Trên mạng đầy lời khuyến cáo thực phẩm đóng hộp “đầy hóa chất” và kém lành mạnh hơn thực phẩm tươi sống. Nhưng trên thực tế, chúng không xấu như vậy.
Lầm tưởng phổ biến nhất là thực phẩm đóng hộp không dinh dưỡng bằng thực phẩm tươi sống. Điều này hoàn toàn sai lầm. Quá trình đóng hộp - gồm cả làm nóng thực phẩm để bảo quản - có thể giữ lại dưỡng chất. Chắc chắn một số vitamin như vitamin C bị ảnh hưởng, nhưng đổi lại ta nhận được sản phẩm thời hạn sử dụng cực kỳ dài với giá cả phải chăng.
Ví dụ, mơ đóng hộp có hàm lượng beta-carotene cùng chất chống oxy hóa cao hơn mơ tươi. Tương tự, giá trị dinh dưỡng của đào đóng hộp bằng với đào tươi.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nhiều loại trái cây đóng hộp đã bỏ vỏ trong quá trình bảo quản. Vỏ của trái cây như táo hay lê chứa một lượng dưỡng chất đáng kể gồm chất chất oxy hóa, chất xơ và các thành phần có lợi khác, nên việc mất đi lớp vỏ làm giảm hàm lượng dinh dưỡng tổng thể.
Việc dành thời gian đọc nhãn thực phẩm và hiểu rõ lợi ích cụ thể của từng loại trái cây có thể giúp ta chọn ra loại giữ được nhiều dưỡng chất hơn.
Ngoài lo ngại về dinh dưỡng, mọi người còn lo ngại về hóa chất. Bên trong lon nhôm thường được phủ BPA (viết tắt của “bisphenol A”) để chống gỉ và giữ thực phẩm tươi ngon. Nhiều nghiên cứu ghi nhận chất này có thể ngấm vào thực phẩm gây ra vấn đề sức khỏe. Nhưng tin tốt là ngành thực phẩm đã lắng nghe nên họ đã bắt tay vào thay đổi.
Ngày nay, hầu hết lon nhôm đều không chứa BPA. Cơ quan quản lý đặt ra tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo mọi vật liệu dùng cho bao bì thực phẩm phải được kiểm tra kỹ lưỡng và đủ an toàn. Các đơn vị sản xuất dán nhãn “không BPA” trên nhãn thực phẩm, nếu lo lắng thì chỉ cần kiểm tra nhãn.
Một lầm tưởng khác là tất cả thực phẩm đóng hộp đều được ngâm trong muối cùng chất bảo quản. Lầm tưởng này có thể xuất phát từ suy nghĩ rằng bất cứ thứ gì tồn tại lâu dài đều cần công thức độc hại nào đó. Nhưng trên thực tế, chính quá trình đóng hộp đóng vai trò “chất bảo quản”. Nhờ tồn tại trong môi trường vô trùng hút chân không mà thực phẩm vẫn an toàn để ăn mà chẳng cần đến hóa chất. Nhiều sản phẩm chỉ chứa 2 hoặc 3 thành phần, thậm chí chỉ là thực phẩm cùng nước.
Còn về muối (trên nhãn thường ghi natri hoặc sodium), đúng là một số sản phẩm như súp và nước sốt cần chất này. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường không thiếu sản phẩm chứa ít hoặc không muối. Với rau hoặc sản phẩm đóng hộp ta chỉ cần để ráo rồi rửa lại bằng nước sạch là loại bỏ được 40% natri.
Ưu điểm của thực phẩm đóng hộp
Đầu tiên là sự tiện lợi. Thực phẩm đóng hộp đều đã được chuẩn bị sẵn và sẵn sàng sử dụng. Ta chẳng cần gọt vỏ, thái nhỏ, ngâm hay xử lý gì nữa. Tất cả hoàn hảo để ăn ngay hoặc chế biến thêm.
Thứ hai là giá cả phải chăng. Thực phẩm tươi sống có thể rất đắt đỏ, đặc biệt nếu trái mùa. Thực phẩm đóng hộp đem lại lựa chọn thay thế với giá thấp hơn, luôn có sẵn mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng
Ngoài ra, đừng quên rằng thực phẩm đóng hộp có thời hạn sử dụng dài chứ không như thực phẩm tươi sống phải dùng ngay hoặc chỉ để được vài ngày trong tủ lạnh. Chính vì để được lâu nên thực phẩm đóng hộp cũng giúp giảm tình trạng lãng phí.
Thực phẩm đóng hộp còn tăng cường dinh dưỡng cho bạn. Nhiều lựa chọn như cá, đậu, rau đóng hộp cung cấp vô số dưỡng chất thiết yếu, protein hay chất béo lành mạnh. Thêm vào đó chúng đồng nhất về chất lượng.
Chọn thực phẩm đóng hộp sao cho đúng cách?
Khi chọn, quan trọng nhất là phải chú ý thành phần. Ta nên chọn sản phẩm ít thành phần bổ sung – tốt nhất chọn loại chỉ gồm thực phẩm và nước. Tránh loại thêm đường, muối, chất bảo quản.
Tiếp theo hãy tìm nhãn “không BPA”. Mặc dù hầu hết lon đựng thực phẩm đóng hộp hiện nay đều không có chất này nữa, nhưng ta vẫn nên kiểm tra lại.
Hãy ưu tiên sản phẩm ít muối để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Nếu món ăn muốn chế biến cần muối, ta có thể thêm sau.
Cuối cùng, hãy kiểm tra xem lon có vết lõm rõ ràng, rỉ sét hay nắp bị phồng hay không. Đây là những dấu hiệu cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm. Và tất nhiên, bạn hãy nhớ xem hạn sử dụng của sản phẩm.