Niềm tin vào kênh đầu tư TPDN vẫn cần thời gian để khôi phục, sau các sự kiện vi phạm trong năm trước cũng như rủi ro vi phạm nghĩa vụ nợ đang gia tăng, nhất là với trái phiếu bất động sản.

Niềm tin vào kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần thời gian để khôi phục

Sơn Lam | 19/02/2023, 11:40

Niềm tin vào kênh đầu tư TPDN vẫn cần thời gian để khôi phục, sau các sự kiện vi phạm trong năm trước cũng như rủi ro vi phạm nghĩa vụ nợ đang gia tăng, nhất là với trái phiếu bất động sản.

Báo cáo mới phát hành của Fiingroup cho thấy, khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ trong tháng 1.2023 chỉ tương đương 2,1% so với tháng liền kề và 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Mức suy giảm lớn về quy mô phát hành trái phiếu này được ghi nhận trong bối cảnh thị trường vẫn chưa thuận lợi cả về phía cung và phía cầu của thị trường.

Về phía cầu, tâm lý nhà đầu tư, nhất là cá nhân vẫn ưu tiên lựa chọn kênh tiền gửi tiết kiệm có mức lãi suất cao 9 - 10%. Điều này cho thấy, một số ngân hàng nhỏ hiện nay và niềm tin vào kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn cần thời gian để khôi phục sau các sự kiện vi phạm trong năm trước, cũng như rủi ro vi phạm nghĩa vụ nợ đang gia tăng, nhất là với trái phiếu bất động sản.

Ngoài ra, các ngân hàng - với vai trò là đơn vị mua và kinh doanh trái phiếu lớn nhất - vẫn đang trong quá trình cân nhắc và đợi chờ những định hướng chính sách cụ thể trong việc giải ngân hạn mức tín dụng cho năm 2023, cũng như những thay đổi chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Về phía cung, nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn song yếu tố cầu yếu như trên, trong khi Nghị định 65 vẫn đang trong tiến trình sửa đổi và nhà phát hành tiếp tục chờ quy định mới. Hơn nữa, đây là giai đoạn doanh nghiệp đang tập trung vào hoạt động mua lại trái phiếu cũng như xử lý các vấn đề thanh khoản vào cuối năm.

Fiingroup dự báo, kênh huy động TPDN sẽ chưa thể hồi phục về quy mô một cách mạnh mẽ và sôi động cho đến hết nửa đầu năm 2023.

Lý do, môi trường lãi suất sẽ cần thời gian giảm để kênh trái phiếu trở nên hấp dẫn trở lại so với các kênh đầu tư thay thế khác, đặc biệt so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng và các sản phẩm như chứng chỉ tiền gửi.

Thêm vào đó, các biện pháp chính sách can thiệp qua tín dụng ngân hàng, tháo gỡ pháp lý bất động sản và trực tiếp cho TPDN hiện nay vẫn đang trong giai đoạn trao đổi và thiết kế. Trong trường hợp được triển khai từ quý 2/2023, hoạt động huy động TPDN có thể có cơ hội bắt đầu hồi phục từ đầu quý 3/2023.

Tuy nhiên, một số chuyển biến được Fiingroup kỳ vọng hỗ trợ cho sự khôi phục của hoạt động phát hành TPDN trong 2023 có thể kể đến như việc triển khai chính sách tín dụng bất động sản.

trai-phieu-2.jpeg
Khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ trong tháng 1.2023 giảm mạnh

Ngoài ra, khi vấn đề pháp lý dự án bất động sản được tháo gỡ và điều khoản cho phép giãn nợ trái phiếu 24 tháng theo dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được áp dụng, giải ngân cho vay và tín dụng dưới hình thức TPDN có thể được một số các tổ chức tín dụng triển khai trở lại, bao gồm cả hoạt động tái cơ cấu nợ qua hình thức TPDN.

Việc triển khai tái cơ cấu nợ TPDN khi sửa đổi Nghị định 65 đi vào hiệu lực cũng góp phần thúc đẩy sự hồi phục của thị trường trái phiếu.

“Nghị định 65 có một số dự thảo sửa đổi ở góc độ tạo đà cho hoạt động phát hành TPDN, hoặc luân chuyển giữa kênh tín dụng ngân hàng và TPDN sẽ diễn ra theo khuôn khổ quy định mới này. Theo chúng tôi, điểm mấu chốt là các doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc nợ cần minh bạch thông tin về mục đích sử dụng vốn TPDN cho hoạt động tái cơ cấu nợ ở các chương trình dự án cụ thể theo yêu cầu của Nghị định 65”, báo cáo nêu.

Thêm vào đó, điểm nghẽn pháp lý là một trong những vấn đề trọng yếu đối với các doanh nghiệp và dự án bất động sản hiện nay. Do đó, việc rà soát và tháo gỡ pháp lý nhất là cho bất động sản sẽ là chìa khóa cho sự khôi phục không chỉ của thị trường TPDN, tín dụng bất động sản mà cả hoạt động tự điều tiết như chuyển nhượng dự án/M&A.

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có những chính sách cụ thể về việc giảm lãi suất cho vay đối với với người mua nhà, nhất là cho phân khúc hạng trung trở xuống đến nhà ở xã hội. Điều này nên được thực hiện song song cùng các biện pháp khác như tháo gỡ pháp lý bất động sản do đây là nguồn thu lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản, chứ không phải là tín dụng ngân hàng hay TPDN”, báo cáo nêu.

Ngoài ra, Fiingroup cho rằng, cần hiệu lực hóa các biện pháp chống đầu cơ bất động sản nhà ở như một số kiến nghị, bao gồm đánh thuế sở hữu nhiều tài sản bất động sản hay đánh thuế sở hữu bất động sản siêu cao cấp hoặc biệt thự.

“Chúng tôi cũng kỳ vọng Chính phủ triển khai các giải pháp mang tính kiểm soát chu kỳ tín dụng khép kín. Theo đó, tín dụng chảy từ ngân hàng đến người mua nhà đến chủ đầu tư rồi quay về để ngân hàng kiểm soát đúng dòng tiền. Giải pháp này nên được khuyến khích nhằm giúp hoạt động này diễn ra mạnh mẽ và phổ biến hơn cho các dự án đang tồn đọng hiện nay”, Fiingroup nêu.

Báo cáo cũng cho rằng, thực hiện được giải pháp này một cách hiệu quả sẽ đem lại lợi ích cho người dân mua nhà với yêu cầu giảm giá với chủ đầu tư, ngân hàng kiểm soát được tốt hơn rủi ro tín dụng, chủ đầu tư bán được hàng... góp phần khôi phục cả thị trường vốn lẫn thị trường bất động sản.

“Dĩ nhiên, không chỉ có ngân hàng giảm lãi suất cho vay mua nhà mà chủ đầu tư cũng phải cam kết có chính sách giảm giá hợp lý và giảm biên lợi nhuận để hài hòa lợi ích chung của các bên”, báo cáo nêu.

Bài liên quan
ADB: Thị trường trái phiếu bền vững tăng trưởng mạnh tại các nền kinh tế ASEAN+3
Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam giảm 0,4% so với quý trước do khối lượng lớn tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đáo hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Niềm tin vào kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần thời gian để khôi phục