Vở kịch "Ông già và biển cả" được tác giả Hàn Quốc chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ernest Hemingway. Ở phiên bản Việt, NSƯT Công Ninh giữ vai trò dàn dựng.
Văn hóa

NSƯT Công Ninh: 'Sáng tạo là trách nhiệm và là cảm hứng của người nghệ sĩ'

Nguyễn Huy (thực hiện) 18:26 24/11/2024

Vở kịch "Ông già và biển cả" được tác giả Hàn Quốc chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ernest Hemingway. Ở phiên bản Việt, NSƯT Công Ninh giữ vai trò dàn dựng.

Điều đặc biệt, vở diễn này mang phong cách XR (Extended Reality, tạm dịch là thực tế ảo) gặt hái được thành công từ Hàn Quốc. Nhà sản xuất ERS Factory muốn thử nghiệm thể kịch này tại Việt Nam và quyết định mang vở này sang Việt Nam. Phiên bản tiếng Việt do NSƯT Công Ninh giữ vai trò dàn dựng. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với anh ngay sau suất diễn đầu tiên.

Xin anh cho biết cơ duyên nào đưa anh đến với dự án này, thưa anh?

- Một ngày đẹp trời, Quốc Thuận gặp tôi và muốn mời tôi vào vai trò đạo diễn một vở kịch thể nghiệm hợp tác với Hàn Quốc. Cậu ấy giải thích rằng tôi thuộc thế hệ đạo diễn đầu tiên thành công ở thời kỳ kịch thể nghiệm sân khấu xã hội hóa những năm đầu thập niên 1990. Tôi cũng thích sự mới lạ nên nhận lời. Khi làm việc với phía Hàn Quốc, tôi nhận ra họ quá chuyên nghiệp và luôn khát khao tạo nên sự mới mẻ cho nghệ thuật.

anh-man-hinh-2024-11-24-luc-14.55.22.png
NSƯT Công Ninh - Ảnh: TL

Vở kịch "Ông già và biển cả" theo phong cách XR, anh có thể lý giải thêm về kịch theo phong cách này, thưa anh?

- Nói ngắn gọn thì đây là một sự phối hợp hài hòa giữa kịch nói và điện ảnh. Nếu ở kịch nói truyền thống, đạo diễn phải sử dụng cảnh trí, bục bệ mang tính ước lệ, thì phong cách XR sẽ thay cảnh trí bằng màn hình LED bố trí 4 phía gồm sau lưng, trên sàn, cánh trái và cánh phải. Những video được quay rất sống động đặt diễn viên vào khung cảnh thực của điện ảnh. Theo tôi, điều này tạo cảm xúc mạnh cho diễn viên lẫn người xem. Một nét mới thú vị của kịch nghệ.

image2.jpeg
Một cảnh trong vở "Ông già và biển cả" phiên bản Việt

Trong phiên bản Việt có gì khác nhau với phiên bản Hàn không, thưa anh?

- Về tổng thể, tôi phục dựng lại Ông già và biển cả theo bản kịch tiếng Hàn, nhưng phía Hàn đồng ý cho tôi có sự sáng tạo. Ví dụ trong bản tiếng Hàn, tư tưởng nghệ thuật vẫn là ca ngợi tinh thần dũng mãnh của lão ngư phủ trong hành trình khuất phục con cá kiếm. Đây là sự tôn vinh tinh thần lao động, sự mạnh mẽ của con người giữa thiên nhiên.

Tôi xử lý tư tưởng tác phẩm theo hướng nhân quả nhà Phật. Con cá đang quá hạnh phúc và tự do ở đại dương bao la, bỗng dưng ông lão đến bắt nó làm thức ăn. Nếu ông lão bị một con vật tấn công để ăn thịt thì sao? Từ đây, tôi đã xử lý tình huống con cá kiếm ông lão câu được, bị đàn cá mập ăn sạch trơ bộ xương. Tức là mọi thứ của ông lão trả hết về với biển, với mẹ thiên nhiên, và ông lão thất thểu về nhà, bỏ luôn ý định quay lại biển nhằm đánh bắt sinh vật có linh hồn. Trong vở kịch Hàn, con cá kiếm vẫn còn lại phần thịt xem như thành quả lao động của ông lão sau sóng gió thử thách, và ông lão quyết tâm quay lại với biển để thực hiện hành trình mới.

Anh có ngại sáng tạo của anh chệch tinh thần tác phẩm văn học của nhà văn lớn thế giới Hemingway?

- Sáng tạo là trách nhiệm và là cảm hứng của người nghệ sĩ. Nếu một đạo diễn copy 100% tư tưởng nghệ thuật của người khác thì anh ta không còn là nghệ sĩ nữa. Sự cảm tác hay chuyển thể nào cũng có quyền được khác bản gốc, miễn sao sáng tạo ấy hợp lý.

Anh đánh giá thế nào về vai chính Huỳnh Kiến An trong vở kịch "Ông già và biển cả"?

- Anh ấy đã 65 tuổi mà có khả năng độc diễn, nhớ thoại 100% trong suốt 1 giờ là điều ngoài sức tưởng tượng của tôi. Anh ấy đã lăn xả hết mình và hóa thân tuyệt vời.

Nhân tiện, tôi cảm ơn Quốc Thuận đã làm cầu nối cho tôi đến dự án. Cảm ơn Ngọc Tưởng đã hỗ trợ tôi trong vai trò trợ lý; cảm ơn phía đối tác Hàn Quốc đã đặt niềm tin vào tôi.

- Cảm ơn và chúc mừng anh có trải nghiệm đầy thú vị!

Ông già và Biển cả (tên tiếng Anh: The Old Man and the Sea) là một tiểu thuyết được nhà văn Mỹ Ernest Hemingway viết ở Cuba năm 1951, xuất bản năm 1952. Tác phẩm từng đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1953. Nó cũng góp phần quan trọng để nhà văn nhận Giải Nobel văn học năm 1954. Đây được xem là một trong các tác phẩm lẫy lừng của Hemingway bên cạnh Chuông nguyện hồn ai.

Vở kịch Ông già và biển cả phiên bản tiếng Việt công diễn 2 suất vào ngày 23, 24.11 tại The Global City, TP.HCM. Nhà sản xuất là ERS Factory, Hàn Quốc. Đây là đơn vị từng phối hợp với Quốc Thuận thực hiện chương trình truyền hình thực tế Ăn đi rồi kể được phát sóng trên cả truyền hình, thu hút được lượng người xem lớn. Từ đây, phía ERS Factory xúc tiến đưa kịch mang phong cách XR sang Việt Nam. Theo Giám đốc sản xuất Chang kyu ho, nếu thành công, nhà sản xuất sẽ thử nghiệm thêm nhạc kịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
32 phút trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NSƯT Công Ninh: 'Sáng tạo là trách nhiệm và là cảm hứng của người nghệ sĩ'