Người ngoài nhìn vào không tránh khỏi đôi chút ngậm ngùi khi thấy ở thế hệ anh, dòng họ đã sa sút, không còn lại mấy ai. Trái lại, trong mắt Hữu Châu, có những thứ thuộc về thiên mệnh mà con người không thể không chấp nhận.

NSƯT Hữu Châu: 'Tôi cõng trên lưng những nghiệt ngã của gia tộc'

Một Thế Giới | 12/05/2015, 07:30

Người ngoài nhìn vào không tránh khỏi đôi chút ngậm ngùi khi thấy ở thế hệ anh, dòng họ đã sa sút, không còn lại mấy ai. Trái lại, trong mắt Hữu Châu, có những thứ thuộc về thiên mệnh mà con người không thể không chấp nhận.

1. Nghệ sĩ Hữu Châu lắc đầu nói “chịu”, không thể xác định được khoảng thời gian nào trong đời bắt đầu dính vào nghiệp diễn, có lẽ là từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Anh được hoài thai vào thời kỳ rực rỡ nhất của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, một trong năm “đại bang” của cải lương Sài Gòn bấy giờ, nên hằng đêm đều được mẹ là cô đào lẳng Thanh Lệ “vác” theo ra sân khấu, rồi khi mới sinh còn đỏ hỏn đã được ẵm bồng ở hậu trường, được ngập trong tiếng đờn ca mỗi khi đoàn tập tuồng hoặc biểu diễn.
Trong ký ức của Hữu Châu, cho đến bây giờ vẫn nhớ như in vai diễn đầu đời vào năm lên ba trong vở Mỹ nhân và loạn tướng. Đó là vào một đêm đoàn đi hát tỉnh, Hữu Châu vào vai một cậu bé bị nghệ sĩ Việt Hùng (trong vai ác) móc mắt, Hữu Châu chỉ việc la “á” một tiếng, sau đó Việt Hùng ngửa tay ra cho khán giả thấy hai trái táo màu đỏ, là hết vai. Hữu Châu đi xuống, được bà nội trả “cát sê” một cắc. Lớn lên một chút, anh được bà nội gửi tới nghệ nhân Út Trong học ca cổ. Nghệ nhân Út Trong là thầy của ba má anh (nghệ sĩ Hữu Thình - Thanh Lệ), của cô Ba (Thanh Nga), của chú Sáu (Bảo Quốc)…
Năm 15 tuổi, Hữu Châu được bà nội cho theo đoàn ra Hà Nội để biết miền Bắc. Đoàn Thanh Nga bấy giờ đã chuyển sang đoàn tập thể nên Hữu Châu phải làm việc mới có “suất” đi. Anh làm diễn viên quần chúng, khi làm lính, lúc múa, làm nghĩa binh trong vở Tiếng trống Mê Linh. Cũng trong dịp này, được ông anh rể lâu lâu thương tình nhường vai, Hữu Châu đóng vai lính ngự trạm trong vở Thái hậu Dương Vân Nga, lần đầu tiên được hát bài “U liu ú xáng” trên sân khấu.
Học hết lớp 9, anh thi chuyển cấp vào trường PTTH Bùi Thị Xuân (Q.1). Chạy ngang, thấy trường Nghệ thuật Sân khấu 2 dán thông báo chiêu sinh, hiểu ra đây là trường dạy nghề, Hữu Châu vào hỏi mua đơn và thi vào ngành diễn viên cải lương. Nhận được giấy báo đậu cả hai trường, ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình lúc bấy giờ, anh chọn học nghề. Học được một năm, Hữu Châu thấy không khí khoa cải lương ở đây có cái gì đó không hợp với mình bèn xin chuyển sang khoa kịch nói, làm bạn đồng môn với những diễn viên thành danh sau này như Quang Minh, Hồng Đào, Hữu Nghĩa, Lương Mỹ…
huu chau
Bà Bầu Thơ, nghệ sĩ Thanh Nga và các con cháu trong gia tộc. Ảnh do nhân vật cung cấp 
2. Tháng 4.1975, Hữu Châu mới lên chín. Chừng ấy năm trôi qua, hẳn đời người ai cũng có những biến chuyển, riêng với Hữu Châu, đó là một chuỗi những ngày nghiệt ngã vì tai ương liên tiếp giáng xuống gia tộc. Sau cái chết thảm khốc của “má Ba” Thanh Nga năm 1978, tuy chưa đủ lớn để hiểu hết mọi chuyện, Hữu Châu vẫn cảm nhận được một sự mất mát quá lớn của riêng mình. “Má Ba” là người mẹ thứ hai của riêng anh, người vẫn thường dành cho thằng cháu nhỏ “đặc ân” được chải mái tóc dài cho má mỗi khi má gội đầu hong tóc, người thường hay dắt cháu sề xuống hàng chè trước ngõ “ăn cho đã thèm” mà không sợ ai dòm ngó... Nỗi đau lớn này chưa kịp nguôi, hai năm sau Hữu Châu lại được tin người anh ruột mới 19 tuổi đột ngột mất vì bệnh trên đường lưu diễn phía Bắc.
“Cái hay của Hữu Châu là anh luôn toát lên cái thần của một nghệ sĩ lớn, mang trong mình đầy đủ truyền thống và hiện đại. Anh rành rẽ các bộ môn nghệ thuật, quen biết tất cả giới nghệ sĩ cổ kim, hiểu sâu sắc tính cách Nam bộ. Anh địa phương tận cùng và toàn quốc tới chân răng. Khả năng diễn xuất của Hữu Châu cũng kỳ lạ. Anh làm tất cả một cách từ tốn, thấm thía, ngọt ngào. Với vẻ khoan thai, cử chỉ chọn lọc, tác phong đĩnh đạc, hành động mạnh mẽ, Hữu Châu có thể làm cho sàn diễn nghiêng từ từ rồi đổ sập khi người xem đang nước mắt lưng tròng” - Đạo diễn Lê Hoàng
Tầm hai năm sau nữa, anh lại chịu chung với đại gia đình một nỗi đau khác: mất đoàn hát. Với cách làm vội vã cùng với những con người thực hiện thiếu cả tầm lẫn tâm, chủ trương tập thể hóa các đoàn nghệ thuật tư nhân ở Sài Gòn sau năm 1975 đã không hoàn toàn thành công. Sau khi được tập thể hóa, bà bầu Thơ vẫn giữ chức trưởng đoàn, và các ban bệ quản lý hầu hết vẫn do người trong gia đình điều hành như xưa nay.
Rồi một ngày, họ bị đơn thưa là “gia đình trị”. Hữu Châu buồn bã nhớ lại cảnh cả nhà ngồi dàn hàng ngang cho người ta “chất vấn” như đứng trước vành móng ngựa. “Cuối cùng, nội tôi nói xin nghỉ, các cô các chú không ai nói gì nhưng sau đó cũng nghỉ theo. Đoàn hát của nội mà nội nói xin nghỉ, thật là đắng lòng”. Bà bầu Thơ nghỉ luôn ở nhà, sáu năm sau thì mất. Mẹ của Hữu Châu cũng bỏ nghề, mở quán cóc bán cà phê, kem; ba anh sang làm ngoại vụ cho đoàn Minh Tơ. Chú Sáu Bảo Quốc về nhà hát Trần Hữu Trang. Bản thân Hữu Châu cũng xém bị vạ lây. Khi đó anh đang học trường sân khấu, thỉnh thoảng có tham gia diễn ở đoàn Thanh Nga. Thời bao cấp khó khăn, học bổng ở trường ít ỏi, Hữu Châu được bà nội (trưởng đoàn) thỉnh thoảng cho lãnh ít gạo dư sau khi đã chia đủ cho nhân viên, anh bị tố lãnh hai đầu lương, suýt bị đuổi học, may nhờ các thầy cô hiểu chuyện bỏ qua, và từ đó cũng bắt cậu học trò chuyên tâm vào việc học, không cho đi hát nữa.
huu chau
Hữu Châu vai Nguyễn Trãi trong vở Bí mật vườn Lệ Chi. Ảnh Văn Bảy 
3. Nhưng sự nghiệt ngã vẫn chưa buông tha anh. Hữu Châu ngẫm ra rằng, nạn kiếp của mình còn nặng hơn cả nhân vật kép Tư Bền của nhà văn Nguyễn Công Hoan lúc lâm cảnh “trong héo ngoài tươi”. Tư Bền chỉ bị một lần, còn “kép” Hữu Châu” phải hai lần trải qua nỗi đau như thế. Lần đầu là năm 1985, khi anh cùng các bạn chuẩn bị tốt nghiệp.
Ngày hôm đó, lớp anh phải diễn một trích đoạn vở của Shakespeare cho các bạn sinh viên Campuchia sang nghiên cứu học tập. Trước lúc mở màn, anh được người chú chạy vào báo tin “ba chết rồi, con vô bệnh viện đi”. “Vậy mà, không hiểu sao, tôi ráng được hết buổi diễn đó rồi mới vô với ba. Có lẽ suốt bốn năm học, thầy cô bắt đọc nhiều sách vở, kiến thức được nạp nhiều, hiểu được trách nhiệm của người diễn viên như thế nào nên tôi mới giữ được bình tĩnh như vậy, mặc dù lúc mới nghe tin, tôi sững sờ vì ba tôi đang khỏe mạnh bình thường, tại sao chết. Sau mới biết, ba bị người ta hại”.
Lần thứ hai, năm 2010, anh kể: “Buổi sáng, tôi đi thiêu Xì Trum (nghệ sĩ Hữu Lộc), buổi tối sân khấu IDECAF khai trương vở Cậu bé khoai lang và ba bà tiên trong chương trình Ngày xửa ngày xưa. Tôi đóng một trong ba bà tiên đó. Diễn cho thiếu nhi nên “bà tiên” cứ phải luôn nhảy cà tưng, cà tưng”. Từ năm 1978 đến 2010, Hữu Châu năm lần “thót tim” bởi cái chết bất ngờ của năm người thân. Trừ bà nội, bốn người còn lại đều bị nạn trên đường đi, khiến anh về sau mỗi lần ra đường cứ có cảm giác bất an.
Giờ đây, thời gian lẫn tuổi đời đã đắp cho anh đủ độ cứng và sự trải nghiệm để có thể nhìn lại mọi chuyện một cách bình tâm. Anh cho rằng ông trời đối xử với anh cũng có “luật bù trừ”, lấy đi cái này thì cho lại cái khác. Cái ngày tưởng như nghề nghiệp phải bơ vơ vì chỗ dựa lớn nhất là đoàn hát của gia đình không còn, anh may mắn được vào trường chính quy, được “rèn đúc” bởi các thầy cô vừa giỏi nghề, vừa có tâm. Cả thầy lẫn trò đều được “tận hưởng” không khí dạy và học nghiêm túc đến “linh thiêng” dành cho nghề. Kế đến, mới chân ướt chân ráo ra trường, đã được diễn chung với với những tài danh là bà Bảy Nam, bà Năm Sa Đéc, kỳ nữ Kim Cương… trên cùng một sân khấu.
Anh nói, đây là giai đoạn anh cảm thấy được hạnh phúc và được chịu ơn nhiều nhất vì được học thêm nhiều thứ, ngoài nghề diễn còn là đạo đức của người nghệ sĩ, nhân cách sống. Dòng chảy của sân khấu TP.HCM mấy mươi năm qua như một con sông không êm đềm, lên xuống với nhiều thác ghềnh nhưng ở khúc quanh nào, Hữu Châu cũng vững được tay chèo, dẫu khi phải lập nhóm tấu hài bôn ba kiếm sống, hay được diễn kịch dài ở Nhà hát Hòa Bình, ở Sân khấu 5B, để rồi thành “tên tuổi lớn” hơn 15 năm nay ở sân khấu IDECAF.
Nhìn lại mấy mươi năm bỏ lại sau lưng, Hữu Châu điềm tĩnh nói những nghịch cảnh trong đời, ngẫm lại, ai không gặp, mình gặp cái này, người ta gặp cái khác, vậy nên anh không buồn mà thấy tự hào được là thành viên trong một dòng họ quá lẫy lừng. Người ngoài nhìn vào không tránh khỏi đôi chút ngậm ngùi khi thấy ở thế hệ anh, dòng họ đã sa sút, không còn lại mấy ai. Trái lại, trong mắt Hữu Châu, có những thứ thuộc về thiên mệnh mà con người không thể không chấp nhận: “Người ta nói, không ai giàu ba họ, tới tôi đã là đời thứ ba. Nghề này tổ cho tới đâu thì hưởng tới đó, có duyên thì theo, không duyên thì thôi, muốn cũng không được. Tôi ra đời khi thế lực gia đình đã hết, không ai giúp, đôi lúc tôi cũng thấy cô đơn trong nghề song tôi lại rất cảm ơn điều đó vì nó làm cho mình mạnh mẽ hơn và đã không làm hổ danh những người đi trước”.
huu chau
 Trong Ngàn năm tình sử. Ảnh: TL
4. Hữu Châu dáng người cao lớn, gương mặt cũng thuộc loại bảnh trai, nhưng khi vào nghề, anh toàn được “tổ” dành cho những vai… cụ ông ngay từ thời còn tuổi “teen”. Chưa sinh nhật thứ 19, anh đã đóng vai cậu Năm của cô Diệu Kim Cương trong Lá sầu riêng. Vậy nên hai mươi năm sau, trong chương trình liveshow Tạ ơn đời của NSND Kim Cương, “cậu Năm Hữu Châu” tái xuất mà không phải hóa trang nhiều.
“Tôi có nhiều học trò, và nếu nói Hữu Châu là một trong vài học trò mà tôi quý yêu nhất nhì thì chắc chắn chẳng ai trong số còn lại bất bình. Châu xứng đáng được như thế. Là người con hiếu thảo, một nghệ sĩ thông minh, nhạy cảm, Châu là người cầu tiến và luôn muốn làm mới mình, mới nghề. Hữu Châu là người mang cái vỏ lạc quan nhưng cực cùng cô độc, người-khó-cực-kỳ-dễ-chịu, người biết nén nỗi đau vào sâu thẳm hồn mình theo nguyên tắc “diễn ngược” - Biên kịch - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc
Vào tuổi 23, Hữu Châu đã đưa tên mình lên hàng những kịch sĩ hạng “sao” với vai Lỗ Quý (vở Lôi vũ) tại Sân khấu 5B Võ Văn Tần và sau đó đoạt huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1990) với vai ông đạo sĩ trong vở Đời luận anh hùng. Cứ thế, những vai lão của Hữu Châu ngày càng được nâng cấp về lượng lẫn chất, để rồi người xem đã không ngớt bị “thôi miên” bởi những hình tượng nhân vật anh hóa thân như Nguyễn Trãi (Bí mật vườn Lệ Chi), Thái sư Lý Đạo Thành (Ngàn năm tình sử), Quốc công Nguyễn Lê (Vua thánh triều Lê) , ông Năm (Dạ cổ hoài lang)…
Hữu Châu cho rằng, cho dù các nghệ sĩ thế hệ trước như “má Ba” Thanh Nga không hề được học trường lớp, nhưng họ diễn rất chân thật, mọi hành động kịch đều có quá trình, có giao lưu, có phán đoán… rất khớp với những gì sau này anh được truyền dạy ở trường sân khấu. “Có một điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng tôi cũng phải học - Anh nói thêm - Má Ba khi ngồi vào bàn hóa trang, đầu tiên là ngó xuống đất, xem đã có giày diễn chưa, nhìn lên coi trang phục, đạo cụ đã đầy đủ chưa rồi mới lấy son phấn ra hóa trang. Nhiều năm làm nghề, tôi cũng noi theo cách làm của má, nhờ vậy mà lúc nào ra diễn, tôi cũng khoan thai, không phải lính quýnh vì chạy kiếm cái này, cái nọ. Tôi cho đó là trách nhiệm với nghề”.
Với Hữu Châu, thành công lớn nhất và cũng khiến anh hài lòng nhất, không phải là những vai diễn để đời mà là trở thành người trụ cột của gia đình mình. “Nhớ hồi đó, từ chỗ là “cậu ấm” sung sướng, đi học có xe hơi đưa đón, tôi rớt xuống cái rầm, ở nhà lá, không có cơm ăn. Vậy mà tôi phấn đấu làm được, giờ đây, không chỉ làm được cho cuộc sống mình thoải mái, còn vực được cho gia đình no ấm”.
huu chau
 Bên mẹ - nghệ sĩ Thanh Lệ. Ảnh Đ.T
Nhà Hữu Châu có sáu chị em, hai chị lớn có gia đình riêng, Hữu Châu là con thứ tư. Tử vi nói anh “đoạt trưởng, đoạt út” nên khi anh trai và em trai mất, Hữu Châu trở thành người đàn ông duy nhất còn lại trong nhà. Anh khoe, nhờ làm “trụ cột” mà rất có kinh nghiệm trong việc tổ chức đám cưới, đám ma và… xây nhà. Không có vợ nhưng anh là “ba Châu” chăm lo cho hết đám cháu trong nhà. Cuộc sống của anh giờ đây cũng khá thơ thới. Từ lâu, đã đi làm bằng xe hơi, có tài xế riêng, hằng tuần đều đặn có lịch diễn ở sân khấu IDECAF, “ rảnh” đi đóng phim, “ở không” đi dạy. Anh cười cho biết, anh đi đóng phim như đi nghỉ mát, cái gì vui thì làm, cái gì thấy nặng nề thì thôi.
Nghệ sĩ Hữu Châu vốn là người không có nhiều tham vọng. Anh sống giản dị và suy nghĩ cũng giản dị. Tự hiểu rằng mình không biết làm gì ngoài nghề “đi hát” nên chỉ có một ước muốn cho quãng đời còn lại phía trước là luôn có sức khỏe để vẫn được đi hát, được đi làm “đều đều” đến… trăm tuổi, không cần giàu sang, có đủ cơm ăn là được. Anh nói anh “nhìn thấy được đời mình” nên không bao giờ khát khao cái gì dữ dội. Chuyện gia tộc là chuyện lịch sử để tự hào, còn phần riêng tư “tôi chỉ mong có đứa cháu nào theo nghề để khi về già không hát được nữa, nghe nó hát mình cũng thấy sướng. Như má tôi bây giờ, lâu lâu lấy đạo cụ hồi xưa ra ngắm, ngày ngày nghe tôi về kể chuyện cũng như được sống trong không khí hát xướng vậy!” Anh nhẹ nhàng sắp xếp phần còn lại của đời mình với một nụ cười rất tự tại...
Theo Cát Vũ/ Người Đô Thị

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NSƯT Hữu Châu: 'Tôi cõng trên lưng những nghiệt ngã của gia tộc'