Huyện Bình Tân tỉnh Vĩnh Long được xem như “rốn khoai” của miền Tây Nam Bộ. Thị trường xuất khẩu khoai chủ yếu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Nay Bình Tân đang ấp ủ kế hoạch xuất khoai sang các thị trường khó tính bằng đường chính ngạch.

Những việc cần làm để ‘rốn khoai’ miền Tây xuất hàng ra thế giới

Nguyên Việt | 16/03/2022, 16:19

Huyện Bình Tân tỉnh Vĩnh Long được xem như “rốn khoai” của miền Tây Nam Bộ. Thị trường xuất khẩu khoai chủ yếu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Nay Bình Tân đang ấp ủ kế hoạch xuất khoai sang các thị trường khó tính bằng đường chính ngạch.

Hai điều kiện tiên quyết

Khoai lang là cây trồng chủ lực của huyện Bình Tân với diện tích trồng hằng năm hơn 10.000ha, sản lượng trung bình 300.000 tấn. Với sự nỗ lực của nông dân và địa phương, hiện có 220ha diện tích trồng khoai đã đạt chứng nhận VietGAP và hướng tới sản xuất theo hướng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp).

Trao đổi với PV Một Thế Giới, ông Nguyễn Văn Tập - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết nông dân trồng khoai đang từng bước thay đổi tập quán theo kiểu truyền thống sang ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Điều này giúp người dân tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Từ trước đến nay, việc xuất khẩu khoai lang chủ yếu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, dẫn đến rất nhiều rủi ro cho cả nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Việc chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch là rất cần thiết và là giải pháp mang tính bền vững.

khoai-lang-binh-tan.jpg
Nông dân huyện Bình Tân thu hoạch khoai lang - Ảnh: H.X

Để được xuất khẩu chính ngạch, điều kiện tiên quyết là phải thiết lập, xây dựng được các mã số vùng trồng khoai lang và xây dựng các cơ sở đóng gói phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu. “Địa phương đang cùng với các ban ngành có liên quan như Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật; UBND các xã; các cơ sở đăng ký đóng gói, xuất khẩu khoai lang và đặc biệt là nông dân, khẩn trương thực hiện để đạt được 2 điều kiện tiên quyết này.

Hiện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp trên cấp mã số cho 8 vùng trồng khoai đạt yêu cầu với diện tích hơn 215ha. Huyện cũng đang tiếp tục phối hợp với chi cục để bổ sung, hoàn thiện thêm các vùng trồng mới trong thời gian tới. Đối với các cơ sở đóng gói, các doanh nghiệp cũng đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn quy định”, ông Tập thông tin thêm.

ong-tap.jpg
Ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân - Ảnh: H.D

Về vấn đề thị trường, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết trước đây khoai lang Bình Tân (chủ yếu là khoai lang tím) đã từng được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Singapore… Tuy nhiên, do yêu cầu khắt khe của nước nhập khẩu nên số lượng xuất chưa được nhiều. Thời gian tới, bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã… huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị có liên quan, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ khoai lang để góp phần nâng cao giá trị mặt hàng này.

Một vấn đề khác trong việc nâng tầm khoai lang Bình Tân được UBND huyện đặt ra là cần có chính sách, cơ chế để xây dựng mô hình nhân giống khoai lang. “Hiện tại địa phương chưa có cơ sở sản xuất giống đạt tiêu chuẩn, trong khi đó các chính sách khuyến nông có mức hỗ trợ quá thấp”, ông Tập cho biết.

Nông dân cần làm gì?

Đối với nông dân trồng khoai, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân lưu ý cần bắt tay vào làm những việc sau:

Thứ nhất: Cần ghi chép thông tin sản xuất (hay còn gọi nhật ký canh tác), đây là yêu cầu bắt buộc đối với người dân khi canh tác khoai lang nếu muốn xuất khẩu khoai lang chính ngạch.

Thứ hai: Tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo không sử dụng các thuốc mà nước nhập khẩu cấm sử dụng. Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách), đảm bảo thời gian cách ly.

khoai-lang.jpg
Nông dân cần lưu ý 4 vấn đề để khoai lang Bình Tân đạt điều kiện xuất khẩu chính ngạch - Ảnh: A.H 

Thứ ba: Tuân thủ các điều kiện về canh tác, như áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), trong đó đặc biệt chú ý đến khâu vệ sinh đất, thu dọn tàn dư thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại, các vấn đề về thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.

Thứ tư: Yêu cầu về quản lý sinh vật gây hại, khi đăng ký xây dựng các vùng trồng, nông dân sẽ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, hỗ trợ để đáp ứng đúng, đầy đủ các yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Trong đó quan trọng nhất là sự hợp tác của người dân.

ruong-khoai.jpg
Một ruộng khoai ở huyện Bình Tân - Ảnh: A.H

Ông Sơn Văn Luận – Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Thanh Ngọc (xã Tân Thành, huyện Bình Tân) cho biết nông dân sẵn sàng tiếp thu và làm những việc cần làm để khoai lang Bình Tân xuất sang được các thị trường khó tính. “Nông dân chúng tôi cần sự hướng dẫn trong toàn bộ quy trình trồng khoai để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Nâng cao giá trị khoai lang Bình Tân là giấc mơ của nhiều nông dân ở đây”, ông Luận nói.

Cùng quan điểm, anh Võ Văn Tước nông dân trồng khoai cùng xã Tân Thành nói với PV Một Thế Giới rằng: “Trồng khoai lang sạch rất khó, nhưng nếu được sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngành chức năng, nông dân chúng tôi tự tin làm được. Nhiều năm qua, nhiều bà con đã không còn mặn mà với khoai lang, nhưng nếu có thị trường, bà con sẽ gắn bó trở lại với loại cây truyền thống này”, anh Tước khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tập trung thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao
41 phút trước Tài chính và đầu tư
Thủ tướng yêu cầu tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là đối với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những việc cần làm để ‘rốn khoai’ miền Tây xuất hàng ra thế giới