Người bệnh viêm gan cấp tính thường có những triệu chứng như: Không muốn ăn uống, miệng đắng; rối loạn tiêu hóa, trướng bụng, tức ngực; người nóng bứt rứt, đau tức vùng hạ sườn phải, sờ thấy gan to; vàng da, tiểu tiện vàng, táo bón, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô.
Những triệu chứng của bệnh gan
Nếu bị nặng có thể sốt cao, nói sảng, hôn mê… Viêm gan cấp tính có thể do nhiễm độc thuốc và thực phẩm, nhiễm trùng, sốt rét, nhiễm virút… Do đó, việc ăn uống và chế độ sinh hoạt có ý nghĩa rất lớn đối với người bị viêm gan.
Viêm gan mãn tính thường gặp ở người nhiều tuổi, ngoài những triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, vàng da, vàng mắt, sợ đồ mỡ, người mệt yếu còn có hiện tượng sức tập trung và khả năng làm việc trí óc suy giảm, thỉnh thoảng bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu dưới da; ấn vào vùng gan có cảm giác đau… Có hiện tượng hủy tế bào gan, men gan (SGOT, SGPT) tăng.
Viêm gan mãn tính có thể dẫn tới xơ gan, xơ gan cổ trướng. Xơ gan là bệnh không hồi phục được, việc điều trị rất khó khăn. Người ta có thể áp dụng biện pháp ghép gan, tuy nhiên biện pháp này rất tốn kém, yêu cầu nhiều kỹ thuật hiện đại. Để phòng ngừa xơ gan, cần lưu ý đến các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của các bệnh viêm gan do virút (do quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung bơm kim tiêm...). Điều quan trọng là phải tiêm phòng vaccin viêm gan đúng yêu cầu, đặc biệt là vaccin viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Đồng thời, cần điều trị triệt để một số bệnh có thể gây xơ gan như suy tim, viêm gan, sỏi mật.
Những loại thực phẩm cần tránh
Người bị bệnh gan cần kiêng cữ các loại thực phẩm nhiều gia vị kích thích, có vị cay như: tiêu, ớt, hành, tỏi, cà ri, gừng, mù tạt…; các thức ăn có nhiều chất đạm, tính nóng, như: thịt dê, thịt chó, ba ba, lòng đỏ trứng gà…; các loại đậu hạt có nhiều chất béo như: đậu phộng, hạt điều, hạt hướng dương… hoặc các món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ khó tiêu, có nhiều nguyên liệu có tính nóng, cay, chua, mặn quá. Ngoài ra, một số thực phẩm có chứa độc tố như: măng tươi, sắn tươi, khoai mì, cà chua còn xanh, khoai tây mọc mầm… cũng gây tổn hại cho gan.
Độc tố aflatoxin có trong các thực phẩm mốc như đậu phộng, đậu nành, gạo mốc… là một nguy cơ gây hại cho gan, có thể dẫn tới ung thư gan. Trước bữa cơm, không nên ăn đồ ngọt để tránh ảnh hưởng sự thèm ăn. Trong những người mắc bệnh viêm gan, có một số người có hiện tượng đường trong máu tăng cao và có thể xuất hiện tiểu đường.
Khi phát hiện bụng trướng, nên ngưng dùng sữa bò và đường. Để phòng ngừa bụng trướng, muối ăn cũng cần hạn chế. Mỗi ngày dùng muối (kể cả nước mắm, nước chấm, nước tương…) tương đương 3 - 5g. Lúc xuất hiện triệu chứng phù thũng và bụng trướng thì cần phải giảm hơn nữa lượng muối ăn. Lúc ăn uống theo chế độ giảm lượng muối hoặc cữ muối, cần phải cải thiện cách phối chế thức ăn, có thể dùng nước cà chua có vị chua ngọt để nêm vào thức ăn. Nếu phát hiện bị thủy thũng hoặc công năng thận có trở ngại, nên hạn chế ăn muối, mỗi ngày lượng muối dùng không quá 4g. Uống đủ nước để bù lượng nước đã tiểu ra ngày hôm trước.
Nếu bệnh quá nặng thì phải căn cứ tình hình viêm thận mà xử lý trước. Cần triệt để kiêng cữ thuốc lá, rượu, các thực phẩm quá nhiều chất béo, có thể sinh đàm, gây lạnh. Bệnh xơ gan dễ bị xuất huyết, nên tránh ăn những loại thức ăn có độ cứng, dai, khó tiêu hóa, nhất là chiên xào nhiều dầu mỡ. Một số cá biển có chứa chất làm khó đông máu như: cá thu, cá ngừ, cá sardine…; nếu ăn quá nhiều cũng có thể làm cho người bệnh gan bị xuất huyết. Nếu huyết áp tăng cao hơn mức cho phép thì phải khống chế lượng chất đạm thu vào. Tuyệt đối không dùng các loại gia vị cay nồng, rượu và thuốc lá; kiêng cữ ăn các thức ăn nhiều chất chua chát và quá nhiều dầu mỡ.
Các món hải sản nấu không chín, hải sản tươi sống được chế biến theo dạng gỏi, các loại bao tử của cá lóc, cá ba sa… có thể gây nguy cơ ngộ độc, nhiễm ký sinh trùng. Hoa hiên (kim châm) chứa nhiều vitamin A và C, rất có ích cho sức khoẻ. Tuy nhiên, loại hoa này nếu ăn khi chưa được nấu chín thì sẽ gây hại cho sức khoẻ. Hạt dẻ sống, mật ong còn sống, mộc nhĩ tươi hay một số loại đậu như đậu đũa, đậu ván, đậu cô-ve… cũng dễ khiến cơ thể trúng độc.
Một số chất phụ gia thực phẩm cũng cần được lưu tâm đề phòng như: Hàn the (borax), muối diêm, chất tẩy màu công nghệ để tẩy trắng thực phẩm như bánh tráng, bánh phở, bún, miến, bún tàu, hủ tiếu… Các loại hải sản ướp bằng phân urê và một số thành phần như chì, thủyngân, cadmium, thạch tín (có trong các chất phụ gia dùng để làm lá gói bánh hoặc một số thực phẩm có màu xanh tươi), có thể gây hại cho gan, thận và dẫn tới ung thư.
Lương y Đinh Công Bảy