Tiến bộ gần đây trong công nghệ video có tác động tiêu cực đến Hàn Quốc. Ngày càng nhiều thanh thiếu niên am hiểu công nghệ tạo ra nội dung khiêu dâm giả mạo (deepfake) của nhiều người - thường là bạn bè của họ - dù chưa được sự đồng ý từ người đó.
Theo một báo cáo do hạ nghị sĩ Cho Eun-hee soạn thảo dựa trên số liệu từ cảnh sát Hàn Quốc cung cấp, năm ngoái nước này có 180 vụ án hình sự liên quan đến nội dung khiêu dâm giả mạo. Trong số 120 người bị trừng phạt, 91 người là thanh thiếu niên (chiếm tỷ lệ 75,8%). Cả số lượng vụ án lẫn số lượng thanh thiếu niên liên quan đều có xu hướng tăng lên. Năm 2022, nước này ghi nhận 156 vụ liên quan đến nội dung khiêu dâm giả mạo, 61% người bị trừng phạt là thanh thiếu niên.
“Các vụ án tình dục số đem lại tổn thương không thể phục hồi cho nạn nhân đang lan rộng trong giới trẻ, như thể một trò chơi vậy”, hạ nghị sĩ Cho nhận xét. Bà kêu gọi đất nước cải tổ mạnh mẽ để ngăn chặn loại hình phạm tội như vậy.
Deepfake tràn lan
Ngày 21.8 vừa qua, Sở Giáo dục thành phố Busan thông báo có 4 học sinh trung học bị cảnh sát điều tra vì sử dụng công nghệ sao chép khuôn mặt 28 học sinh cùng 2 giáo viên, tạo khoảng 80 hình ảnh khiêu dâm của nạn nhân rồi chia sẻ qua ứng dụng di động.
Năm ngoái Busan ghi nhận 12 trường hợp học sinh phát tán nội dung khiêu dâm giả mạo của bạn học, nửa đầu năm nay đã có đến 15 trường hợp.
Trên đảo Jeju, cảnh sát mới bắt 1 học sinh trường quốc tế lấy khuôn mặt hơn 11 bạn học tạo nội dung khiêu dâm giả mạo.
Loại hình phạm tội này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Nội dung giả mạo dùng để bắt nạt nạn nhân hoặc kiếm tiền. Năm 2022, 1 học sinh bị kết tội bán nội dung khiêu dâm (gồm cả ảnh chỉnh sửa của người thật) cho 110 người trên mạng lấy phiếu quà tặng.
Trung tâm Sunflower chuyên tư vấn cho nạn nhân bị lạm dụng tình dục cho biết tình trạng làm giả nội dung khiêu dân nhắm vào cả hai giới, mặc dù đa số là nam sinh xâm hại nữ sinh.
Thanh thiếu niên Hàn Quốc rất dễ tiếp cận với các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI). Khảo sát do Cơ quan Xã hội thông tin quốc gia công bố vào tháng 5 chỉ ra khoảng 77,5% thanh thiếu niên biết đến AI tạo sinh và 52,1% từng sử dụng.
AI tạo sinh rất hữu ích cho hoạt động sáng tạo nội dung phục vụ nhiều ngành nghề. Nhưng giống với bất cứ công cụ nào khác, công nghệ này rơi vào tay người xấu sẽ gây hại.
Trừng phạt quá nhẹ
Mặc dù đã có nhiều trường hợp bị xử lý, mức phạt với trẻ vị thành niên thường khá nhẹ. Người trưởng thành chỉnh sửa nội dung sai sự thật của người khác với mục đích xấu và muốn phát tán có thể chịu án 5 năm tù hoặc đóng tiền phạt 50 triệu won. Tuy nhiên tờ The Hankyoreh cho biết hình phạt thực tế không nghiêm minh như vậy.
Trong 46 phán quyết liên quan đến hành vi phát tán video giả mạo mà báo phân tích, chỉ 18 trường hợp bị truy tố: 1 trường hợp ngồi tù, 15 trường hợp hưởng án treo, 2 trường hợp đóng tiền phạt. Lý do giảm án thường là bị cáo còn nhỏ tuổi, không có tiền án, cha mẹ cam kết tăng cường giám sát con. Yếu tố “muốn phát tán” theo luật cũng cản trở bản án nặng được đưa ra.
Giới chuyên gia cho rằng chính phủ Hàn Quốc nên đẩy mạnh giáo dục để học sinh hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của hành vi như vậy. Giáo sư tâm lý tội phạm Lee Soo-jung (Đại học Kyunggi) đề xuất đưa nội dung pháp lý cùng đạo đức vào chương trình giảng dạy công nghệ máy tính.