Một số lượng lớn người Việt đi du lịch mà chẳng phân biệt được thế nào là homestay, khách sạn, nhà nghỉ và… resort. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu được phần nào các loại hình này.
1. Homestay
“Homestay” ở nước ngoài được hiểu là bạn sẽ sống ở trong căn nhà của người bản địa, có thể sẽ sống chung và sinh hoạt như thành viên trong một gia đình.
Homestay là một loại hình “du lịch xanh” lý tưởng đối với các bạn trẻ yêu thích khám phá văn hóa tại các vùng đất mới. Khi đi du lịch homestay, thay vì ở khách sạn hoặc nhà nghỉ các bạn sẽ ở ngay tại nhà của dân địa phương để có thể có một góc nhìn gần gũi và thực tế hơn với cách sống và nền văn hóa của chính họ. Khách được xem như một thành viên của gia đình và tham gia vào các sinh hoạt đời thường như ăn cơm chung mâm và trò chuyện trao đổi với các thành viên. Khách cũng được yêu cầu phải “nhập gia tùy tục” và biết cách tôn trọng các quy tắc và sự riêng tư nhất định của gia chủ.
Thực tế, homestay cũng là một dạng nhà nghỉ độc lập nhưng mang tính cá nhân (không nằm trong quần thể resort, khách sạn nào). Người đến thuê homestay đó cũng không khác gì thuê phòng khách sạn nhưng được không gian rộng hơn với đầy đủ đồ dùng hơn. Bù lại, chi phí thuê khu homestay cao cấp cũng đắt đỏ hơn và bạn sẽ phải tự phục vụ các nhu cầu của mình khi ở đây mà không hề có nhân viên hỗ trợ nào.
Đây có thể xem là phương thức hay và hiệu quả nhất để các bạn có thể rèn luyện ngoại ngữ, khả năng giao tiếp và vốn kiến thức về các nền văn hóa khác nhau từ nước bạn.
Một khi lựa chọn hình thức du lịch homestay, chắc chắn bạn sẽ không thể nào có được cảm giác thoải mái tuyệt đối như khi nghỉ dưỡng tại các khách sạn, resort… Nhưng bù lại, bạn có được những trải nghiệm đời thường thực tế và thú vị khi trực tiếp tham gia vào hoạt động của người dân địa phương. Cách tốt nhất cho chuyến homestay của bạn được vui vẻ là hãy "nhập gia tùy tục" và ứng xử như một người dân địa phương thực thụ. Khi ở chung với một người mà bạn chưa hề quen biết, hãy tôn trọng sự khác biệt của họ. Ví dụ như nếu họ chỉ ăn chay ghét thịt cá, đặc biệt là người theo đạo hồi không ăn thịt lợn… Hạn chế bày tỏ quan điểm riêng của bạn mà hãy tôn trọng họ, đặc biệt là về vấn đề tôn giáo. Trong sinh hoạt ăn uống, mỗi vùng có một đặc điểm, một nguyên tắc riêng. Có thể món ăn bạn chưa quen nhưng đừng tỏ ra khó chịu hay chê bai mà hãy vui vẻ chấp nhận và thích nghi.
Ở Việt Nam, những điểm du lịch ngày càng nhiều các homestay như Đà Lạt, Hội An, Bản Lác – Mai Châu; Sapa, làng chài Cửa Vạn – Quảng Ninh…
2. Hotel và Hostel
Trong khi Hotel theo nghĩa thông thường là những khách sạn tiện nghi có phân cấp rõ rệt thì dân đi du lịch bụi lại quen với khái niệm Hostel.
Thoạt nhìn về mặt ngữ nghĩa thì Hotel và hostel có vẻ giống nhau, nhưng thực tế, Hotel (khách sạn) và Hostel (nhà nghỉ) lại khác nhau hoàn toàn.
Hotel là khách sạn, là một công trình kiến trúc kiên cố, có nhiều tầng, nhiều phòng ngủ với trang thiết bị, tiện nghi, đồ đạc chuyên dùng nhằm mục đích kinh doanh các dịch vụ lưu trú, nghỉ ngơi, ăn uống và các dịch vụ kèm theo khác như nhà hàng, spa, bar, gym room, massage, hồ bơi… Hotel có chất lượng phục vụ tốt và giá mắc hơn.
Theo mức độ tiện nghi phục vụ, khách sạn được phân hạng theo số lượng sao từ 1 đến 5 sao.
Bạn cần phân biệt rất rõ giữa Hotel và Hostel (nhà nghỉ). Nếu hotel được phân chia cấp sao rõ ràng và có những tiêu chuẩn nhất định thì hostel là nhà nghỉ giá rẻ. Hostel thường có giường nhiều tầng, giống như giường ở các khu ký túc xá. Thêm nữa, hostel thường dành cho dân du lịch bụi.
Một hostel sẽ có nhiều kiểu phòng, bao gồm loại phòng 4 giường, loại phòng 6 giường, loại phòng 10 giường. Không giống như các khách sạn, nhà nghỉ khác, khách vào thuê phòng không được là người đồng giới thì ở hostel lại rất cởi mở trong vấn đề này. Có loại phòng phân biệt giới tính rõ rệt, có loại phòng cho phép trộn lẫn các giới tính với nhau. Thậm chí, có những hostel chỉ dành cho các đôi tình nhân.
3. Resort
Resort là loại hình nghỉ dưỡng được xây dựng độc lập thành các quần thể gồm các căn biệt thự, villa, các căn hộ, bungallow… ở khu vực có cảnh quan đẹp, môi trường thiên nhiên đẹp, hấp dẫn nhằm mục đích chính chủ yếu là phục vụ du khách đến nghỉ dưỡng, tham quan và ngắm cảnh.
Những khu resort phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản như giải trí, nghĩ dưỡng, tham quan của du khách trong và ngoài nước thì mới được gọi là Resort. Resort thường có đặc điểm chung là yên bình, xa khu dân cư, hòa mình với thiên nhiên, có không gian và cảnh quan rộng.
Ở Việt Nam, đa số các resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp đều nằm cạnh ven biển như Phú Quốc, Côn Đảo, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng...
Hiện nay, các Resort cũng được đánh giá theo sao từ 1 sao (★) đến 5 sao (★★★★★) tùy theo mức độ tiện nghi, hiện đại, khả năng đáp ứng và phục vụ du khách, chất lượng cũng sẽ tăng, và vì vậy giá cả cũng sẽ tăng theo số sao này.
4. Bungalow
Bungalow là loại nhà tiêu biểu của người Ấn Độ, tồn tại từ thế kỷ thứ 17. Ban đầu, đây là loại nhà xây dựng đơn giản cho các thủy thủ đến từ Anh. Bungalow là loại nhà dành cho người lao động trung bình trong thành phố. Nhà chỉ có một tầng, nhỏ nhắn, cho gia đình một thế hệ. Tuy nhiên, với cùng khái niệm này, tại Bắc Mỹ và Anh, một bungalow có thể rộng hơn rất nhiều, cho các gia đình mở rộng. Cụm từ này không lâu sau đó đã được phổ biến sang châu Phi rồi châu Á.
Ở phương Tây, Bungalow chính là loại hình nhà cho người độc thân trong rừng, bên bờ suối… chỉ có chỗ ngủ, toilet, bếp nấu nhỏ. Những ngôi nhà gỗ trên cây, những container cho những người vô gia cư...
Kiểu nhà bungalow đã du nhập vào Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây và chủ yếu xuất hiện trong các khu nghỉ dưỡng cao cấp dọc bãi biển. Với yêu cầu diện tích mặt bằng tương đối lớn nên kiểu nhà này không thích hợp để xây dựng của các đô thị lớn, vì thế mà bungalow chỉ phổ biến ở các khu nghỉ dưỡng ven biển, đặc biệt là ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Bình Thuận, Phú Quốc,…
Các bungalow trong resort hiện nay lại là những ngôi nhà đẹp, tiện nghi và thoải mái hơn. Vật liệu được dùng để xây dựng các bungalow thường là: gỗ, mây, tre, nứa… Một bungalow trong resort thường có nơi tiếp khách, nơi làm việc, chỗ để đồ, phòng ngủ, phòng xông hơi,… Diện tích của một bungalow tùy thuộc vào loại cho một khách, hai khách hay cho gia đình nhưng diện tích rộng nhất thường không quá 150 m2.
Nhật Hạ (T/H)