Báo điện tử Một Thế Giới đã nêu tình trạng chạy chọt để dạy hợp đồng ở Hà Tĩnh hay “cò” viên chức ở Sóc Sơn, cho đến nay, theo như báo cáo của UBND các địa phương trên, cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc điều tra, làm rõ sai phạm.
-Thưa bà, trong thời gian gần đây, hàng loạt trường hợp giáo viên bỗng dưng bị cắt hợp đồng ở các tỉnh thành gửi đơn thư kêu cứu khắp nơi. Xin bà cho biết ý kiến về vấn đề này?
Vụ việc tại Hà Tĩnh chúng tôi đã nhận được đơn thư nhưng ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội thì chúng tôi chưa nhận được đơn thư và văn bản về vấn đề này. Việc tuyển dụng viên chức phải thực hiện đúng theo quy định của Luật Viên chức. Điều cốt lõi là việc tuyển dụng viên chức phải được tổ chức trước khi ký hợp đồng lao động để người lao động làm việc. Tuy nhiên, hiện nay những trường hợp này sau khi xem báo cáo thì thấy chưa tuyển dụng thì đã ký hợp đồng lao động - như vậy là không đúng với quy định của luật viên chức. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại vấn đề này. Trách nhiệm chính trong việc này sẽ thuộc về UBND tỉnh, huyện và Sở Nội vụ. Đây chính là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh và thành phố về việc ký kết công chức, viên chức thuộc thành phố.
Việc ký kết hợp đồng lao động với các giáo viên của cả hai huyện như Sóc Sơn, Hà Nội và Kỳ Anh, Hà Tĩnh sẽ được giải quyết theo Bộ luật Lao động chứ không phải theo luật viên chức. Thế nhưng các cấp lãnh đạo được Bộ giao thẩm quyền tuyển dụng nhưng không thực hiện mà lại ký hợp đồng không đúng theo quy định thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước trường hợp này. Việc ký hợp đồng 6 tháng, 9 tháng hay 1 năm diễn ra rất phổ biến tại các địa phương.
-Một số báo đã nêu có tiêu cực trong việc thi cử dẫn đến tình trạng chạy chọt trong việc thi tuyển và xét công chức, viên chức. Bà nghĩ như thế nào?
-Theo như một số báo đã nêu có tình trạng xảy ra chạy chọt để dạy hợp đồng ở Hà Tĩnh hay “cò” viên chức ở Sóc Sơn thì theo như báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Sóc Sơn, các cấp cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc điều tra, làm rõ những sai phạm. Nếu có dấu hiệu tiêu cực sẽ xử lý nghiêm minh trước pháp luật và việc này do bên Bộ Công an tiến hành điều tra.
Công an Hà Nội đã xác minh điều tra vụ việc ở Sóc Sơn với những đối tượng tự nhận mình là có quan hệ trong ngành để chạy công chức, viên chức. Họ sẽ có báo cáo cụ thể đối với các bộ, ngành liên quan.
-Những giáo viên dạy hợp đồng trên 3 năm, họ đã gửi đơn thư kêu cứu khi bị sa thải. Vậy, sau khi Bộ Nội vụ vào cuộc kiểm tra họ có hy vọng gì trở lại bục giảng để tiếp tục ươm mầm hay không, thưa bà?
-Vấn đề này thì chúng tôi không thể trả lời ngay được mà phải căn cứ trên nguyện vọng và nhu cầu tuyển dụng của địa phương. Nếu địa phương thiếu giáo viên, có nhu cầu tuyển dụng thì họ sẽ tổ chức tuyển dụng theo đúng quy trình.
Các giáo viên đã ký hợp đồng và giảng dạy từ 4 năm đến 12 năm vừa qua mà bị sa thải, tôi cho rằng đó là rất thiệt thòi cho các cô. Chính vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật đã đẩy họ đến con đường này. Việc chấm dứt hợp đồng giáo lao động với các giáo viên là điều cần thiết vì đây là biện pháp bảo vệ quyền lợi lâu dài cho họ. Nếu ký hợp đồng lao động thì giáo viên chịu nhiều sức ép, mức lương không đảm bảo theo quy định, cấp trên nói gì thì phải là nghe theo... Khi họ trở thành viên chức (trúng tuyển sau khi thi tuyển) thì quyền lợi sẽ được đảm bảo, được tăng lương theo định kỳ, được hưởng quyền lợi dành cho nhà giáo...
Việc ký hợp đồng lao động để làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải trong phạm vi định mức hoặc số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm tuân thủ theo đúng các quy định của Bộ luật Lao động, trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và đơn vị sự nghiệp công lập.