Năm 2017 và 2018, nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả có xu hướng tăng đột biến, dẫn đến lo ngại về việc ổn định vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia.

Nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng đột biến 'đe dọa' an ninh tài chính quốc gia

02/11/2018, 16:19

Năm 2017 và 2018, nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả có xu hướng tăng đột biến, dẫn đến lo ngại về việc ổn định vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia.

Nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến - Ảnh minh họa từ Internet

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài quốc gia bao gồm nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo phương thức tự vay tự trả. Trong đó, nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh thuộc phạm vi nợ công.

Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng nợ vay nước ngoài của Việt Nam đã giảm từ 60% GDP năm 2011 xuống còn 40% GDP hiện nay. Trong đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ 24% GDP cuối năm 2011 xuống còn 21% năm 2018. Về nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh cũng đã được hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ, giúp khoản nợ này giảm từ 10,9% GDP năm 2015 xuống còn 8,7% năm 2018. Trong đó bảo lãnh nước ngoài giảm từ 5,9% GDP cuối 2015 xuống còn 5%.

Tuy nhiên, nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2016 tăng 25,7% so với 2015, năm 2017 tăng 39,6% so với 2016. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP. Dự báo đến cuối năm 2018, số nợ nước ngoài trên GDP của quốc gia là 49,7%, sát với ngưỡng 50% GDP.

Riêng năm 2017, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp tăng tới gần 40%, trong đó có khoản vay của Công ty Vietnam Beverage trị giá 4,8 tỉ USD để mua cổ phần của Sabeco. Khoản này cộng vào khoản vay của nước ngoài, cộng vào nợ nước ngoài quốc gia.

Trước bức tranh nợ nước ngoài của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng đột biến, trao đổi với báo chí ngày 1.11, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) nhận định trong năm 2017 và 2018, nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh, tiệm cận ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép.

Tuy các khoản nợ tự vay, tự trả nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không thuộc phạm vi nợ công, song ông Hùng nhìn nhận đây là một cấu phần trong nợ nước ngoài của quốc gia và có ảnh hưởng quan trọng đến ổn định vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát các khoản vay nước ngoài tự vay, tự trả để bảo đảm chỉ tiêu này trong giới hạn cho phép.

"Như vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, nâng cao quản lý việc huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển; thực hiện vay nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ việc vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ", ông Hùng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết theo quy định, vốn vay nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Do đó, việc tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả xây dựng, lập kế hoạch và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công. Việc đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, phù hợp với kế hoạch vay nợ công trung hạn và hằng năm và tiến độ thực hiện thực tế của dự án.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ công thông qua các nghiệp vụ quản lý nợ chủ động, giãn đỉnh nghĩa vụ nợ tập trung trong một số năm; tăng cường huy động nguồn lực trong nước để đáp ứng nhu cầu vay của Chính phủ, phát triển thị trường vốn trong nước.

Và song song với các giải pháp nói trên, chúng ta cũng phải kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và hoạt động vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả.

Giải trình trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Tài chính - Đinh Tiến Dũng cho biết trước thực trạng nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng đột biến, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng; đồng thời thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác nhằm quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới.

"Không bảo lãnh cho doanh nghiệp để vay vốn nước ngoài và không sử dụng nguồn Chính phủ vay về để cho doanh nghiệp vay lại. Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu của ngân hàng và cấp vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng thương mại", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng đột biến 'đe dọa' an ninh tài chính quốc gia