Tác động của việc sử dụng nhựa toàn cầu đã đạt đến mức đáng báo động. Dựa trên những dữ liệu mới nhất , 9 tỉ tấn nhựa được sản xuất từ ​​những năm 1950, tạo ra 7 tỉ tấn chất thải. Chất thải nhựa không chỉ gây hại cho môi trường và đe doạ tính mạng của động vật mà còn gây hại cho quần thể người.

Những nỗ lực hồi sinh môi trường trên bình diện toàn cầu

23/10/2018, 20:28

Tác động của việc sử dụng nhựa toàn cầu đã đạt đến mức đáng báo động. Dựa trên những dữ liệu mới nhất , 9 tỉ tấn nhựa được sản xuất từ ​​những năm 1950, tạo ra 7 tỉ tấn chất thải. Chất thải nhựa không chỉ gây hại cho môi trường và đe doạ tính mạng của động vật mà còn gây hại cho quần thể người.

Seattle trở thành thành phố lớn đầu tiên của Mỹ cấm sử dụng ống hút nhựa

Một trong những yếu tố nguy hiểm nhất của chất thải nhựa là những mảnh vụn nhỏ xíu được gọi là vi mô. Chúng gây hại cho môi trường, chủ yếu là đại dương và với số lượng lớn hơn nhiều so với suy nghĩ ban đầu. Một nghiên cứu gần đây cho thấy số lượng vi mô đã đạt tới 51 nghìn tỷ hạt, tương đương 236.000 tấn, trên toàn cầu. Những hạt nhỏ này có thể kết thúc trong dạ dày của con người thông qua nước uống hoặc ăn hải sản, có thể gây ra những rủi ro khôn lường về sức khoẻ.

Các nước "tuyên chiến" với nhựa

Thế giới đã ghi nhận nỗ lực của các nước trong việc bảo vệ môi trường, cụ thể là ban hành các chính sách chống nhựa hoặc thu hồi nhựa để tái chế.

Năm 2017, Kenya đã ban hành một trong những luật cứng rắn nhất thế giới về túi nilon. Đó là nếu sản xuất, bán hoặc thậm chí là sử dụng túi nilon ở Kenya, bạn có thể bị bỏ tù tới 4 năm hoặc bị phạt 40.000 USD. Luật này thậm chí còn cho phép cảnh sát Kenya có thể đi theo bất cứ ai đang xách theo túi nilon.

Ruth Kwamboka, chủ một gian hàng xén tại Kawangware, Nairobi, Kenya bán các túi đựng hàng có thể phân huỷ cho khách hàng - Ảnh: Jennifer Huxta đăng trên The Guardian

Nhiều thành phố của Mỹ cũng “tuyên chiến” với ống hút nhựa như: Seattle phát động chiến dịch “Không ống hút nhựa tại Seattle”, New York đang xem xét cấm hoàn toàn sử dụng ống hút nhựa.

Anh cũng đang xem xét cấm nhựa dùng một lần, bao gồm cả ống hút và tăm bông nhựa vào đầu năm 2019.

Seattle trở thành thành phố lớn đầu tiên của Mỹ cấm sử dụng ống hút nhựa. Chỉ trong tháng 9 năm 2017, đã có 150 doanh nghiệp tại đây tham gia vào chiến dịch này và ngay lập tức làm giảm đi 2.3 triệu ống hút nhựa, theo ước tính của tổ chức Strawless Ocean.

Nhiều quốc gia khác cũng đang khuyến khích thu hồi nhựa để tái chế thông qua các chính sách đổi rác thải nhựa để lấy vé sử dụng các phương tiện giao thông công cộng miễn phí. Ở Bắc Kinh, có thể mua vé tàu cao tốc bằng chai nhựa. Điều tương tự diễn ra khi muốn mua vé xe buýt ở Surabaya, Indonesia. Tại Istanbul, hành khách có thể đổi nhựa để nạp tiền vào thẻ metro – vốn là loại thẻ được sử dụng cho hầu hết các phương tiện giao thông công cộng tại đây. Trong khi đó, Sydney thì vận hành máy bán hàng tự động đảo ngược công nghệ cao, có thể nhận rác thải nhựa để đổi lấy vé xem phim, vé xe buýt…

Máy nhận rác thải nhựa (như chai nước suối, cốc nhựa…) để đổi lấy vé tàu cao tốc tại Bắc Kinh

Indonesia và Anh: Đột phá trong nghiên cứu rong biển làm nguyên liệu thay thế

Hiện nay, các nguyên liệu thường được sử dụng để sản xuất nhựa sinh học là ngô, mía, dầu thực vật và tinh bột. Tuy nhiên, việc sử dụng các thành phần này cho nhựa đã gây ra một số lo ngại. Đầu tiên, việc sản xuất nhựa sinh học đòi hỏi phải đầu tư rất lớn vào đất, phân bón và hóa chất. Thứ hai, việc sử dụng các loại cây này cho nhựa sẽ kích thích sự cạnh tranh giữa thực vật đối với thực phẩm so với thực vật đối với chất dẻo, điều này sẽ dẫn đến tăng giá lương thực và khủng hoảng lương thực.

Rong biển, cho đến nay, là ứng cử viên tốt nhất cho nhựa sinh học vì nó có thể vượt qua cả hai thách thức trên. Đầu tiên, nó rẻ. Không giống như các loại thực vật trên cạn khác, rong biển có thể phát triển không cần phân bón. Nó không chiếm không gian lớn trên đất liền vì nó phát triển ngoài khơi. Bằng cách sử dụng rong biển cho nhựa sinh học, việc sản xuất các mặt hàng nông sản thực phẩm sẽ vẫn còn nguyên vẹn, do đó không tăng giá lương thực cũng như khủng hoảng lương thực sẽ không xảy ra.

Indonesia là quần đảo lớn nhất thế giới và hai phần ba lãnh thổ là nước. Quốc gia này là một trong những nước sản xuất rong biển lớn nhất thế giới, chiếm hơn 1/3 sản lượng rong biển toàn cầu. Xuất khẩu rong biển của Indonesia có giá trị khoảng 200 triệu USD vào năm 2014, với sản lượng báo cáo tăng khoảng 30% mỗi năm.

Indonesia là nơi thích hợp để trồng rong biển đỏ - nguyên liệu chính để sản xuất nhựa sinh học do khí hậu, chất dinh dưỡng và điều kiện địa lý phù hợp

Indonesia cũng đi trước các quốc gia khác trong việc phát triển các loại nhựa dựa trên rong biển. Công ty Indonesia Evoware đã phát minh ra chén và hộp đựng thức ăn làm từ rong biển nuôi và đã bắt đầu kinh doanh mặt hàng này.

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy tiềm năng to lớn của rong biển là một vật liệu thay thế cho nhựa sinh học. Tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm để đảm bảo rằng nhựa dựa trên rong biển có thể được áp dụng cho các sản phẩm nhựa khác.

Với tiềm năng của mình, Indonesia sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nhựa sinh thái từ rong biển để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhựa toàn cầu. Khi chai nước hoặc túi mua hàng từ nhựa từ rong biển trở thành chất thải, chúng ta sẽ không có gì phải lo lắng vì chất thải sẽ chỉ trở lại nơi nó đến.

Những chiếc cốc làm từ rong biển của công ty Indonesia Evoware.

Một công ty ở Anh đã sáng chế ra viên đựng nước từ rong biển. Như vậy, giờ đây khi khát nước, thay vì mở một chai nhựa, mọi người có thể cầm một viên nước lên cho vào miệng vào nhai.

Viên nang đựng nước làm từ rong biển được sáng chế từ Phòng thí nghiệm Skipping Rocks Lab, một startup về lĩnh vực đóng gói bền vững của Anh.

Chất liệu tạo nên màng bọc của viên nước này được sản xuất từ tảo nâu. Đây được coi là chất liệu rất an toàn và có thể mọc lại sau khi được thu hoạch một cách nhanh chóng.

Mặc dù việc đưa viên nước này vào sử dụng rộng rãi vẫn chưa khả thi tại thời điểm này, nhưng nhiều chuyên gia dự báo viên nước này cùng với những đồ dùng ăn được như ống hút, cốc, đĩa, thìa… hoàn toàn có thể là lời giải cho một tương lai không có nhựa của thế giới.

Pháp: Cấm vứt bỏ thực phẩm hết hạn, tiến tới cấm vứt bỏ áo quần "ế"

Năm 2016, Pháp đối mặt với vấn đề ngày càng tăng số lượng người vô gia cư đi lục lọi thực phẩm thừa của các siêu thị, cửa hàng trong thùng rác. Điều này khiến các chủ cửa hàng phải lắp thêm ổ khóa xung quanh thùng rác của họ, để tránh việc thực phẩm bỏ đi bị người vô gia cư bới tung lên. Trước tình huống đó, thay vì vứt bỏ thực phẩm, Pháp đã thông qua một đạo luật yêu cầu các cửa hàng này phải quyên tặng chúng cho những tổ chức từ thiện. Và giờ đây Pháp là nước lãng phí ít thực phẩm nhất trên thế giới.

Một cách tiếp cận tương tự có thể được thực hiện với chất thải quần áo vào năm 2019 khi Thủ tướng Edouard Philippe có mục tiêu tạo ra một nền kinh tế tròn ở Pháp. Trong số rất nhiều đề xuất, ý tưởng cấm ném đi bất kỳ trang phục nào không được bán đang được đánh giá cao.

Số lượng quần áo không bán được và bị tiêu huỷ tại các cửa hàng ở Châu Âu là 4 triệu tấn mỗi năm, theo Fashion Network

Theo Fashion Network, mỗi năm Pháp đóng góp 17,5% vào số quần áo vứt đi của Châu Âu với 700.000 tấn, và chỉ có 22,9% trong số này được tái chế. Để sản xuất ra một chiếc áo sơ mi phải cần đến 2.700 lít nước, tương đương với số lượng nước trung bình mà một người uống trong 2 năm rưỡi. 1 tấn quần áo được tái chế sẽ giúp giảm phát thải 11 tấn khí carbon dioxide.

Sau chất thải dệt may, chất thải điện tử, nội thất, và khách sạn sẽ là mục tiêu xem xét tiếp theo của Pháp.

Nga Huyền (Theo Weforum, The Guardian, IndiaTimes)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những nỗ lực hồi sinh môi trường trên bình diện toàn cầu