Brexit có liên quan gì đến Việt Nam? Có vẻ là một câu hỏi kỳ lạ, nhưng kế hoạch ly hôn của Anh với Liên minh châu Âu có thể sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam không nhỏ.
Những hiệu ứng này có thể được thấy trước ở 3 điểm. Đầu tiên, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại với EU, nhưng Brussels dường như quá bận bịu trong việc phê chuẩn thỏa thuận cho đến khi họ dứt điểm xong Brexit một lần và mãi mãi. Thứ hai, nếu Anh ra khỏi EU, thì một số sản phẩm châu Âu sẽ trở nên đắt đỏhơn. Do đó, người tiêu dùng Anh sẽ tìm kiếm các sản phẩm thay thế rẻ hơn, chẳng hạn như từ Việt Nam. Và thứ ba, Anh đã tìm kiếm các hiệp định thương mại mới để tham gia một khi họ không còn trong là thành viên trong khối EU, và điều đó bao gồm việc Anh tìm cách tham gia một hiệp định lớn mà Việt Nam đãký kết.
Chẳng hạn Anh có thể tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP mà tiền thân là TPP, bao gồm các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và vốn ban đầu có cả sự góp mặt của Mỹ cho đến khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút lui năm 2017. Khi Anh lần đầu tiên đề xuất ý tưởng khi gia nhập TPP vào năm 2018, điều này đã gặp rất nhiều cái nhíu mày vì họ cho rằng Anh không phải là một quốc gia Thái Bình Dương (thực ra Anh cũng dính một chút đến Thái Bình Dương với vùng lãnh thổ là quần đảo Pitcairn Islands chỉ có 50 người sinh sống). Tuy nhiên, ý tưởng này sau đó đã nhận được sự ủng hộ từ Nhật Bản, thành viên có tổng sản phẩm quốc nội lớn nhất CPTPP, cho biết họ sẽ chào đón nước Anh với vòng tay rộng mở. Việt Nam là thành viên CPTPP cũng sẽ hưởng lợi nếu Anh gia nhập Hiệp định.
Vào lúc này, Việt Nam đang muốn giao dịch nhiều hơn với nước Anh, Frederick Burke, đối tác quản lý của Baker & McKenzie, một công ty luật tại TP.HCM, cho biết tại một hội nghị của công ty vào tháng trước. “Đó là một thị trường tốt, đó là một cơ hội tốt (cho Việt Nam)”, ông nói.
Brexit có nghĩa là một số sản phẩm châu Âu sẽ không còn được hưởng ưu đãi khi vào thị trường Anh. Do vậy Việt Nam có thể thâm nhập và cạnh tranh với các sản phẩm đó. Ví dụ, một số doanh nghiệp Anh tại Việt Nam tin rằng giày và quần áo thi đấu quần vợt Việt Nam sẽ cạnh tranh với các sản phẩm của Rumani, Burke nói.
“Anh không có nền kinh tế giống Mỹ nhưng nó cũng rất quan trọng và đang là nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu”, ông nói. “Vì vậy, đây là một cơ hội rất tốt cho Việt Nam”.Nói tóm lại, Brexit xong thì Việt Nam không chỉ có lợi trong việc hoàn tấtEVFTA để rộng cửa vào thị trường EU mà còn có cơ hội tốt để thâm nhập thị trường Anh.
VàBrexit nếu càngtrì hoãn thì càng không có lợi cho Việt Nam. Những nỗ lực để hoàn thiện Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam, hay EVFTA, đã kéo dài trong nhiều năm. Điều tương tự cũng đang xảy ra với Brexit, vốn đã được Anh phê duyệt trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Trong lúc này, Brussels đang tập trung nhiều hơn cho việc giải quyết dứt điểm Brexit nên ảnh hưởng tới quá trình hoàn tất thỏa thuận với Việt Nam.
Gần đây nhất, các nhà phân tích dự kiến việc EU phê chuẩn thỏa thuận với Việt Nam sẽ tiến hành vào tháng 1.2020. Nhưng có tin thỏa thuận Brexit cũng đã được đẩy sang tháng tới. Và nếu Brexit không hoàn tất vào tháng 1, thì có vẻ như cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
“Mọi thứ có thể bị trì hoãn do sự chậm trễ của Brexit, đã được kéo dài đến cuối tháng 1”, ông Alain Cany cựu chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, cho biết và tỏ ý lo ngại việc phê chuẩn EVFTA có thể bị ‘delay’ lại.
Ngày 29.11, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, nước này sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) muộn nhất là vào cuối tháng 1.2020 nếu đảng Bảo thủ đang cầm quyền giành thế đa số trong cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra.
Phát biểu với đài truyền thanh LBC, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh trong trường hợp đảng Bảo thủ giành thế đa số, nước Anh chắc chắn sẽ rời EU muộn nhất là vào ngày 31.1.2020. Ông cũng tái khẳng định rằng, không có lý do gì để London phải gia hạn giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit tới sau thời điểm cuối năm 2020 dù giai đoạn này bị rút ngắn sau hai lần trì hoãn Brexit. Khi được hỏi về lựa chọn ưu tiên ghế thủ tướng hay Brexit, ông Johnson khẳng định ưu tiên đưa Anh rời khỏi EU.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Ngày 1.12.2015 EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1.2.2016 văn bản hiệp định đã được công bố. Ngày 26.6.2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. 8.2018, quá trình rà soát pháp lý đối với EVIPA cũng được hoàn tất.
Hai Hiệp định đã được ký kết vào 30.6.2019. Sau bước ký kết, hai Hiệp định sẽ phải trải qua quá trình phê chuẩn nội bộ ở EU và Việt Nam để có thể chính thức có hiệu lực với hai Bên