Tình hình giảm huy động khí cho phát điện đang diễn ra với quy mô, tần suất ngày càng cao. Thực tế đang hiện hữu nguy cơ thiếu điện dù mới bắt đầu nắng nóng

Nhường khí cho phát điện khó, cần bổ sung nguồn điện

Tuyết Nhung | 21/05/2023, 23:16

Tình hình giảm huy động khí cho phát điện đang diễn ra với quy mô, tần suất ngày càng cao. Thực tế đang hiện hữu nguy cơ thiếu điện dù mới bắt đầu nắng nóng

PVN nói khó!

Tình hình giảm huy động khí cho phát điện đang diễn ra với quy mô, tần suất ngày càng cao, trong khi đó, tỷ lệ huy động các nhà máy nhiệt điện than vẫn ở mức cao và các nguồn năng lượng tái tạo thời gian qua phát triển nhanh và nóng, bổ sung đáng kể vào nguồn cung, đang được huy động tối đa theo công suất khả dụng,... đã đặt ra câu hỏi về tính hợp lý trong việc điều tiết các nguồn điện.

21523dbaodien1a-1-.jpg
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1 sử dụng nhiên liệu dầu để phát điện, đáp ứng yêu cầu cao của hệ thống điện - Ảnh: EVN

Theo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trên toàn quốc, sản lượng điện sản xuất từ khí thiên nhiên chiếm khoảng 10,4% tổng sản lượng quốc gia. Theo kế hoạch này, dự kiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và trong hệ thống khí tại các khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sẽ cung cấp khoảng 5,6 tỉ m3 khí (khu vực Đông Nam Bộ khoảng 4,3 tỉ m3 và Tây Nam Bộ khoảng 1,3 tỉ m3) cho sản xuất điện trong năm 2023.

Trên thực tế, do nhu cầu huy động khí thiên nhiên cho sản xuất điện trong quý 1/2023 rất thấp, nên tính đến hết tháng 4.2023 lượng khí huy động cho các nhà máy điện chỉ đạt 96% kế hoạch của Bộ Công Thương giao. Trước tình hình nhu cầu phụ tải hệ thống điện tăng cao, Tập đoàn và các bên trong các hệ thống khí đã phối hợp thực hiện các giải pháp kỹ thuật để tăng cường tối đa lượng khí thiên nhiên khai thác trong nước.

Đồng thời, PVN cũng đã và thống nhất với Petronas để mua toàn bộ lượng khí khai thác từ cụm mỏ PM3-CAA với Malaysia nhằm gia tăng lượng khí cung cấp cho sản xuất điện trong nước. Với các nỗ lực nêu trên, dự kiến trong năm 2023 Petrovietnam sẽ cung cấp khoảng 5,87 tỉ m3 khí thiên nhiên cho sản xuất điện (gồm 4,55 tỉ m3 khu vực Đông Nam Bộ và 1,32 tỉ m3 ở khu vực Tây Nam Bộ), dự kiến đạt 104.8% kế hoạch của Bộ Công Thương.

Tính đến thời điểm hiện nay, công suất huy động các nhà máy điện khí cao nhất chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng công suất các nguồn điện được huy động. Do vậy, để đảm bảo hoàn thành kế hoạch cung cấp điện của Bộ Công Thương đã phê duyệt, nhà chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng cần phải huy động sự tham gia phát điện của nhiều nguồn phát điện khác ngoài điện khí (điện than, thuỷ điện, năng lượng tái tạo...

Đối với các nhà máy đạm tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sử dụng nguồn khí thiên nhiên làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất (không có nguyên liệu thay thế) kể từ năm 2006 đến nay. Nhu cầu tiêu thụ khí luôn duy trì ổn định ở mức khoảng 1,1 tỉ m3 khí mỗi năm cho 2 nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của đất nước.

Việc lập kế hoạch cho nhu cầu sử dụng khí cũng như kế hoạch về bảo dưỡng, bảo trì các nhà máy đạm để tối ưu nguồn cung cấp khí được các bên phối hợp thực hiện và thống nhất tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của các hợp đồng mua bán khí có cam kết dài hạn. Chủ sở hữu của các nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là các công ty cổ phần nên các hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, các trường hợp dừng/giảm cấp khí dài hạn theo kế hoạch, đều phải được thông qua Đại hội đồng cổ đông của các công ty này trước khi thực hiện.

Việc dừng/giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận, thiện chí, sự hợp tác chia sẻ của cổ đông các nhà máy đạm. Thêm nữa, việc dừng/giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia.

"Có thể thấy, nhu cầu về khí thiên nhiên cho sản xuất điện là rất cần thiết, đặc biệt trong các tháng mùa khô từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Tuy nhiên, để duy trì cung cấp khí thiên nhiên dài hạn cho sản xuất điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thiết nghĩ các cơ quan cần xem xét, ban hành cơ chế phát triển nguồn điện chạy nền ổn định, an toàn cho hệ thống.

Những quy định về vận hành hệ thống điện phù hợp với cơ chế cam kết mua khí thiên nhiên và chính sách giá điện hợp lý để giúp cho chủ đầu tư các nhà máy điện có thể yên tâm ký kết các hợp đồng mua khí dài hạn, nhất là khi các nguồn khí thiên nhiên giá rẻ trong nước ngày càng cạn kiệt và giá các nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu ngày càng tăng", đại diện PVN nhấn mạnh.

Hiện nay, các nhà máy điện là khách hàng tiêu thụ khí chính, chiếm tới xấp xỉ 80% tổng sản lượng khí. Việc giảm huy động khí cho phát điện sẽ kéo theo việc giảm lượng khí tiêu thụ, giảm khai thác khí ngoài các mỏ dầu khí ngoài khơi, giảm nguồn thu của Nhà nước trong hoạt động khai thác dầu khí thượng nguồn. Đồng thời, ảnh hưởng đến công tác đầu tư đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí trong nước nói chung và các đặc biệt tại vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm nói riêng.

Đặc biệt, hiệu quả thấp của điện khí cũng sẽ tác động đến việc thu hút đầu tư phát triển các dự án nhập khẩu LNG phục vụ phát triển nhiệt điện khí sử dụng LNG. Điều này không phù hợp với định hướng “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.

Thực tế cho thấy, bài toán điều tiết huy động các nguồn điện đang có dấu hiệu mất cân đối, thiếu công bằng, không phù hợp với thực tiễn và chiến lược phát triển năng lượng của đất nước, không chỉ tác động đến toàn bộ kinh tế - xã hội mà còn ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Đây là điều bất cập cần được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo lợi ích tổng thể cho đất nước và các đơn vị sản xuất, tiêu dùng điện.

Bổ sung nguồn điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 21.5 cho biết đã triển khai hàng loạt biện pháp cấp bách để đảm bảo cung ứng điện mùa khô 2023. Theo đó, đề nghị đối tác tăng cấp than, nhường khí cho phát điện, kiểm soát tính khả dụng các tổ máy nhiệt điện, củng cố lưới phân phối, đẩy mạnh việc tuyên truyền tiết kiệm điện và thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải DR... Hàng loạt biện pháp cấp bách đã và đang được EVN cùng các đơn vị thành viên triển khai không kể đêm ngày để đáp ứng nhu cầu điện mùa khô 2023 trong tình hình các nguồn điện gặp rất nhiều khó khăn.

EVN đã đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 7, Nhà máy thủy điện Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống. Tại khu vực phía Nam, thời gian qua các nhà máy nhiệt điện chạy dầu (nguồn điện có chi phí đắt đỏ) đã phải tái khởi động để đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, nhà máy điện chạy dầu tại Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ, Cà Mau đã hoạt động và phát lên lưới sản lượng lớn.

Đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các chủ đầu tư thỏa thuận, thống nhất mức giá tạm thời tuân thủ theo quy định của Chính phủ. Theo văn bản của Bộ Công Thương ngày 18.5 vừa qua, EVN và chủ đầu tư một số nhà máy điện chuyển tiếp như: Nam Bình 1, Viên An, Hưng Hải Gia Lai, Hanbaram, Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, Hiệp Thạch, Hướng Hiệp 1 thỏa thuận, thống nhất giá theo quy định của pháp luật. Đây là cơ sở để các dự án này kịp thời vận hành phát điện lên lưới điện.

Cùng với đó, EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy nhanh tiến độ các công trình tăng cường năng lực truyền tải Bắc - Trung; các công trình đấu nối và giải toả nguồn thuỷ điện Tây Bắc và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực miền Trung, Tây Nguyên; các công trình tăng thêm khả năng truyền tải, nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào.

EVN đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), nhận điện các nhà máy thủy điện Lào gồm: Nhà máy thủy điện Nậm Kông 2 (66MW) và Nhà máy thủy điện Nậm Kông 3 (54MW). Ngày 15.5 vừa qua, cả 2 nhà máy đã hoàn thành hòa lưới điện và đang thực hiện các hạng mục thử nghiệm trên lưới điện Việt Nam. Dự kiến cả 2 nhà máy này sẽ vận hành thương mại trong tháng 5.2023, bổ sung nguồn điện cho Việt Nam trong mùa nắng nóng.

Bên cạnh đó, EVN cũng vừa có văn bản báo cáo Bộ Công Thương sớm ban hành hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát điện lên lưới để triển khai thực hiện, giảm bớt khó khăn về cung cấp điện. Tại Quy hoạch điện 8 cũng nêu rõ: Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tăng thêm 2.600MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

Nỗ lực tăng lượng than

Thời gian vừa qua, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước khiến các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Đến cuối tháng 4, EVN cho biết, sản lượng điện quy đổi còn lại trong các hồ thủy điện toàn hệ thống thấp hơn 1,6 tỉ kWh so với kế hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt và thấp hơn 4,1 tỉ kWh so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào cao điểm mùa nắng nóng (tháng 5, 6, 7). Áp lực cung ứng điện đã, đang và sẽ tiếp tục đặt nặng lên các nhà máy nhiệt điện than, khí...

Tổng sản lượng điện sản xuất từ nhiên liệu than trong 4 tháng đầu 2023 đạt 40,06 tỉ kWh (chiếm 46,53% tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống). Tuy nhiên, công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu thực tế vận hành.

Để giải quyết vấn đề, EVN đề nghị Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Đông Bắc giảm than cấp cho các hộ phụ tải khác để tăng lượng than cấp cho sản xuất điện trong quý 2, các hộ phụ tải khác sẽ được cấp than bù trong các tháng cuối năm.

EVN cũng đã có văn bản gửi chủ đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Duyên Hải 2 là Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (JVL) và Tổng thầu EPC dự án là China Huadian Engineering về việc vay lô than 100.000 tấn của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2. Số than này được EVN vay để sử dụng cho Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 (thuộc Tổng công ty Phát điện 1) để sản xuất điện, với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện trong tình hình cấp bách hiện nay.

Bài liên quan
EVN phải tích trữ tối đa than cho sản xuất điện năm 2023
Các nhà máy nhiệt điện của EVN phải tích đầy các kho than theo sức chứa tối đa để giảm thiểu rủi ro về gián đoạn nguồn than do giá than tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhường khí cho phát điện khó, cần bổ sung nguồn điện