Bản thân giới cai trị thời phong kiến cũng ý thức rằng nếu có thiên tai dị thường thì sẽ tự nhận trách nhiệm về mình. Vì theo quan niệm thời xưa, vua là thiên tử, là con trời, tức thay trời trị dân, nên nếu trời giáng tai họa thì cần xem lại trách nhiệm của mình.

Nước có thiên tai, vua chúa xưa thường tự trách mình

16/10/2016, 12:21

Bản thân giới cai trị thời phong kiến cũng ý thức rằng nếu có thiên tai dị thường thì sẽ tự nhận trách nhiệm về mình. Vì theo quan niệm thời xưa, vua là thiên tử, là con trời, tức thay trời trị dân, nên nếu trời giáng tai họa thì cần xem lại trách nhiệm của mình.

Vua Lê Thánh Tông

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước của dân tộc ta, ngoài việc chiến đấu với giặc ngoại xâm thì ông cha ta còn phải chiến đấu với thiên tai. Do là nước có vị trí địa lý gần biển lại có nhiều sông ngòi rừng núi nên việc trị thủy, chống lũ lụt hầu như năm nào cũng xảy ra. Mỗi khi xảy ra thiên tai thì vua chúa ngày xưa thường làm gì?

Sử chép thời thời Lê Trung Hưng, Đinh Tỵ năm thứ 18 (1617), mùa đông có nhiều hiện tượng lạ khiến lòng người hoang mang. Ngày mồng 4 tháng 10, Hữu Thị Lang lại bộ là Nhân Lĩnh hầu Lưu Đình Chất dâng khải lên Bình An vương (tức chúa Trịnh Tùng) rằng:

“Trộm nghĩ trời xuống tai dị hay điềm lành là do ở sự có đức hay không, làm thiện thì hiện ra điềm lành, làm ác thì răn bằng tai dị… Nay chính sự thi hành không bằng năm trước, mệnh lệnh ban bố đều không thể theo ý khoan hồng của người trên, chỉ chăm làm hà khắc tàn ngược, vét hết tài sản của dân.

Những tiếng than sầu khổ cũng đủ cảm động đến trời, mà trời răn bảo bằng điềm quái lạ, người làm chúa trông thấy thế nên phải tự xét. Kính xin sự răn bảo của trời, thương nuôi dân mọn; phàm một tí gì tiện lợi cho dân thì đều làm, một tệ gì có hại cho dân thì đều bỏ.

Lại càng phải thi nhân chính cho dân… Như thế thì người gần đội ơn mà vui lòng, người xa nghe tiếng mà kéo đến. Thế là được lòng dân. Lòng dân vui ở dưới thì đạo trời ứng ở trên, sẽ thấy sao tai dị chuyển làm sao sáng lành, mưa tai dị chuyển làm mưa hòa thuận, các thứ phúc đều đến cả mà vương đạo đại thành vậy”.

Trịnh Tùng có thể là Chúa giỏi bậc nhất thời Trịnh Nguyễn khi một mình bên ngoài chống lại nhà Mạc, bên trong đề phòng vua Lê và thế lực họ Nguyễn. Ấy vậy mà chính sự vẫn còn có lúc chưa yên. Chính vì vậy, Lưu Đình Chất không ngại vạch ra chỗ xấu trong cách cai trị của Trịnh Tùng ngay lúc lòng người hoang mang.

Tuy nhiên, thời xưa thì việc quan lại góp ý với vua chúa cũng phải biết cách chứ không thể huỵch toẹt thì chẳng những không chuẩn tấu mà có khi mất mạng vì khinh quân. Do đó, Lưu Đình Chất phải nói chuyện thiên tai để nhắc nhở vua chúa phải xem lại các chính sách dân sinh.

Bản thân giới cai trị thời phong kiến cũng ý thức rằng nếu có thiên tai dị thường thì sẽ tự nhận trách nhiệm về mình. Theo quan niệm thời xưa, vua là thiên tử, là con trời, tức thay trời trị dân. Nên nếu trời giáng tai họa thì được coi là chính sách của thiên tử không hợp lòng trời.

Thời Lê Sơ, Ất Sửu, Thái Hòa năm thứ 3 (1445), Mùa đông, tháng 10, vì có tai dị, Lê Nhân Tông đã xuống chiếu rằng: “Trẫm là người đứng đầu mà chưa biết việc đời, cho nên liền mấy năm nay tai dị luôn luôn, sấm sét thường phát, mưa dầm quá độ, nước to tràn ngập, đê phòng vỡ lở, nhà cửa của dân đổ nát, sâu bọ sinh nhiều, cắn hại lúa má chốn đồng ruộng, đầm và hồ sụt lấp, dâu và rau ngập khô. Hoặc là vì chính sự có thiếu sót mà hại đến hòa khí của trời đất, ngục tụng không công bằng mà khí vận âm dương biến đổi chăng? Muốn tiêu sự trách phạt của trời cao, phải ban rộng ơn huệ cho kẻ dưới. Các điều bớt thuế giảm tội đều có thứ bậc khác nhau”.

Quan điểm mệnh trời ngày xưa mang nhiều màu sắc duy tâm. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó thì việc vua chúa phải chịu trách nhiệm về thiên tai cũng có tính biện chứng nhất định. Nếu triều đình có chính sách dân sinh tốt thì sẽ đỡ được các thiên tai thảm họa, dân mà được chăm lo đời sống no đủ yên tâm cùng triều đình lo sửa đê điều thì khi có lũ cũng chưa đến nỗi vỡ đê ngay, dù có lụt lội thì dân cũng không bị đói. Ngược lại, chính sách dân sinh không tốt, quan lại lo vơ vét, dân chúng chểnh mảng làm ăn thì khi lũ đến là "tổ kiến hổng, sụt toang đê vỡ ngay".

Ngay cả khi có thiên tai nặng nề đi nữa nhưng nếu người dân hiểu chính sách của triều đình hợp lòng người thì cũng sẽ ít lời oán thán và cũng không tính chuyện làm loạn. Vua Lê Thánh Tông, minh quân bậc nhất sử Đại Việt là người hiểu rõ đạo lý này và ông có chính sách khiến người dân thời sau rất ngưỡng mộ.

Vua Lê Thánh Tông không chỉ lo giữ đê trị thủy mà còn tính trước cả lúc lũ lụt để cứu dân. Chẳng hạn, thời Lê Thánh Tông, sử chép rằng: “Mùa thu tháng 8, ngày mồng 4 (Giáp Thìn 1484), định lệnh đắp bờ ruộng để chứa nước. Có sắc chỉ cho hai ty Thừa Hiến các xứ và các quan phủ huyện châu rằng:

Từ nay trở đi, trong hạt xứ nào có đê vỡ ngập mất lúa mùa, mà thế có thể chứa nước để cấy chiêm, thì hai ty Thừa Hiến truyền cho các quan phủ huyện châu hà đê và khuyến nông, nên vào lúc nước lụt hơi rút, dự làm kế cứu đói cho dân, xem ngắm địa thế, tùy theo tiện nghi, đốc thúc dân làng bồi đắp bờ ruộng, cần chứa lấy nước, làm mùa chiêm, không nên bỏ phứa chức trách của mình, coi thường đau khổ của dân, ngồi nhìn mà không có kế gì, để dân phải đói”.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
23 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước có thiên tai, vua chúa xưa thường tự trách mình