Các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm đường đầu tư vào nông nghiệp nhưng lại là ở các nước láng giềng. Vì sao có chuyện nghịch lý như vậy?

Nông nghiệp Việt Nam chậm cải cách, doanh nghiệp tìm đường 'vượt biên'

Nhàn Đàm | 01/04/2016, 15:47

Các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm đường đầu tư vào nông nghiệp nhưng lại là ở các nước láng giềng. Vì sao có chuyện nghịch lý như vậy?

Tính đến thời điểm hiện tại, có vẻ như sự kiện hạn hán và xâm mặn kỷ lục lớn nhất trong vòng 100 năm qua tại đồng bằng sông Cửu Long về bề ngoài đang dần xẹp xuống và không còn nóng như thời gian đầu. Nước sông Mekong đã bắt đầu về do Trung Quốc và Lào mở đập thủy điện để dẫn nước ngọt xuống hạ nguồn, đồng thời mực xâm mặn có vẻ như cũng đã đạt đỉnh khi xâm nhập 8/13 tỉnh thành nên giờ đây bắt đầu hạ xuống. Tuy nhiên, vấn đề không vì thế mà đã được giải quyết. Nước mặn hạ xuống cũng là lúc công tác cứu trợ và khắc phục bắt đầu. Đây không chỉ đơn thuần là một sự kiện thiên tai đơn thuần, mà còn đang là một hồi chuông báo động với nông nghiệp Việt Nam, đó là: cải cách hay là chết?

Nếu chỉ xét riêng câu chuyện gói gọn trong phạm vi một vấn đề riêng lẻ của đồng bằng sông Cửu Long, thì đây chỉ là một hiện tượng thiên tai bình thường, dù lần thiên tai này được đánh giá là có quy mô lớn nhất trong vòng 100 năm đi nữa. Nhưng nếu nhìn nhận nó như một phần của câu chuyện nông nghiệp Việt Nam hiện nay, thì vấn đề sẽ khác hoàn toàn. Một thực tế mà không nhiều người biết là, trước khi đợt hạn hán và xâm mặn vừa rồi diễn ra, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trong mảng nông nghiệp chuyển hướng sang đầu tư tại các nước láng giềng như Lào, Campuchia và Myanmar đã tăng vọt lên đáng kể. Và không khó để dự đoán rằng, sau đợt thiên tai đã tàn phá kinh hoàng tại đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, thì xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng lên nữa, do quá trình ngập mặn đã khiến khu vực được coi là vựa lúa của Việt Nam trở nên khó khăn trong việc canh tác hơn bao giờ hết.

Nó đang dẫn đến một nghịch lý đau xót là: trong khi nền nông nghiệp quốc gia đang trì trệ, ngành nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long bị tàn phá nặng nề, và cần tái thiết hơn bao giờ hết, thì các doanh nghiệp trong mảng nông nghiệp lại tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Đó có phải là lỗi của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam? Câu trả lời có lẽ là: Không.

Trên thực tế, có nhiều lý do khiến cho làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào ngành nông nghiệp của các nước láng giềng tăng mạnh, trong khi Chính phủ Việt Nam mong muốn số lượng doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp nước nhà nhiều hơn bao giờ hết. Trước hết, các nước láng giềng với Việt Nam điển hình là Campuchia, có một số lợi thế nhất định mà Việt Nam không có, chẳng hạn như ưu đãi xuất khẩu từ các thị trường lớn như EU. Cụ thể, Liên minh châu Âu EU có chính sách ưu đãi đối với hàng nông sản xuất khẩu của Campuchia vào thị trường này, lúa gạo là một phần trong đó. Hiện Việt Nam vẫn chưa có được ưu đãi này khiến cho mặt hàng lúa gạo của chúng ta khó tiếp cận thị trường EU, và đó là lý do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh tay vào Campuchia để tận dụng ưu đãi này.

Tuy nhiên, một trong những lý do hàng đầu khiến cho làn sóng đầu tư vào nông nghiệp tại Campuchia của các doanh nghiệp Việt Nam tăng lên, là vì thuận lợi về mặt nhân công cũng như thuế phí. Theo thống kê, tỉ trọng thuế phí/lợi nhuận của Campuchia thấp hơn tại Việt Nam rất nhiều. Ở Việt Nam, mức lợi nhuận trung bình các doanh nghiệp phải bỏ ra để đóng các loại thuế phí lên đến 39-40%, trong khi tại Campuchia chỉ là khoảng 21%, tức là thấp hơn gần một nửa. Đây mới được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia đầu tư ngày càng nhiều hơn. Vì Campuchia không ký kết các hiệp định thương mại lớn để nhận được ưu đãi đối với nhiều mặt hàng như Việt Nam, mà chỉ có ưu đãi trong một số ít lĩnh vực trong đó có nông sản, nên đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào nước này cũng mới chỉ tăng mạnh trong ngành nông nghiệp chứ chưa mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Điều này đang cho thấy một thực tế mà người Việt Nam không dễ nuốt trôi, đó là môi trường đầu tư kinh doanh tại Campuchia thuận lợi hơn so với Việt Nam, ít nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hầu hết các vấn đề đang được xem là cản trở nông nghiệp Việt Nam phát triển và cải cách như sở hữu đất đai hay thuế phí quá cao, thì lại gần như không có hoặc ở mức độ thấp hơn rất nhiều tại Campuchia. Điều này đang là tác nhân trực tiếp dẫn đến việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong khi tỷ trọng đầu tư vào nền nông nghiệp nước nhà vẫn không khả quan bất chấp những kêu gọi từ phía Chính phủ và Nhà nước.

Dĩ nhiên, vấn đề chính yếu ở đây là các doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, và kể cả khi nền nông nghiệp Việt Nam được cải cách và có môi trường đầu tư kinh doanh ngang bằng hay thậm chí là tốt hơn Campuchia đi nữa thì sẽ vẫn có doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở Campuchia. Đó đơn giản là vấn đề tối đa hóa và đa dạng hóa doanh thu rất thường thấy trong giới doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện nền nông nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng không lấy gì làm tươi sáng, khi mà đề án cải cách vẫn chưa đi đến đâu và lại đang đối mặt với thiên tai lớn chưa từng có, thì việc làn sóng đầu tư sang nông nghiệp Campuchia của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tăng mạnh rõ ràng là một vấn đề đáng suy ngẫm. Giải pháp không đơn giản là tìm cách ngăn chặn hay cấm đoán làn sóng đầu tư này một cách bất hợp lý và cả bất hợp pháp nữa, mà là cần lý giải rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Một thực tế không lấy gì làm tươi sáng mà Việt Nam chúng ta buộc phải chấp nhận, đó là: đầu tư vào nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay có nhiều khó khăn và trở ngại hơn so với các nước láng giềng như Campuchia khá nhiều. Ngoài những cản trở và ràng buộc trong lĩnh vực môi trường đầu tư, như vấn đề sở hữu đất đai hay tỷ trọng thuế phí quá nặng, thì nông nghiệp Việt Nam hiện còn đụng phải khó khăn do thiên tai gây ra. Sự tàn phá của hạn hán và xâm mặn đối với ngành nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai nếu như muốn khôi phục điều kiện sản xuất như ban đầu, và doanh nghiệp đầu tư vào đây cũng đồng nghĩa với việc họ phải giải quyết hậu quả do xâm mặn gây ra, nó sẽ tốn không ít thời gian và chi phí, đồng nghĩa với việc sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn so với việc đầu tư sang Campuchia, Lào hay Myanmar.

Trong bối cảnh đó, điều Việt Nam cần làm để khôi phục sản xuất nông nghiệp tại khu vực phía Nam về lý thuyết là phải tăng mức ưu đãi và hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, cũng như tiến tới cải cách toàn bộ nền nông nghiệp quốc gia. Nếu không thực hiện, vấn đề chảy máu đầu tư sang các nước láng giềng vào nông nghiệp sẽ tiếp tục diễn ra, trong khi nền nông nghiệp nước nhà tiếp tục trì trệ và lụn bại. Nhất là khi ngày càng nhiều các nước trong khu vực nổi lên như những đối tượng tiềm năng để đầu tư vào ngành nông nghiệp. Sau Campuchia, quốc gia mới nhất nổi lên như một điểm đến tiềm năng cho đầu tư vào nông nghiệp là Myanmar, và cũng đang thu hút không ít nhà đầu tư Việt Nam.

Theo thống kê, hiện Việt Nam chỉ có khoảng 500.000-600.000 doanh nghiệp trên cả nước, và chỉ có một số ít trong đó là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu Việt Nam thực sự muốn cải cách nông nghiệp và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, thì phải làm thật nhanh vì ngày càng nhiều doanh nghiệp nông nghiệp trong nước chuyển hướng sang đầu tư tại Lào, Campuchia và Myanmar. Ở thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp chậm cải cách phút nào là chết phút đó.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz)
Bài liên quan
Kỳ vọng từ cơ chế thí điểm nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm là cơ chế đúng đắn. Điều này sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại đang bị “kẹt”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông nghiệp Việt Nam chậm cải cách, doanh nghiệp tìm đường 'vượt biên'