lên tiếng, khuyên cô gái nghe theo lời chàng khách Tây.
Hành động này nhận được nhiều sự đồng tình. "Mình là người Việt Nam, mình sống trên đất nước mình và những quy định của đất nước mình tại sao lại để người nước ngoài nhắc nhở?", độc giả Hồ Trung Hiếu đặt câu hỏi. Trong khi đó, có ý kiến nhận định:"Khách nước ngoài họ rất nghiêm túc ở những con phố dành cho người đi bộ , chúng ta nên học tập".
Tự tay dọn rác
Hè 2015, cộng đồng người dùng Facebook tại Việt Nam truyền nhau tấm ảnh của anh Phạm Ngọc Long về hai du khách nước ngoài nhặt rác tại một khu du lịch Hải Phòng.
Tác giả của hai bức ảnh cho biết anh bấm máy khi đang chụp ảnh cưới cho khách. "Bãi biển khá đông người nhưng chỉ có hai du khách này nhặt rác", Long kể.
Hành động của họ khiến Long thấy nể phục, liền chụp lại và đăng tải lên trang cá nhân với mong muốn mọi người có ý thức giữ gìn vệ sinh hơn ở nơi công cộng.
Tháng 6.2016,Oksana Pavlova, du khách Nga đăng trên trang Facebook cá nhân hình ảnh một bãi biển ô nhiễm tại Mũi Né với rác thải vương vãi khắp nơi.
Qua dòng chia sẻ, Pavlova mong muốn các cơ quan chức năng Việt Nam có thể xem được những bức ảnh cô chụp và sớm vào cuộc xử lý để trả lại bờ biển sạch cho Mũi Né.Pavlova cũng kêu gọi mọi người cùng cô ra bãi biển dọn dẹp rác thải.
Trước đó, chị Ngân, độc giả VnExpress,chia sẻ về chuyến thăm Phú Yên của cô với một người bạn từ New Zealand hồitháng 5.2016. Anh bạn không đành nhìn rác trôi nổi tại Ghềnh Đá Đĩa nên lội xuống biển vớt, trước hàng trăm con mắt kinh ngạc của đám đông tại đó, chị Ngân cho hay.
Theo lời chị Ngân, những người có mặt đứng xem, quay phim, chụp ảnh khi anh bạn ngoại quốc vớt rác. Nhiều người hỏi thăm khi anh lên bờ, có người nói: "Người Tây họ ý thức tốt nhỉ?".
Qua câu chuyện, chị muốn gửi lời nhắn tới mọi người: "Chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ môi trường. Ai cũng ý thức một chút thì quang cảnh sẽ xanh sạch đẹp, nếu không ngành du lịch sẽ bị chết yểu, môi trường sống sẽ bị phá hủy bởi chính bàn tay chúng ta".
Theo Phạm Huyền/ VNE