Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi là phương pháp không còn mới mẻ, nhưng với người nông dân Hà Tĩnh thì đây là một giải pháp thiết yếu để cải thiện môi trường sống trong điều kiện khí hậu đặc thù.

Nông dân sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường sống

Quang Cường | 09/10/2022, 08:35

Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi là phương pháp không còn mới mẻ, nhưng với người nông dân Hà Tĩnh thì đây là một giải pháp thiết yếu để cải thiện môi trường sống trong điều kiện khí hậu đặc thù.

Hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường sống ở nông thôn

Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là mưa lũ. Do đặc thù về thời tiết nên có nhiều vùng luôn ẩm thấp, dễ phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Lĩnh vực chăn nuôi ở Hà Tĩnh cũng chịu sự tác động lớn của thời tiết, thường xuyên có ngập lụt vào mùa mưa. Không những thế, chuồng trại chăn nuôi là một trong những tác nhân gây ô nhiễm không gian sống của con người.

Để cải tạo môi trường sống khi phải vừa chăn nuôi kiểu nông hộ, người nông dân Hà Tĩnh đã bắt đầu làm quen với phương pháp làm đệm lót sinh học, là một cách ứng dụng công nghệ sinh học vào chất lượng cuộc sống.

dem-lot-sinh-hoc2.jpg
Người dân ở nông thôn thường làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm ngay trong vườn, thậm chí là bên cạnh  nhà ở nên môi trường sống bị ảnh hưởng

Với người nông dân, trước đây họ thường sống chung với mùi hôi từ chuồng nuôi gia súc, gia cầm, vì tập quán ở nông thôn Hà Tĩnh thường làm chuồng cho vật nuôi ngay trong vườn, thậm chí là sát với nhà ở. Do vậy, để giảm bớt mùi hôi từ phân gia súc gia cầm, họ phải thường xuyên quét dọn và rửa bằng nước. Công việc này rất tốn thời gian và công sức nhưng vẫn không xử lý triệt để mùi hôi và chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay tại Hà Tĩnh đã có rất nhiều gia đình áp dụng giải pháp đệm lót sinh học trong chăn nuôi và đã cho thấy hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường.

Bà Phan Thị Thủy, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Hồng Lộc (huyện Lộc Hà) cho biết, từ khi tiếp cận được thông tin về phương pháp làm đệm sinh học cho chuồng nuôi gia súc gia cầm, nhiều người dân trong xã rất hứng thú với cách làm này. Tuy nhiên, do chưa nắm rõ kỹ thuật nên chính quyền và Hội phụ nữ phải tập huấn cho bà con. Sau quá trình tuyên truyền và phổ biến kỹ thuật, hiện tại xã Hồng Lộc đã có 12 gia đình chăn nuôi theo kiểu nông hộ sử dụng đệm lót sinh học trong chuồng nuôi bò, lợn, gà.

“Bước đầu chúng tôi thấy đệm lót sinh học rất hiệu quả. Ngoài việc khử mùi hôi thì người nông dân còn giảm được ngày công dọn chuồng. Hiện xã Hồng Lộc đang hỗ trợ men vi sinh cho những gia đình làm đệm lót sinh học lần đầu để khuyến khích người dân áp dụng cách làm mới bảo vệ môi trường. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền và hỗ trợ bà con để nhân rộng cách làm này”, bà Thủy cho hay.

dem-lot-sinh-hoc-3.jpg
Chuồng bò của một hộ dân ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) không còn mùi hôi của phân và nước tiểu sau khi sử dụng đệm lót sinh học trong nền chuồng

Với những gia đình chăn nuôi theo kiểu nông hộ, việc sử dụng đệm lót sinh học đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Bữa ăn, giấc ngủ hằng ngày của họ không còn bị mùi hôi từ chuồng nuôi gia súc, gia cầm làm ảnh hưởng. Còn đối với những mô hình chăn nuôi lớn thì việc áp dụng đệm lót sinh học còn đem lại nhiều lợi ích hơn.

Chị Võ Thị Thanh Kỷ (xóm 1, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) cho biết, gia đình chị có chuồng nuôi hơn 20 con lợn thịt, đã thu hoạch 1 lứa. Hiện chị đang hoàn thành chuồng mới để nuôi 80 con lợn thịt và 8 con lợn nái.

“Từ khi sử dụng đệm lót sinh học, trong chuồng lợn hầu như không còn mùi hôi của phân và nước tiểu. Điều này làm cho gia đình rất hài lòng vì môi trường sống không bị ô nhiễm. Bên cạnh đó thì chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều công sức khi phải rửa dọn chuồng trại hằng ngày”, chị Kỷ nói.

Cách làm đơn giản và tiết kiệm chi phí

Để làm đệm lót sinh học cho chuồng nuôi gia súc gia cầm, người nông dân cần chuẩn bị vật liệu là trấu hoặc vỏ lạc, rơm, mùn cưa gỗ. Tiếp đó là mua gói bột chế phẩm sinh học (men vi sinh) được bán trên thị trường, là thành phần chính tạo nên đệm lót sinh học.

Chị Kỷ cho biết, tại địa phương của chị, trấu được mua từ các gia đình có máy xát gạo dịch vụ, mỗi bao lớn có giá 6.000 đồng.

img_1348.jpg
Chị Võ Thị Thanh Kỷ (xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang rải bột men vi sinh lên lớp trấu để tạo đệm lót sinh học 

Quy trình tạo ra đệm lót sinh học rất đơn giản. Đầu tiên là rải một lớp trấu trên nền chuồng, độ dày trên 10cm. Tiếp đó là phun nước lên lớp trấu để tạo độ ẩm, sau đó rải bột men vi sinh lên và trộn đều. Như vậy là đã hình thành một đệm lót sinh học.

“Gói men vi sinh được bán ngoài thị trường với giá 250.000 đồng. Với diện tích ô chuồng 20m2/10 con lợn như của gia đình tôi thì mỗi lần trộn đệm lót chỉ cần nửa gói. Đệm lót sau khi hình thành sẽ phát huy tác dụng kéo dài khoảng 5 tháng, trong thời gian đó nếu thấy đệm ướt thì trộn thêm trấu và men vi sinh. Thường thì sử dụng đến khi lợn lớn và xuất chuồng, lớp đệm sinh học sẽ được sử dụng làm phân bón cho cây trồng”, chị Kỷ cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ chế hoạt động chính của đệm lót sinh học là sử dụng nhóm men để phân hủy phân và nước tiểu. Ví dụ khi nước tiểu được thải ra và thấm xuống nền đệm, nhóm các vi khuẩn vi sinh sẽ tiến hành phân giải chất độc. Nhóm men này được tạo nên bởi việc sử dụng trực tiếp các chất đạm trong phân, có tác dụng trong việc hấp thụ mùi hôi ở mức độ cao nhất.

Ngoài ra, lớp mùn cưa hoặc trấu có độ cứng và độ xốp thực hiện chức năng hấp thụ, ức chế và tiêu diệt các thành phần vi khuẩn và mùi hôi khó chịu từ các loại khí như NH3, H2S, các amin hữu cơ ở mức độ rất lớn do sự áp đảo của vi sinh vật có ích, các enzym ngoại bào kích thích quá trình lên men hiếu khí để chống lại vi khuẩn.

Với cơ chế hoạt động là nhóm vi khuẩn này rất thích ứng ở môi trường có nhiệt độ cao, giữ cho mối quan hệ cộng sinh và hỗ trợ lẫn nhau trong sinh trưởng, duy trì hoạt tính và số lượng trong nền đệm lót. Nhờ vậy mà chất độc được khử và tiêu hủy, mùi hôi vì thế cũng được giảm.

img_1361.jpg
Sử dụng đệm lót sinh học sẽ khử mùi hôi của chuồng, tiết kiệm công sức dọn rửa chuồng hằng ngày, và đặc biệt là lớp đệm lót còn được sử dụng làm phân bón cho các loại cây trồng

Ông Trương Thanh Hà, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết, thời gian vừa qua, vấn đề môi trường trên địa bàn huyện rất nhức nhối liên quan đến việc chăn nuôi nông hộ, cũng như các trang trại.

Qua tìm hiểu thông tin về phương pháp sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, huyện đã chủ trương cử cán bộ đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học ở tỉnh bạn. Sau đó, cán bộ về triển khai mô hình cho một số hộ dân.

“Quá trình các hộ dân chăn nuôi bằng đệm lót sinh học đã cho thấy hiệu quả, thứ nhất là môi trường không có mùi hôi và không có nước thải chảy tràn lan; thứ hai là sau khi xuất bán vật nuôi thì đệm lót được sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng các mô hình trên địa bàn”, ông Hà nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường sống