Dạo quanh một số siêu thị trên địa bàn TP.HCM như Co.opMart, Big C, Metro… dễ dàng nhận thấy trên các kệ đều có nhãn hàng riêng của siêu thị. Các sản phẩm này có giá rẻ, được đặt ở vị trí bắt mắt sát cạnh các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng, nên hàng của siêu thị đang ngày càng thu hút người tiêu dùng.
Nhãn hàng riêng của siêu thị chủ yếu là các sản phẩm thiết yếu trong gia đình hàng ngày như: kem đánh răng, sữa tắm, bàn chải, nước rửa chén, khăn giấy, nước mắm…
|
Nhãn hàng riêng của siêu thị chủ yếu là các sản phẩm thiết yếu trong gia đình hàng ngày (Ảnh: PD) |
Lợi thế độc quyền
Tại Việt Nam, mở đầu cho trào lưu sản xuất các sản phẩm mang hàng nhãn riêng phải kể đến hệ thống Metro Cash&Carry. Ngay từ khi vào Việt Nam, đại gia bán sỉ này đã tung ra rất nhiều nhãn hàng riêng như Aro, Quality, Horeca…
Sau đó, đến 2007, Big C cũng tung ra nhãn hàng riêng đầu tiên mang tên “Wow! Giá hấp dẫn”. Đầu năm 2009, Big C giới thiệu đến khách hàng nhãn hiệu bánh mì, bánh ngọt “Bakery Big C”. Đáng chú ý, tháng 5/2011, Big C bắt đầu triển khai thêm một nhãn hàng riêng mới mang chính tên “Big C”.
|
Nhãn hàng “Wow! Giá hấp dẫn” của Big C (Ảnh: PD) |
Trao đổi với Một Thế Giới, ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Quan hệ công chúng hệ thống siêu thị Big C cho biết, hiện tại, siêu thị này đã có hơn 1.000 sản phẩm hàng nhãn riêng. Các mặt hàng nhãn riêng đều có mức giá khá hấp dẫn, luôn được khuyến mãi nên thu hút người tiêu dùng.
“ Các sản phẩm hàng nhãn riêng của siêu thị không phải chịu các chi phí trung gian liên quan đến việc xây dựng hệ thống phân phối, các chính sách xúc tiến thương mại dành cho các nhà phân phối trung gian, các chương trình quảng bá, tiếp thị xây dựng thương hiệu,… nên giá của các sản phẩm nhãn hàng riêng Big C luôn có giá thấp hơn giá của các sản phẩm có thương hiệu phổ biến cùng loại trên thị trường”, ông Nguyên nói.
|
Dầu ăn thương hiệu Big C chiếm phần lớn trong quầy kệ trong nhóm sản phẩm này (Ảnh: PD) |
Ông Nguyên cũng cho rằng nhãn hàng riêng Big C luôn được xây dựng với cơ cấu chi phí, kích thước, trọng lượng, thiết kế bao bì,… nên phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm nhãn hàng riêng vì thế giữ chân được một bộ phận khách hàng trung thành với siêu thị cũng như hấp dẫn khách hàng mới.
|
Nước lau sàn mang thương hiệu Big C (Ảnh: PD) |
Xu hướng phát triển tất yếu của bán lẻ hiện đại
Hiện nay, việc sản xuất nhãn hàng riêng không còn được siêu thị sản xuất ở mức thăm dò, hàng nhãn riêng đang được các siêu thị, trung tâm phân phối đẩy mạnh phát triển như là một cách thức cạnh tranh mới.
Đơn cử, tại hệ thống Co.opMart, cách đây vài năm, người tiêu dùng chỉ thấy một số sản phẩm mang thương hiệu của nhà phân phối này vào dịp Tết như bánh Lucky Co.opMart, quần áo may sẵn hiệu SGC... Tuy nhiên, hiện nay, Co.opMart đã có gần 300 mặt hàng, hơn 1500 mã hàng do siêu thị tự sản xuất.
|
Hiện nay, Co.opMart đã có gần 300 mặt hàng, hơn 1500 mã hàng do siêu thị tự sản xuất |
Sản phẩm do siêu thị tự sản xuất chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng từ: trứng gia cầm, gạo, trà, bún gạo, nước mắm, nước suối, thực phẩm đông lạnh.. đến những đồ dùng dùng trong gia đình như bộ nồi, chảo…
|
Sản phẩm do siêu thị tự sản xuất chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng (Ảnh: PD) |
Bên cạnh những mặt hàng mùa vụ, thời trang cơ bản như tập học sinh, áo mưa, đồng phục học sinh, trang phục công sở, trang phục lót nam nữ… đến những sản phẩm của các hợp tác xã làng nghề như bánh tráng, giò lụa gói lá…
Ông Nguyễn Tấn Thanh - Phụ trách truyền thông Co.opmart, cho biết hàng nhãn riêng của Co.opmart ra đời từ năm 2007 với tiêu chí “Chất lượng và tiết kiệm”. Hàng nhãn riêng Co.opmart đảm bảo và giá tốt hơn giá hơn sản phẩm của thương hiệu cùng loại từ 5 – 30%.
Theo ông Thanh, hàng nhãn riêng là xu hướng phát triển tất yếu của bán lẻ hiện đại. Đây là mối quan hệ tương hỗ, hợp tác cùng phát triển giữa nhà phân phối và nhà sản xuất. Sự hợp tác này giúp nhà sản xuất tối ưu hóa công suất máy móc thiết bị, chi phí nhân công, qua đó giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
“ Đối với đơn vị phân phối như Saigon Co.op, đầu tư phát triển hàng nhãn riêng là tạo nét đặc trưng so với những hệ thống phân phối khác, mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Đồng thời cũng là biện pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp gia công quảng bá hình ảnh thông qua việc Co.opmart thể hiện rõ thông tin đơn vị sản xuất trực tiếp trên sản phẩm”, ông Thanh cho biết thêm.
Giá rẻ, chất lượng tốt
Nói về chất lượng của nhãn hàng riêng, ông Thanh khẳng định, hàng nhãn riêng của siêu thị này là sự phối hợp giữa Co.opmart và các nhà sản xuất có uy tín trên thị trường để đưa ra những sản phẩm chất lượng tốt với giá phải chăng.
|
Nhãn hàng riêng của siêu thị thường có giá rẻ và được khuyến mãi nhiều hơn sản phẩm cùng loại (Ảnh: PD) |
Theo ông Thanh, để trở thành đối tác sản xuất của Co.opmart, nhà sản xuất phải đảm bảo tiêu chí là doanh nghiệp nội địa. Đây là hành động thiết thực của Co.opmart trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt phát triển, ưu tiên chọn các đối tác được xác định là nhà cung cấp chiến lược của Saigon Co.op. Hai là các sản phẩm phải phù hợp và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Ba là năng lực của nhà sản xuất.
|
Nước rửa tay Co.opmart cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cùng loại của thương hiệu khác (Ảnh: PD) |
“ Chất lượng hàng hóa luôn được Co.opmart đặt lên hàng đầu, vì vậy xuyên suốt quá trình từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào đến khâu phân phối luôn được Co.opmart sản xuất theo quy trình khép kín dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các chuyên gia theo tiêu chuẩn HACCP và ISO.
Saigon Co.op có một phòng chuyên trách kiểm soát chất lượng và thường xuyên bố trí chuyên viên quản lý chất lượng kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa theo đúng các quy định. Hàng thực phẩm phải đảm bảo tuyệt đối các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Co.opmart còn thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất tại các đơn vị sản xuất và các điểm bán, đảm bảo hàng hóa luôn đạt chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng”, ông Thanh khẳng định.
|
Dầu gội đầu do Co.opmart tự sản xuất (Ảnh: PD) |
Tại Big C, ông Hồ Quốc Nguyên cũng cho rằng các sản phẩm nhãn hàng riêng được các nhà sản xuất lớn, có uy tín, thương hiệu trên thị trường gia công sản xuất nên chất lượng hoàn toàn đạt quy chuẩn của nhà sản xuất cũng như của các cơ quan chức năng. Thông tin về đơn vị gia công sản xuất luôn được thông tin rõ ràng trên bao bì của sản phẩm.
Trước việc xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm “Made by Big C”, ông Nguyên khẳng định các sản phẩm nhãn hàng riêng có phân khúc thị trường riêng và không cạnh tranh trực tiếp đối với các sản phẩm của các nhà sản xuất.
“ Việc gia công sản phẩm nhãn hàng riêng cho Big C còn giúp nhà sản xuất phát huy tối đa công suất hoạt động của nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, góp phần tạo thêm công ăn, việc làm cho nhân viên, gia tăng thêm nguồn thu, lợi nhuận và đóng thêm thuế cho xã hội”, ông Nguyên nói.
Như vậy, nhiều người dự báo rằng việc các nhãn hàng riêng của các siêu thị xuất hiện ngày càng nhiều sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh mới trên thị trường bán lẻ. Từ đó, nhiều doanh nghiệp có uy tín sẽ khẳng định được vị thế và tầm ảnh hưởng của mình tới người tiêu dùng.
Phan Diệu