Các kỳ trước
Kỳ 1: Đại Việt đêm trước cơn bão kháng Nguyên Mông lần thứ 2
Kỳ 2: Đất Trung Quốc máu chảy thành sông, Đại Việt tọa sơn quan hổ đấu
Kỳ 3: Vua Trần dùng kế hoãn binh, nhà Nguyên không dám manh động
Kỳ 4: Ngoại giao ăn miếng trả miếng sòng phẳng giữa vua Trần Thánh Tông và Hốt Tất Liệt
Kỳ 5: Trần Hưng Đạo cạo đầu lừa sứ giả phương Bắc
Kỳ 6: Ngại Đại Việt, Nguyên Mông xua quân đánh Chiêm Thành
Kỳ 7: Đại Việt khẳng khái từ chối yêu sách phương Bắc, bảo vệ đồng minh
Kỳ 9: Nhà Nguyên huy động nhiều quân Hán khai chiến với Đại Việt
Kỳ 10: Vì sao nhà Trần phải hỏi ý kiến nhân dân trước khi đánh Nguyên?
Kỳ 11: Giặc Nguyên đổ quân như nước lũ, Hưng Đạo vương chia tướng giữ thành
Kỳ 12: 30 vạn quân Đại Việt quyết chiến 50 vạn quân Nguyên tại Vạn Kiếp
Kỳ 13: Tướng Nguyên nướng quân dưới chân thành Thăng Long
Kỳ 14: Quân Nguyên Mông tung đòn gió, Trần Nhật Duật phá thế gọng kìm
Kỳ 15: Tướng nhà Trần không thèm ăn cơm của giặc phương Bắc
Quân Nguyên từ lúc tiến vào nước ta, hầu như toàn thắng trong các trận giao chiến lớn. Tuy nhiên, chúng đã dần sa vào một cái bẫy lớn mà quân dân Đại Việt bày ra. Quân Nguyên càng chiếm rộng ra thì càng vấp phải sự mâu thuẫn giữa việc phân tán và tập trung. Một mặt, chúng phải dồn quân đủ mạnh để tiếp tục chiến đấu những trận lớn tại một số điểm nhất định với quân đội chủ lực nhà Trần.
Mặt khác, quân Nguyên phải rải quân để đồn trú những nơi chúng đã chiếm đóng được đề phòng các cánh quân tác chiến độc lập của ta đánh úp cắt đứt các tuyến liên lạc, hậu cần của chúng. Các điểm quan trọng như Lạng Giang, Vạn Kiếp, Thăng Long, Thiên Mạc… quân Nguyên đều phải chia quân đóng giữ. Mỗi cụm quân ước chừng đều có từ vài ngàn đến vài vạn quân trở lên. Bên ngoài các điểm đóng quân lớn, còn cần phải có một hệ thống đồn trại dọc các tuyến đường để kiểm soát việc liên lạc. Riêng đoạn đường hậu cần từ biên giới kéo dài đến Thăng Long là huyết quản của đoàn quân xâm lược, chúng đã phải rải một lực lượng lớn trên toàn tuyến đường.
Sở dĩ quân Nguyên phải bỏ công sức vào việc đồn trú, kiểm soát các vùng mà chúng đã chiếm được là vì quân Đại Việt đã phá được kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của chúng. Thấm thoát cuộc chiến đã kéo dài ngót 1 tháng mà hy vọng bắt được đầu não Đại Việt, dứt điểm nhanh cuộc chiến của Thoát Hoan gần như tiêu tan. Hưng Đạo vương đã thành công trong việc buộc chúng phải chuyển sang một cuộc chiến tiêu hao dài ngày mà ngày nay chúng ta đã quen với cụm từ Trường kỳ kháng chiến.
Để nuôi hy vọng chiến thắng trong một cuộc chiến dài ngày, điều tiên quyết đối với quân Nguyên là phải đảm bảo được hậu cần. Một đội quân chỉ có thể tiếp tục chiến đấu khi có đủ cái ăn, thuốc thang, khí giới. Mặc dù trong quãng thời gian cuối tháng 2/1285, quân Nguyên chưa thực sự bị thiếu lương thực, nhưng số quân lương mà quân giặc mang theo đang cạn dần. Trước tình hình đó, Thoát Hoan sai Vạn hộ Lý Bang Hiến, Lưu Thế Anh phụ trách mở đường hậu cần kéo dài từ trại Vĩnh Bình đến tận đại doanh quân Nguyên bấy giờ ở Thăng Long.
10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất
Cứ mỗi 30 dặm quân Nguyên đặt một trại, mỗi 60 dặm đặt một trạm ngựa. Mỗi trại, mỗi trạm lại phải đặt 300 quân chốt giữ. 50 vạn quân Nguyên vì việc chia quân đóng giữ mà buộc phải dàn mỏng quân số ra khắp lãnh thổ Đại Việt. Chúng trở nên mất đi ưu thế số đông ban đầu khi cần giao chiến tại một điểm nhất định trên chiến trường.
Dẫu rằng đã rất cố gắng kiểm soát các vùng chiếm đóng, quân Nguyên vẫn không giải quyết triệt để được việc chống lại sự kháng cự của nhân dân làng xã và các cách quân tác chiến độc lập của Đại Việt. Về lâu dài, quân Nguyên không thể chỉ trông cậy vào nguồn hậu cần vận chuyển từ nước của chúng sang vì đoạn đường khá xa và qua nhiều núi non hiểm trở, buộc lòng chúng phải tỏa ra cướp phá lương thực ở các làng mạc để nuôi quân. Những lần xâm lược các nước khác, quân Nguyên Mông rất giỏi việc lấy lương thực nước đối địch để nuôi quân. Nhưng lần này, quân dân Đại Việt đã có chuẩn bị trước theo quân lệnh của triều đình.
Tại các làng xã, nhân dân đã chủ động cất giấu lương thực và dựng lũy chiến đấu. Trái với việc hành quân đánh thành, việc vơ vét lương thực trong dân đòi hỏi quân giặc phải chia quân thành các nhóm nhỏ. Quân Nguyên đi đến đâu là cướp phá và giết chóc, nhưng chúngcàng dùng bạo lực thì nhân dân các làng càng kiên cường chống trả. Làng Cổ Sở, nơi mà quân Nguyên đã phải trả giá đắt khi tiến vào cướp phá ở cuộc chiến năm 1285, nay lại là một chiến lũy bất khả xâm phạm. Trên toàn Đại Việt có biết bao ngôi làng như thế. Điều đó khiến quân Nguyên mất đi một nguồn hậu cần lớn mà chúng vẫn thường sử dụng trong các cuộc xâm lược, lại phải hao tốn nhân mạng vào những vụ cướp bóc.
Cùng chiến đấu với những cư dân làng xã, còn có quân của các vương hầu, các tù trưởng. Bấy giờ tại vùng Lạng Sơn, có tù trưởng Nguyễn Thế Lộc, người dân tộc Tày là người tài trí, dũng cảm. Nguyễn Thế Lộc được triều đình phong chức Quản quân, chỉ huy một đạo quân bao gồm người dân tộc thiểu số và cả quân của triều đình. Đội quân của Nguyễn Thế Lộc hay đặt mai phục ở những tuyến đường mà giặc đi qua, quấy rối tiêu hao lực lượng của chúng. Quân của Hà Đặc thì hoạt động ở vùng tây bắc, kéo xuống đến tận vùng Phù Ninh, Tam Đái là những vùng giáp Thăng Long ở phía tây bắc.
Hà Đặc cầm quân thoắt ẩn thoắt hiện, khiến cho quân Nguyên rất vất vả lần theo hình tích mà đối phó. Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cầm một đạo gia binh hơn 1.000 quân, với lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá Cường Địch, Báo Hoàng Ân” đi tìm giặc mà đánh. Đội quân của Trần Quốc Toản có các chiến thuyền, hoạt động ở vùng sông Hồng, phía nam Thăng Long.Vị tướng trẻ bấy giờ chỉ mới tròn 18 tuổi, liên tiếp lập được những chiến công, vang danh trong quân là một hổ tướng. Hình tượng người anh hùng trẻ tuổi đã trở thành huyền thoại trong tâm thức người Việt bao đời nay.
10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất
Một cuộc chiến đấu lớn của dân tộc là tập hợp từ những cuộc chiến đấu nhỏ, từ mọi tầng lớp nhân dân. Bấy giờ, thế giặc vẫn còn rất mạnh, nhưng quân dân ta càng đánh càng mạnh hơn. Đầu tháng 3/1285, quân Đại Việt chia làm hai khối lớn, bắt đầu có những hoạt động để kiểm soát lại những vùng đã bị chiếm đóng. Khối quân thứ nhất do vua Trần Nhân Tông, Thượng hoàng Trần Thánh Tông trực tiếp chỉ huy trấn giữ vùng Thiên Trường, Trường Yên, chuẩn bị đánh quân của Thoát Hoan từ phía nam lên.
Khối quân thứ hai do Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy, dẫn hơn 1.000 chiến thuyền ngược sông Thái Bình tập kích tái chiếm Vạn Kiếp. Dù rằng Thoát Hoan có quân đồn trú tại Vạn Kiếp nhưng hắn còn phải rải quân ở nhiều nơi khác nữa. Vậy nên, quân Nguyên tại Vạn Kiếp vẫn ít hơn quân của Hưng Đạo vương rất nhiều. Vì không kiểm soát được các ngã sông lớn dày đặc ở miền đông đồng bằng sông Hồng, quân Nguyên đã không thể biết rõ được cuộc hành quân của Hưng Đạo vương, dẫn đến việc không thể điều quân tiếp viện cho Vạn Kiếp. Hưng Đạo vương nhanh chóng tiêu diệt quân Nguyên đồn trú, chiếm lại Vạn Kiếp một cách dễ dàng. Từ căn cứ Vạn Kiếp, đại quân phối hợp với các đội quân vùng biên giới đông bắc uy hiếp đường vận lương của địch. Nguyễn Thế Lộc thừa thế đánh chiếm trại Vĩnh Bình, khiến cho tuyến hậu cần của quân Nguyên đứng trước nguy cơ bị cắt đứt hoàn toàn.
Thoát Hoan vẫn còn lực lượng rất đông và mạnh trong tay, nhưng việc để mất Vạn Kiếp đã làm bộ chỉ huy quân Nguyên bối rối. Quân Nguyên bấy giờ đã rơi vào thế gọng kìm mà Hưng Đạo vương tạo ra. A Lý Hải Nha soạn thư báo cáo về với Hốt Tất Liệt, xin thêm quân tiếp viện. Trong thư nói: “Ở hai xứ Thiên Trường và Trường Yên mà Trần Nhật Huyên trốn đến, binh lực lại tập hợp. Hưng Đạo vương tụ tập hơn một nghìn chiếc thuyền ở Vạn Kiếp, Nguyễn Lộc ở Vĩnh Bình, còn quan quân thì đi xa, đánh lâu ở lơ lửng quãng giữa, Toa Đô và Đường Ngột Đải thì đến không đúng kỳ hạn”. Một vấn đề lớn đặt ra đối với đội quân xâm lược là chúng phải lựa chọn một hướng tiến công.
Nếu quân Nguyên lựa chọn hướng về phía nam đánh với khối quân của vua Trần thì sau lưng chúng lại bị khối quân của Hưng Đạo vương uy hiếp và đứng trước nguy cơ bị cắt đứt hoàn toàn hậu cần, khiến chúng trở thành mấy chục vạn tên đói khát. Nếu chúng hướng về phía bắc để tấn công Hưng Đạo vương ở Vạn Kiếp thì lại sợ quân của vua Trần từ phía nam đánh lên. Đặc biệt là với lợi thế về sức cơ động của tàu thuyền, quân Đại Việt nắm quyền chủ động đánh hoặc rút. Thoát Hoan chỉ còn cách chia quân phòng giữ, chờ cho quân Đại Việt tấn công trước và chờ quân của Toa Đô từ phía nam tiến ra để phối hợp.
Bấy giờ mặt trận miền đồng bằng sông Hồng và phía bắc chống quân của Thoát Hoan diễn ra có phần khá thuận lợi. Nhưng ở phía nam vẫn còn một gọng kìm mạnh do Toa Đô cầm đầu đang tiến ra bắc. Cuộc chiến vẫn còn rất nhiều cam go, thử thách ở phía trước.
(còn tiếp)
Quốc Huy
10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất