Không những được ví là “Đà Lạt của Quảng Ngãi”, vây quanh ngọn núi Cà Đam còn là những cánh rừng hoang sơ bạt ngàn, với bao sản vật quý giá. Vì vậy thời gian gần đây chính quyền huyện Trà Bồng đã và đang triển khai một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng Cà Đam thành khu du lịch sinh thái của tỉnh nhà trong tương lai.

Những viên gạch nền cho ‘Thủ phủ du lịch Cà Đam’

Lê Đình Dũng | 19/10/2017, 10:18

Không những được ví là “Đà Lạt của Quảng Ngãi”, vây quanh ngọn núi Cà Đam còn là những cánh rừng hoang sơ bạt ngàn, với bao sản vật quý giá. Vì vậy thời gian gần đây chính quyền huyện Trà Bồng đã và đang triển khai một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng Cà Đam thành khu du lịch sinh thái của tỉnh nhà trong tương lai.

>>Tháo gỡ rào cản, mở rộng đường mời gọi các nhà đầu tư vào Quảng Ngãi

Quyến rũ Cà Đam

Là ngọn núi cao nhất ở Quảng Ngãi, với độ cao hơn 1.400m so với mặt biển và được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh,khí hậu ở khu vực núi Cà Đam (xã Trà Bùi, huyện miền núi Trà Bồng, Quảng Ngãi) vì thế mát mẻ quanh năm.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì Cà Đam chưa đủ để được ví von là "Đà Lạt của Quảng Ngãi”. Bất kể khi nào dù trưa, hay sáng; dù hè hay đông từ trên đỉnh núi, sương mù bất ngờ ào ạt tràn xuống. Chẳng mấy chốc, vạn vật xung quanh chỉ còn là những cái bóng mờ ảo. Và chỉ một thoáng sau, cũng như khi đến, màn sương trắng tan nhanh. Bầu trời lại trong vắt như trước đó sương chưa đến bao giờ.

Cà Đam là vậy, hơi đỏng đảnh nhưng đẹp và quyến rũ vô cùng. Và sẽ là một thiếu sót lớn nếu nói đến Cà Đam mà quên thác Ba Tầng.

Một góc cảnh núi Cà Đam

Thác Ba Tầng trắng xóa

Theo người dân ở các bản làng trong vùng thì gọi tên như vậy là do tạo hóa khéo chia thác này thành 3 tầng thác nối tiếp nhau. Ở mỗi tầng thác là các hồ nước trong xanh. Vẻ đẹp của thác Ba Tầng được ví như người con gái của vùng sơn cước – nồng nàn nhưng mạnh mẽ và hoang dã.

Trong những ngày trời nắng đẹp và trong, dòng nước đổ xuống bọt tung trắng xóa từ trên đỉnh núi xuống và trở nên hiền hòa, êm dịu ở đoạn dưới chân. Trong cái yên tĩnh vốn có của núi rừng, tiếng nước va vào đá lúc bổng, khi xuống trầm như bản hòa tấu vô tận của mẹ thiên nhiên dành cho vùng đất này. Cùng với khí hậu mát mẻ, mây trời và bao thắng cảnh thiên nhiên đẹp, quyến rũ, núi Cà Đam còn có những cánh rừng hoang sơ bạt ngàn, với bao sản vật quý giá như: Cỏ nhung, một loại dược liệu quý với giá hàng triệu đồng/kg, rừng chè xanh cổ có tuổi đời hàng trăm năm với số lượng tính bằng ngàn cây, giống lợn bản địa có tên là heo đi hoang, heo ăn chơi có chất lượng thịt thơm ngon nổi tiếng...

Tất cả hòa quyện tạo nên sự quyến rũ để rồi bất cứ ai một lần đặt chân lên đây khi trở về khó lòng quên được.

Đánh thức ‘nàng tiên rừng’

Chính vẻ đẹp mê hoặc như vậy nên không có gì khó hiểu khi thời gian gần đây chính quyền Trà Bồng đã và đang triển khai một số dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng Cà Đam thành khu du lịch sinh thái của tỉnh nhà.

Dự án nâng cấp và mở rộng tuyến đường nối Cà Đam với tuyến Di Lăng, huyện Sơn Hà-Trà Trung, huyện Tây Trà là một ví dụ. Từ bao đời nay, đây là con đường ngắn nhất để lên núi Cà Đam và đến các bản làng ở khu vực núi này. Gọi là đường chứ nó chỉ là một lối mòn lớn mà bề mặt đá nhiều hơn đất, với những con dốc chổng ngược...

Vì vậy, tuy chỉ cách tuyến đường Di Lăng - Trà Trung khoảng 5km, nhưng vào mùa nắng, nếu đi xe máy đến thôn Quế, nằm ngay chân Cà Đam phải mất 2 - 3 giờ đồng hồ. Còn vào mùa mưa lũ, đường trơn trượt như bôi mỡ bắt buộc phải đi bộ mất gần nửa ngày mới đến nơi.

Do đó, việc triển khai dự án đầu tư mở rộng, trải nhựa và bê tông tuyến đường này do huyện Trà Bồng làm chủ đầu tư có tổng số vốn khoảng 20 tỉ đồng, khởi công vào tháng 6.2016, được xem là "nhất cử lưỡng tiện": Tạo thuận lợi đi lại, phát triển giao thương của người dân sinh sống ở các bản làng dưới chân núi; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng thu hút khách đến du lịch, tham quan tại Cà Đam.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng đang trình bày kế hoạch phát triển du lịch với Bí thư tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ (bìa trái)

Hiện nay Công ty QH đang đầu tư khai thác, xây dựng núi Cà Đam trở thành khu du lịch sinh thái làm địa điểm nghỉ dưỡng của khách du lịch trong và ngoài nước, đã thông qua Quy hoạch 1/500. Bên cạnh đó, chính quyền Trà Bồng đang triển khai dự án làm nhà sàn ở tại khu vực núi Cà Đam, với tổng kinh phí hàng tỉ đồng...

“Tuy nhiên đây chỉ là những viên gạch đầu tiên, để Cà Đam trở thành khu du lịch sinh thái xứng tầm với tiềm năng của nó thì một mình Trà Bồng không thể, mà cần có sự đầu tư lớn hơn từ các cấp ngành của tỉnh và TƯ”, ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho hay.

Giấc mơ con đường du lịch

Trà Bồng là huyện miền núi địa đầu phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, có huyện lỵ là thị trấn Trà Xuân, cách trung tâm tỉnh Quảng Ngãi 40 km về phía Tây Bắc. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của dân tộcKorvới cây quế nổi tiếng, là sản vật của núi rừng như lâm sản, thảm thực vật, động vật hoang dã, đất đai.

Ngoài những thế mạnh trên, huyện còn được thiên nhiên ban tặng thêm một thế mạnh nữa đó là được sở hữu những cảnh quan thiên nhiên đẹp, sở hữu khoáng sản dưới lòng đất.

“Đây là một thế mạnh hiếm có để hình thành và phát triển du lịch, một ngành dịch vụ đem lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho địa phương”, ông Nguyễn Xuân Bắc nói.

Chủ tịch huyện Trà Bồng cho biết rất mong muốn phát triển du lịch với các thế mạnh sẵn có của huyện nhà

Tại đây, nguồn suối nóng Thạch Bích (xã Trà Bình) được coi là khu có nhiều tiềm năng nhất. Hiện, nguồn suối nóng đang được Nhà máy nước khoáng Thạch Bích khai thác, tạo nên một nhãn hàng có tiếng trong cả nước.

Theo định hướng, ngành Du lịch Trà Bồng giao cho Công ty TNHH đầu tư - tư vấn và xây dựng Bách Phú (Đà Nẵng) sẽ quy hoạch Thạch Bích thành khu resort nghỉ dưỡng, chữa bệnh với đầy đủ các chức năng bên cạnh bờ sông Trà Bồng êm đềm, về ban đêm cả khu vực ven sông sẽ rực rỡ bởi những ánh đèn trang trí từ các resort tạo nên vẻ lung linh, tĩnh lặng, mát mẻ tuyệt vời cho nghỉ dưỡng mang đậm chất bình yên của một vùng quê.

Ngoài những giá trị mà thiên nhiên ban tặng, trên địa bàn huyện có một đoạn khá lớn trên 30km trong di tích Trường Lũy Quảng Ngãi (được xếp hạng di tích quốc gia) chạy ngang qua các xã Trà Sơn, thị trấn Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình, Trà Tân và Trà Bùi.

Trường Lũy hàm chứa những kiến thức quý báu về công trình kiến trúc quân sự Việt Nam trong quá khứ, đó chính là tinh thần lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân, các đồng bào dân tộc qua nhiều thế kỷ, trong đó có dân tộc Kor huyện Trà Bồng nói riêng.

Thu hoạch chè tại rừng chè trăm tuổi ở Cà Đam

Huyện đang chủ trương xây dựng 7 điểm du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020, gồm khu Điện Trường Bà, Khu Hang Bà, quần thể du lịch nghỉ dưỡng Hà Nang, khu du lịch thác Cà Đú kết hợp làng văn hóa dân tộc Kor, khu du lịch Xen Bay, quần thể du lịch nghỉ dưỡng Thạch Bích, quần thể di tích cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền TâyQuảng Ngãi.

Các điểm du lich này được phân chia theo từng giai đoạn, góp phần nâng ngành du lịch không khói trên địa bàn huyện lên một tầm cao mới hơn. Nhưng để có được kết quả khả quan, huyện rất cần sự quan tâm và hỗ trợ của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về ngành công nghiệp không khói này”.

“Với mong muốn được hợp tác đầu tư và phát triển, Trà Bồng kêu gọi và luôn sẵn sàng chào đón sự quan tâm đặc biệt các các đơn vị, nhằm mục đích đưa huyện Trà Bồng nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung ngày càng đi lên, phát triển bền vững”, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng chia sẻ.

Tới Phan-Thạch Châu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những viên gạch nền cho ‘Thủ phủ du lịch Cà Đam’