Cắt giảm điều kiện kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị quyết 19 năm 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị định kinh doanh khí... là những chính sách có ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp năm vừa qua.

Những chính sách nào có tác động lớn đến doanh nghiệp năm 2018?

31/12/2018, 16:56

Cắt giảm điều kiện kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị quyết 19 năm 2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị định kinh doanh khí... là những chính sách có ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp năm vừa qua.

Nhiều chính sách có tác động đến doanh nghiệp năm 2018 - Ảnh: Internet

Cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương

Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.Theo đó, nghị định này yêu cầu cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số hơn 1.200 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương.

Theo Nghị định này, 675 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm theo thuộc 8 lĩnh vực: Xăng dầu, thuốc lá, điện lực, nhượng quyền thương mại, thương mại điện tử, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành cùa Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 9.11.2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cải cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là cắt giảm các chi phí bất hợp lý, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Nghị quyết 19/2018 về cải thiện môi trường kinh doanh

Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15.5.2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được thông qua

Luật này được Quốc hội Khóa 14, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12.6.2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2019.

Luật Cạnh tranh được ví như hiến pháp của thị trường. Luật mới đã chuyển đổi cách tiếp cận theo hướng áp dụng nhiều hơn các phương pháp kinh tế. Nhiều điểm mới của Luật Cạnh tranh 2018 được cơ quan quản lý Nhà nước công bố.

Trong đó, Luật đã mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Cụ thể, đã mở rộng tới tất cả các đối tượng là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Đáng lưu ý, trong chương sửa đổi, bổ sung các hành vi bị cấm đối với các cơ quan nhà nước, ngoài việc duy trì các hành vi đã được quy định tại Luật Cạnh tranh 2004, Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung thêm hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh”; bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường với 4 nhóm doanh nghiệp cụ thể để soi chiếu có vị trí thống lĩnh thị trường hay không… Đồng thời, hoàn thiện các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế cũng như hoàn thiện quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch vừa được thông qua sẽ chính thức bãi bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh, thay vào đó, nội dung này được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh để bảo đảm không trái với các nguyên tắc xây dựng Luật và tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch.

Theo đó, Luật bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ... đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh...

Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai (Điều 6 dự thảo Luật), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như quy định tại dự thảo Luật. Bởi lẽ, thời kỳ quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Quy hoạch là 10 năm. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành cụ thể hóa quy hoạch tỉnh nên thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cũng phải phù hợp với thời kỳ của quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch là 10 năm.

Nghị định 63/2018 về hợp tác công - tư

Tháng 3.2018, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19.6.2018 để thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong các dự án hợp tác công - tư (PPP).

Điểm mới của nghị định này đã chuyển trách nhiệm của Bộ KH-ĐT trong việc huy động vốn phục vụ cho công tác chuẩn bị đầu tư sang cho các bộ, ngành, UBND; nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lên tối thiểu 20% so với mức 15% trong Nghị định 15 đối với dự án có tổng đầu tư đến 1.500 tỉ đồng.

Ngoài vốn góp và vốn thanh toán cho nhà đầu tư, Nhà nước có thể tham gia dự án PPP bằng cách góp quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán cho nhà đầu tư hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ được nhượng cho nhà đầu tư trong dự án áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Nghị định 63 đã không còn yêu cầu Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch sử dụng vốn trong kế hoạch đầu tư công quốc gia như trong Nghị định 15; có thêm một mục về chuyển đổi từ dự án đang được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công sang dự án PPP, trừ các loại hình gồm hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M), và dự án đối ứng của dự án BT.

Nghị định này cũng dành hẳn một chương mới cho riêng hình thức hợp đồng BT. Những điều khoản quan trọng trong chương này gồm các quy định về phương thức thanh toán cho nhà đầu tư hợp đồng BT (gồm sử dụng giá trị quyền sử dụng đất, trụ sở làm việc... và nhượng quyền kinh doanh...); nguyên tắc thực hiện hợp đồng BT theo phương thức sử dụng giá trị quyền sử dụng đất…

Gỡ vướng cho doanh nghiệp kinh doanh khí

Theo Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí được Chính phủ ban hành ngày 15.6.2018, có hiệu lực từ ngày 1.8.2018 đã bãi bỏ những điều kiện “trói chân” doanh nghiệp trước đó như yêu cầu về quy mô, yêu cầu doanh nghiệp phải có nhà chứa, có 100.000 bình…

Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho thương nhân xuất khẩu gạo

Theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo,thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó, thay vì 10% như trước đây.

Ngoài ra, thương nhân nêu trên cần đáp ứng một số điều kiện khác như: Có ít nhất 01 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo; Có ít nhất 01 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo; Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê, có hợp đồng thuê tối thiểu 5 năm.

Nhiều thay đổi về thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Ngày 10.10.2018 là thời điểm Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực.

Từ thời điểm này, sẽ có một số thay đổi về thủ tục đăng ký doanh nghiệp như bổ sung quy định: Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và trong nghị quyết, quyết định, biên bản họp của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Hồ sơ đăng ký kinh doanh gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ khác tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

Bỏ quy định: Doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chính phủ ban hành Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11.3.2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định này hướng dẫn về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Tiếp đó là Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11.3.2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Nghị định này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước như: Hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15.6.2018 về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan bố trí nguồn kinh phí thường xuyên thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; các tỉnh bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển các cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Quy định chức năng, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 29.9.2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Sau 20 năm đổi mới doanh nghiệp nhà nước, sự ra đời Ủy ban là bước đi quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Áp dụng Hệ thống mã ngành kinh tế mới

Ngày 6.7.2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Ban hành kèm theo Quyết định là Danh mục ngành nghề được chia thành 05 cấp và nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam giải thích rõ ràng hoạt động kinh tế gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận.

Khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động theo mã ngành kinh tế cũ cập nhật theo mã ngành kinh tế mới.

Sơn Lam

Bài liên quan
Gã khổng lồ công nghệ với 30.000 nhân viên không có chính sách quay trở lại văn phòng
Văn phòng đẹp mắt của hãng phần mềm Globant SA ở trung tâm Buenos Aires (thủ đô Argentina) có thiết kế không gian mở, bàn làm việc cong và tầm nhìn bao quát từ sông đến Uruguay. Nhân viên có thể đốt lửa nướng món thịt asado của Argentina, chơi bóng bàn, tập thể dục hoặc thậm chí cưỡi bò máy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những chính sách nào có tác động lớn đến doanh nghiệp năm 2018?