Người dân Ba Nà, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) chẳng rõ rừng Nà có từ bao giờ, chỉ biết hàng trăm năm nay, rừng cây hiện hữu, chở che, ôm ấp làng quê mình. Đi qua chiến tranh khốc liệt, rồi đến thời bình, các thế hệ người dân nơi đây cứ nối tiếp nhau bảo tồn, gìn giữ rừng Nà.

Nơi giữ rừng trở thành hương ước

09/06/2020, 07:18

Người dân Ba Nà, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) chẳng rõ rừng Nà có từ bao giờ, chỉ biết hàng trăm năm nay, rừng cây hiện hữu, chở che, ôm ấp làng quê mình. Đi qua chiến tranh khốc liệt, rồi đến thời bình, các thế hệ người dân nơi đây cứ nối tiếp nhau bảo tồn, gìn giữ rừng Nà.

Báu vật của làng

Gọi là Ba Nà vì rừng Nà trải dài ở 3 thôn Lương Nông Bắc, Lương Nông Nam, Đôn Lương của xã Đức Thạnh. Những cánh đồng lúa xanh tươi được những cung rừng dài hàng cây số che bóng. Người nông dân mỗi khi đi làm đồng vẫn thường hướng mắt về phía vào rừng Nà như thể cảm nhận sự yên bình nơi làng quê.

Ông Huỳnh Đức Phước (52 tuổi), ở thôn Lương Nông Bắc bảo rằng, rừng Nà như bức bình phong, che chắn cho làng mỗi khi gặp giông bão, cung cấp nguồn nước tưới mát, mang lại lợi ích rất lớn đối với đời sống người dân ở địa phương. Bởi vậy, rừng được xem là báu vật.

Thường thì rừng ven biển có các loài cây dại thấp chồi, mọc từng lùm. Nhưng ở rừng Nà lại là các loài cây cao chồi, thân to, có loài là gỗ quý, dây leo, tầm gửi đeo bám vào cây, gia tăng thêm độ che phủ của tán rừng. Rừng Nà cũng là “bãi cá, bãi lươn” bởi lớp bùn tạo từ mùn lá hàng trăm năm là môi sinh của các loài lươn, lạch, cua, cá... Rồi dưới tán rừng, tiếng hót của nhiều loài chim như chào mào, cu gáy, chích chòe, bìm bịp vang vọng, tạo nên thanh âm thú vị, yên bình.

Theo Trưởng thôn Lương Nông Bắc Nguyễn Đức Tin, mùa mưa, cá ngoài đồng, ngoài sông lũ lượt vô ở trong ao, lạch giữa rừng Nà. Có lẽ do mùa đông, thời tiết trong rừng ấm hơn. Nhiều người dân có thêm thu nhập khi bắt cá, bắt lươn ở rừng Nà đem bán.

Hương ước giữ rừng

Nói về rừng Nà, Bí thư Chi bộ thôn Lương Nông Nam Phan Tấn Thế cho biết: "Cũng là nhờ dân mình có quy định giữ rừng nghiêm ngặt từ thời cha ông. Ai cũng một bề tuân theo lệ xưa, không dám xâm phạm rừng Nà. Nhờ vậy, trong kháng chiến, rừng Nà đã chở che cho dân làng, bộ đội...".

Trước đây, có một số người lạ đêm hôm lẻn vào săn bắt các loài chồn, đào các loại cây làm cảnh như sanh, lộc vừng, làm suy giảm đa dạng sinh học của rừng Nà. Người dân đã kịp thời báo chính quyền địa phương để có biện pháp bảo vệ rừng Nà.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thạnh Trần Quang Thanh chia sẻ: Để ngăn cấm triệt để việc xâm phạm rừng Nà, địa phương đã trồng cọc ranh giới bằng trụ xi măng và đắp bờ bao nơi rừng Nà tiếp giáp khu dân cư. UBND xã giao cho các thôn có rừng Nà phải đưa việc bảo vệ rừng Nà vào hương ước thôn văn hóa, ai vi phạm sẽ bị xử phạt thích đáng. Rừng Nà cho dân mình nguồn nước, không khí trong lành, mát mẻ, che chắn gió bão, nên người dân ai cũng tự giác bảo vệ rừng.

theo Trung Ân/báo Quảng Ngãi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi giữ rừng trở thành hương ước