Năm 2019, ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỉ USD, tăng trưởng GDP của ngành đạt trên 3%.
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp sáng 3.1.2019, theo báo cáo của Bộ NN-PT-NT, năm 2018 ngành có mức tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt kỷ lục trên 40 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp mới thành lập, tăng hơn 12% so với 2017. Đến nay, cả nước có hơn 9.200 doanh nghiệp nông nghiệp.
Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỉ USD, tăng trưởng GDP của ngành đạt trên 3%.
Theo Bộ NN-PT-NT, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 40 tỉ USD là nhờ sự tăng trưởng đều khắp của các ngành, lĩnh vực.
Lĩnh vực chăn nuôi đã có chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu, như thịt lợn đông lạnh chính ngạch sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản...
Ngành thủy sản năm 2018 tiếp tục thành công, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,74 triệu tấn, tăng 6,1%; trong đó khai thác đạt 3,59 triệu tấn, tăng 5,5%; nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 6,7%; giá trị sản xuất tăng 6,5%, vượt mục tiêu đề ra (5,29%).
Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến tiếp tục được nâng cao năng lực, chế biến sâu. Năm 2018 có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỉ đồng được khởi công và khánh thành, góp phần thúc đẩy xuất khẩu của ngành.
Bộ NN-PT-NT cũng cho rằng, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là:
Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở nên phổ biến, chủ đạo. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro; trong khi năng lực quản trị, công tác dự báo cung-cầu còn bất cập.
Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp. Một số địa phương cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới để chuyển sang giai đoạn nâng cao, nhưng một số địa phương có số xã đạt chuẩn rất thấp.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngoài “nút thắt” đất đai thì cần chỉ ra và thảo luận những “nút thắt” khác. “Nhiều nơi chúng ta tháo gỡ chưa đến nơi đến chỗ nên nông nghiệp chưa phát triển được, vậy nút thắt trong thể chế là gì?”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu thảo luận những tồn tại trong bản thân ngành nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu... “Nếu bản thân ngành nông nghiệp chuẩn bị tốt những vấn đề như giống, thuốc trừ sâu, không có phân bón giả, thì phát triển nông nghiệp sẽ cho hiệu quả và chất lượng cao”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu 9 vị bộ trưởng đại diện cho 9 ngành kinh tế có mặt ở hội nghị phải bàn thảo, phối hợp tốt hơn thời gian tới. “Chúng ta nói đến số lượng và cả chất lượng. Nhưng ai làm thị trường, ai làm chất lượng, phải bàn thảo”, Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thách thức khi hội nhập đặt ra nhiều vấn đề cho ngành nông nghiệp, như những vụ kiện nông nghiệp khi Việt Nam thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này.
Bên cạnh đó, việc tháo gỡ các nút thắt không chỉ giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm cho 100 triệu dân mà phải hướng tới xuất khẩu. Đặc biệt, hướng tới phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, trách nhiệm chính trị phải bảo vệ người dân không thể để nền nông nghiệp “bẩn”.
Lam Thanh