NSƯT Trịnh Kim Chi đang là là Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM. Cách đây ít ngày, chị được bầu vào vị trí Phó chủ tịch Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam. Trong cương vị mới này, NSƯT Trịnh Kim Chi chịu trách nhiệm xúc tiến hoạt động của liên đoàn, một vai trò quan trọng chiếm nhiều thời gian.
Gần đây, trong vai trò Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, NSƯT Trịnh Kim Chi đã được sự đồng ý của ban chấp hành hội tán thành việc mở trung tâm đào tạo nghệ thuật cho mọi lứa tuổi. Đây là một hoạt động hứa hẹn nhiều điều thú vị cho những người yêu nghệ thuật diễn xuất. Chị đã chia sẻ đầy hào hứng nhiệm vụ mới mẻ của mình với Một Thế Giới.
PV: Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam thuộc về ngành thể thao, vì sao chị là một nghệ sĩ lại được bầu vào vị trí phó chủ tịch?
- NSƯT Trịnh Kim Chi: Thật sự liên đoàn là một tổ chức xã hội nghề nghiệp chứ không nằm trong ngành thể thao, vì vậy, ngoài Chủ tịch là TS Phạm Quang Long, còn có 9 phó chủ tịch thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc hoạt động dưới hình thức xã hội hóa này sẽ giúp cho bộ môn có điều kiện đầu tư và phát triển hơn trước.
Nhiều năm qua, tại TP.HCM có vài đoàn lân sư rồng lớn có điều kiện tài chính nên hoạt động tốt, nhưng ở các tỉnh thành vẫn còn nhiều đoàn nhỏ hoạt động yếu ớt vì thiếu kinh phí. Họ chỉ hoạt động vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiệm vụ của tôi là cùng các thành viên trong ban lãnh đạo gắn kết tất cả các đoàn lớn nhỏ khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Theo đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ kinh phí, mở các đợt huấn luyện để nâng cao kỹ năng cho các đoàn còn yếu. Kế đến, chúng tôi sẽ tổ chức những cuộc thi quy mô toàn quốc, những cá nhân xuất sắc sẽ được tuyển chọn lại thi đấu quốc tế. Nói chung là hoạt động lân sư rồng Việt Nam sắp tới sẽ được nâng chất và mở rộng quy mô hơn nhiều năm qua.
Kinh phí luôn là vấn đề đau đầu của các hoạt động thể thao và văn hóa, liệu kế hoạch chị vừa đề cập đến có tính khả thi?
- Tôi nghĩ rằng khi có sự đồng lòng của nhiều thành viên cùng hướng tới một mục tiêu thì mọi khó khăn sẽ được giải quyết. Lân sư rồng vốn dĩ được yêu thích vì tính thẩm mỹ và công phu cao. Nhu cầu thưởng thức môn thể thao nghệ thuật này rất lớn từ công chúng nhưng vì lý do khách quan mà nhiều năm qua chưa có hoạt động thống nhất và chuyên nghiệp. Tôi tin rằng nếu liên đoàn làm tốt thì việc kiếm doanh thu để duy trì hoạt động không phải là vấn đề quá nan giải. Hiện tại, các thành viên liên đoàn đang bàn bạc để sắp tới tiến hành liên hoan lân sư rồng toàn quốc. Đây là nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi.
Mới đây, chị có thông báo lò đào tạo diễn xuất của Hội Sân khấu TP.HCM tiến hành chiêu sinh. Xin chị nói rõ hơn về hoạt động này?
- Chức năng của Hội Sân khấu TP.HCM gồm bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ và hỗ trợ kỹ năng diễn xuất. Tuy nhiên, trước đây, vì lực lượng nhân sự mỏng nên Ban chấp hành hội chỉ tập trung vào mảng chăm lo cho nghệ sĩ nghèo, bệnh tật và neo đơn. Khi tham gia Ban chấp hành với vai trò phó chủ tịch, tôi xin ý kiến chủ tịch hội và thành viên ban chấp hành việc triển khai việc thành lập trung tâm đào tạo. Sau khi bàn bạc, Ban chấp hành đồng ý triển khai và giao cho tôi nhiệm vụ quản lý và điều hành, vì tôi đã từng có kinh nghiệm mở lò đào tạo suốt nhiều năm qua tại sân khấu Trịnh Kim Chi.
Trước tiên, chúng tôi tiến hành tu bổ cơ sở vật chất gồm phòng học, sân khấu, sảnh tập hình thể hoàn toàn hiện đại. Chúng tôi tạo điều kiện thoải mái nhất cho các học viên được trải nghiệm. Kinh phí chính từ cá nhân tôi và học phí của các học viên.
Về đối tượng dự thi chia ra làm 2 nhóm tuổi là từ 18 - 30, và từ 30 trở lên. Trong dịp hè này, chúng tôi mở lớp cho các em thiếu nhi học diễn xuất và trình diễn thời trang. Nội dung đào tạo bao gồm nghệ thuật diễn xuất, MC, thanh nhạc, cải lương... với thời gian từ 12 - 14 tháng.
Xin chị cho biết vì sao lại mở lớp cho người từ 30 tuổi trở lên, trong khi độ tuổi này không còn lý tưởng cho một diễn viên mới vào nghề?
- Tôi làm việc thường xuyên với nhiều đạo diễn nên biết một thực tế là hiện nay phần lớn các diễn viên hóa thân vào các vai trung niên đến lão đều là những người tay ngang, không được đào tạo. Điều này gây nhiều khó khăn cho các đạo diễn.
Hiểu được tâm tư đó, tôi mở ra khóa học để giải quyết nhu cầu rất cần thiết của phim ảnh. Ngoài ra, tôi cũng biết rằng có nhiều anh chị rất đam mê nghệ thuật nhưng vì ngày xưa thiếu tự tin, hay hoàn cảnh sống không cho phép họ dấn thân. Vào tuổi trung niên, họ bắt đầu ổn định và có thể thực hiện ước mơ. Tôi muốn mang lại cơ hội cho những người đã từng lỡ bỏ ước mơ của mình.
Hồi đầu năm 2023, chị đã bỏ tiền túi và kêu gọi thêm gia đình nghệ sĩ Lý Hùng, Bá Thắng - Hòa Hiệp, nghệ sĩ Kiều Tiên cùng quỹ của Ban Ái hữu nghệ sĩ cải tạo và tu bổ Nhật Quang Tự (chùa Nghệ sĩ do NSND Phùng Há sáng lập). Vì sao chị lại làm công việc này?
- Nhiệm vụ của tôi trong vai trò phó chủ tịch hội là chăm lo cho nghệ sĩ già, neo đơn. Tôi vẫn làm điều này nhiều năm với tư cách cá nhân, trước khi được bầu vào Ban chấp hành. Khi vào Ban chấp hành thì nhiệm vụ của tôi nhiều hơn. Nhiều năm qua, chùa Nghệ sĩ và nghĩa trang nghệ sĩ trong khuôn viên chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng mà chưa được duy tu.
Trước tình trạng này, tôi mời một số anh em nghệ sĩ thân thiết, mạnh thường quân, cùng chung Ban Ái hữu Hội Sân khấu tu sửa lại một phần nào đó cho chùa và khu nghĩa trang nghệ sĩ. Tuy nhiên, vì thời gian hạn hẹp và kinh phí chỉ đủ tu sửa một phần. Bây giờ, chúng tôi tìm kiếm kinh phí hoàn tất các phần còn lại.
Chúng tôi làm mới sân khấu biểu diễn, nơi thỉnh các đoàn về diễn dịp giỗ Tổ. Khu chánh điện xuống cấp nghiêm trọng đã được chống thấm trần nhà và không gian thờ đã được sơn lại sáng hơn, tường rào đã được gia cố và sơn mới, cây cối được phát quang thông thoáng.
Ngoài ra, chúng tôi xây thêm phần nhà quàn tại một không gian trống trong chùa. Chúng tôi sẽ dùng nơi đây tổ chức tang lễ cho nghệ sĩ nghèo không đủ khả năng. Chúng tôi làm mới nhà vệ sinh, nhà tắm vì đã quá mục nát. Việc tặng quà tết cho nghệ sĩ nghèo, nhân viên hậu đài và người dân nghèo quanh khu vực chùa Nghệ sĩ, Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM sẽ được duy trì thường xuyên.
Cảm ơn chị về buổi trò chuyện và chúc mọi kế hoạch của chị thành công!