Đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình năm 1994, sau đó lại đoạt giải nhất Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc (sau này là giải Sao Mai) năm 1997, nhiều người dự đoán Thanh Thúy sẽ là một gương mặt đắt giá của thị trường âm nhạc. Nhưng, không lựa chọn con đường thông thường như bao ca sĩ khác, Thanh Thúy chọn môi trường quân đội (Đoàn nghệ thuật Quân khu 7) để rèn luyện và chọn dòng nhạc cách mạng để định hình mình. Đến nay, NSƯT Thanh Thúy đã là một thiếu tá.

NSƯT Thanh Thúy: Tự hào về “chất lính” không phai

Một Thế Giới | 29/04/2015, 07:15

Đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình năm 1994, sau đó lại đoạt giải nhất Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc (sau này là giải Sao Mai) năm 1997, nhiều người dự đoán Thanh Thúy sẽ là một gương mặt đắt giá của thị trường âm nhạc. Nhưng, không lựa chọn con đường thông thường như bao ca sĩ khác, Thanh Thúy chọn môi trường quân đội (Đoàn nghệ thuật Quân khu 7) để rèn luyện và chọn dòng nhạc cách mạng để định hình mình. Đến nay, NSƯT Thanh Thúy đã là một thiếu tá.

Gắn với dòng nhạc cách mạng, nhất là với hình ảnh chị Võ Thị Sáu (qua bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu và phim Người con gái đất đỏ) nên ít ai biết Thanh Thúy hát nhạc quê hương rất tình, rất ngọt và những vai diễn khác chị hóa thân cũng rất tài tình, ở chị có sự yếu đuối, mềm mại của một người phụ nữ nhưng cũng có sự kiên định, mạnh mẽ của một người lính. Sự mạnh mẽ ấy giúp chị đứng vững trước những bất trắc trong cuộc sống cá nhân, khi cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ. 
Chị đi bên cạnh con trai Đông Phương trong sự hoang mang, khép lòng mình, ngỡ rằng sẽ không dấn thêm lần nào nữa vào chuyện hôn nhân. Nhưng, chị nói, trên đời quả thật có chữ duyên, chị cuối cùng cũng tìm được chốn bình an cho mình. Anh không là người cùng môi trường nghệ thuật nhưng cảm thông và chia sẻ với chị rất nhiều. Giờ thì Đông Phương đã là một cậu thiếu niên, vẫn thường chia sẻ với mẹ mọi điều như hai người bạn...

Tất cả những điều ấy, về một Thanh Thúy nhiều cung bậc trong âm nhạc lẫn trong đời sống đó sẽ được nhìn thấy qua liveshow Dấu ấn sắp tới.

Chị có thanh, có sắc - đủ yếu tố để trở thành một ca sĩ nổi tiếng của thị trường, nhưng chị lại chọn một lối đi khác. Có bao giờ chị thấy tiếc không, vì nếu đi một con đường khác, chị có thể đã nổi tiếng hơn, giàu có hơn?
Cảm ơn vì những nhận xét tốt dành cho tôi và vì câu hỏi rất thực tế này. Câu trả lời là con đường tôi đi được mở ra một cách rất tự nhiên và phù hợp với chính tôi. Đó chính là được sống và cống hiến cho những ước mơ của riêng mình. Khi đã cống hiến thì chắc chắn ở đó sự tính toán thiệt hơn sẽ không là yếu tố hàng đầu. Nếu được lựa chọn từ đầu, tôi nghĩ mình vẫn đi trên con đường ấy.
Theo chị, những ca khúc cách mạng có vai trò quan trọng như thế nào trong thời bình?
Trong khói lửa đạn bom, khi mà lằn ranh giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh, khi mà số người lên đường vì cuộc chiến gần bằng số người không bao giờ trở về... thì những ca khúc cách mạng ra đời đã mang khí thế sục sôi, động viên tinh thần chiến sĩ ngoài mặt trận; tạo ra niềm say mê lao động sản xuất trên những công trường, nhà máy để phục vụ cho cách mạng. 
Những bài tình ca kháng chiến còn mang lại thông điệp hòa bình, ca ngợi tình yêu đầy lãng mạn giữa khói lửa đạn bom, xoa dịu nỗi đau mất mát... Vai trò lớn lao của âm nhạc cách mạng trong thời chiến là thế. Còn trong thời bình, những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng có vai trò nhắc nhớ cho thế hệ hôm nay không bao giờ được quên chiến thắng vẻ vang của các thế hệ cha anh để giành lại độc lập cho dân tộc, sự hy sinh to lớn của biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ, của những người mẹ, người cha đã dâng hiến những đứa con của mình cho Tổ quốc để có độc lập, thanh bình hôm nay. 
Hiểu để thêm trân trọng và tự hào về lịch sử dân tộc, bồi đắp thêm lòng yêu nước của tuổi trẻ. Tôi tin dòng nhạc cách mạng vẫn sẽ được tiếp tục sáng tác với những tác phẩm mới nhằm ca ngợi công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.

Chi từng nói chị rất vui vì cho đến tận bây giờ vẫn không đánh mất chất lính trong mình. Chất lính đó khởi nguồn từ đâu, thưa chị?

 "Chất lính" trong tôi xuất phát từ truyền thống của gia đình. Ba mẹ tôi đều là những người đã chiến đấu ở chiến trường miền Đông. Thời bình, ba tôi cũng là một người chỉ huy trong môi trường quân đội. Mẹ tôi hồi xưa là Thanh niên xung phong. Từ bé tôi đã được nghe kể về những người lính, về khí thế hào hùng và tinh thần bất khuất của họ. 
Những bài hát về người lính tôi cũng nghe từ bé, khi biết hát, tôi cũng hát nhạc cách mạng. Khi tôi tám-chín tuổi, ba đi đâu cũng "xách" tôi theo, tới nơi là để tôi đứng hát, tôi hát rất sõi. Đến mức, các anh chị đùa tôi là cái máy hát của ông (cười). Lớn lên, khi bước chân vào môi trường quân đội, từ những bỡ ngỡ ban đầu, tôi đã được rèn luyện, học tập và trưởng thành. 
Môi trường nghệ thuật trong quân đội đã rèn cho tôi được nghị lực, sự phấn đấu không mệt mỏi, khả năng chịu đựng và vượt qua những thử thách của công việc và trong đời sống. Dù có những lúc áp lực công việc và việc chăm lo cho gia đình làm mình mệt mỏi nhưng chính niềm tin trong cuộc sống đã tạo cho tôi nghị lực để vượt qua. Để giữ cho mình một tính cách, một lối sống riêng thì tôi nghĩ mỗi người cũng cần phải luôn học tập, rèn luyện. Phẩm cách không tự dưng mà có.

Nhiều người nói nếu biết cách, nhạc cách mạng vẫn sẽ tiếp cận được công chúng trẻ. Điều đó có khó không khi giới trẻ hôm nay tiếp cận quá nhiều với cái mới, mà dòng nhạc cách mạng lại mang những câu chuyện xa xôi với họ?

Đúng vậy, giới trẻ dễ tiếp nhận cái mới, vì thế dòng nhạc cách mạng nếu biết cách làm mới nhưng vẫn giữ đúng "chất" thì vẫn tiếp cận được giới trẻ và làm cho họ yêu thích. Nhưng, để làm được điều này không đơn giản, phải hiểu đúng nhạc cách mạng, trân trọng và trau chuốt khi thể hiện. Không thể cứ remix nhạc cách mạng thì gọi là làm mới. Tôi cũng không lo nhạc cách mạng bị mai một vì câu chuyện nó không cùng thời đại của giới trẻ. 
Chúng ta đã được chứng kiến những sản phẩm âm nhạc cách mạng được ra mắt rất thường xuyên từ chương trình sân khấu đến liveshow của các ca sĩ, các album... đã minh chứng cho sức hút của nhạc truyền thống cách mạng. Vấn đề là hát thế nào cho hay, cho đúng tinh thần và thấy nhạc cách mạng vẫn hấp dẫn thôi. Riêng bản thân tôi, tôi nghĩ mình vẫn sẽ tiếp tục làm những gì thấy phù hợp và cần thiết.

Sự phù hợp và cần thiết đó cụ thể là như thế nào, thưa chị?

Mọi người sẽ nhìn rõ cách làm của tôi trong liveshow Dấu ấn sắp tới. Tôi mang lên sân khấu Dấu ấn phần lớn là những bài hát đi cùng năm tháng, những khúc tình ca, những bài dân ca đậm đà và những tác phẩm thể hiện khát vọng vươn cao của tuổi trẻ. Trong đó, các bài hát sẽ được phối lại. Như tôi đã nói, chỉ cần mình mang đến nhạc cách mạng một hơi thở đương đại, ắt sẽ chinh phục được giới trẻ. 
Trong chương trình, gái Sài Gòn đi tải đạn sẽ được phối lại, vẫn thấy được sự hừng hực khí thế của các nữ Thanh niên xung phong nhưng tình hơn, "mềm" hơn. Bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo, tôi sẽ hát theo phong cách acapella, còn ca khúc Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây thì hát theo phong cách acoustic... 
Trên sân khấu, khán giả sẽ thấy chiếc võng đung đưa, sẽ thấy nỗi nhớ bên Đông gửi về bên Tây... Tóm lại, tôi sẽ không làm mất đi chất lính, chất hào hùng của những ca khúc này, nhưng mềm hơn. Lửa vẫn cháy, nhưng trong đó đượm cái tình. Xưa nay tôi vẫn hướng nhạc cách mạng theo hướng đó.

Võ Hà/ Theo Phụ nữ TP.HCM

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NSƯT Thanh Thúy: Tự hào về “chất lính” không phai