Khi nhắc đến chuyện hiến đất làm đường, nhiều người sẽ nghĩ đến nghĩa cử cao đẹp vì lợi ích chung. Tuy nhiên, đã có tình trạng biến tướng khiến dư luận ngỡ ngàng.

Nóng tình trạng lợi dụng hiến đất để phân lô bán nền

Hồ Phong | 18/04/2022, 20:50

Khi nhắc đến chuyện hiến đất làm đường, nhiều người sẽ nghĩ đến nghĩa cử cao đẹp vì lợi ích chung. Tuy nhiên, đã có tình trạng biến tướng khiến dư luận ngỡ ngàng.

Hồi đầu tháng 4, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua kiểm tra phát hiện nhiều trường hợp hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa chứ không phải vì mục đích chung của cộng đồng. Trong khi việc này phần lớn đều chưa được thực hiện chặt chẽ, chưa tuân thủ quy định trong hiến đất làm đường. Một số nơi còn không hoàn thành các thủ tục để tiếp nhận, quản lý đất do người dân hiến.

Liên quan đến tình trạng hiến đất làm đường giao thông sau đó phân lô, tách thửa tại Lâm Đồng, TP.Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm được xem là điểm nóng của tỉnh. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận trong giai đoạn từ năm 2018-2021, gần 200 trường hợp trên địa bàn TP.Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm hiến đất làm đường, với tổng diện tích đất hiến lên đến gần 52 ha.

Cụ thể, tổng số hồ sơ xin tách thửa từ năm 2018-2020 tại TP.Bảo Lộc là 2.802 hồ sơ với tổng diện tích 8.592.368 m2; trong đó năm 2018 có 738 hồ sơ/1.571.041 m2, năm 2019 có 902 hồ sơ/2.999.870 m2 và năm 2020 là 1.162 hồ sơ/4.021.458 m2. Trong khi đó, tổng diện tích tự mở đường, hiến đất 3 năm qua là 69.551 m2; trong đó nhiều nhất là xã Đam B’ri với 40.478 m2, kế tiếp là P.Lộc Sơn 10.375 m2, P.Lộc Phát với 7.260 m2, các địa phương còn lại dao động từ 234 - 3.241 m2

Theo ghi nhận, không ít con đường được mở ra dưới hình thức người dân hiến đất làm đường để thuận tiện cho việc canh tác, sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có tới hàng trăm ha đường được hiến như thế này. Bản chất của việc hiến đất ở đây có phải là để phục vụ lợi ích công cộng, hay đó chỉ là bước mở đầu cho một kế hoạch với mục đích khác?

Sau mở đường, sự thật là không còn ai sản xuất nông nghiệp ở những khu đất đó. Từ hàng chục ha đất trồng chè đã được phân lô, tách thửa và chào bán công khai với những cái tên núp bóng các dự án bất động sản. Đó là thực trạng không chỉ xảy ra ở Lâm Đồng mà ở các địa phương khác, đặc biệt là những nơi có phong trào nông thôn mới. 

Theo số liệu thống kê, thời gian qua, tổng diện tích người dân ở Bình Phước hiến đất làm đường giao thông là 238.587,68 m2, với 337 tuyến đường thuộc cấp huyện, xã quản lý. Thế nhưng, ngoài những người dân thực tình hiến đất vì cái chung thì có không ít kẻ lợi dụng chủ trương đúng đắn của Nhà nước để thu lợi riêng. Thậm chí, giới đầu nậu đất cũng hiến đất làm đường nhằm mục đích phân lô, bán nền, gây xáo trộn công tác quản lý đất đai ở địa phương.

Thực tế trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều trường hợp hiến đất để làm đường đấu nối với đường giao thông hiện hữu, sau đó tách thửa, phân lô, xây dựng nhà ở dưới hình thức nhà ở riêng lẻ, không lập dự án, hình thành khu dân cư tự phát.

Chẳng hạn, theo ghi nhận của báo chí địa phương, tại một khu đất ở ấp Phước Đức A, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, có một con đường được xây dựng từ phần đất hiến của người dân kết nối với đường giao thông hiện hữu. Tuy nhiên, con đường mới làm này lại dẫn ra đồng ruộng, không liên thông với bất cứ tuyến đường nào để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chưa kể, trong khu đất này còn có 2 con đường cụt và “mọc” lên một vài căn nhà được xây dựng kiên cố như khu dân cư tự phát nhưng chẳng hề có một cơ sở hạ tầng nào được đầu tư bài bản. Đơn giản, đây là đất nông nghiệp.

Cần phải khẳng định việc vận động người dân hiến đất làm đường giao thông là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nhằm huy động sự đóng góp của người dân vào việc đồng bộ phát triển hệ thống giao thông đường bộ, nhất là ở các vùng nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải có các biện pháp và quy định để ngăn chặn tình trạng lợi dụng kẽ hở để phục vụ mục đích phân lô, bán nền.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nóng tình trạng lợi dụng hiến đất để phân lô bán nền