Tây Nguyên đang vào cuối mùa khô. Nhưng theo dự báo, năm nay mùa khô có thể kéo dài tới cuối tháng 5. Khi nào bướm bay rợp trời, lao lia lịa vào kính xe trên đường thì báo hiệu mùa mưa Tây Nguyên sắp về. Năm 1994 - 1995 và cả năm 2005 nữa, Tây Nguyên từng đại hạn, nhưng có lẽ năm nay hạn nặng nhất.
Góc bình luận

Nước, hạn hán và cà phê ở Tây Nguyên: Tìm lối ra cho sự phát triển lâu dài của cây chủ lực

Nguyễn Văn Lạng 23/04/2024 12:01

Tây Nguyên đang vào cuối mùa khô. Nhưng theo dự báo, năm nay mùa khô có thể kéo dài tới cuối tháng 5. Khi nào bướm bay rợp trời, lao lia lịa vào kính xe trên đường thì báo hiệu mùa mưa Tây Nguyên sắp về. Năm 1994 - 1995 và cả năm 2005 nữa, Tây Nguyên từng đại hạn, nhưng có lẽ năm nay hạn nặng nhất.

Hiện trạng và dự báo không sáng sủa

Người làm nông nghiệp, nhất là cả phê, ở khu vực Tây Nguyên chịu nhiều khó khăn nhất. Vì loại cây trồng này phải tưới mỗi mùa khô 2 - 4 đợt trong tháng. Kỳ tưới từ tháng 1 tới tháng 4 hằng năm. Sau mỗi kỳ thu hoạch, việc tưới, bón phân cho cà phê ra hoa kết trái, thì chất lượng, sản lượng vụ cà phê được quyết định bởi mùa này - mùa tưới.

Người dân đã dùng mọi biện pháp để có nước, tiết kiệm nước… tưới cho cà phê. Năm nay giá cà phê cao nhất trong lịch sử hơn 40 năm qua. Có ngày giá cà phê lên tới 120 ngàn đồng/kg. Nhưng giá cao mấy cũng đành bỏ, bởi người trồng cà phê đã bán hết khi giá trên dưới 70 ngàn rồi. Bao năm giá chỉ trên dưới 45 ngàn thôi. Nhiều công ty gặp khó khi thực hiện các hợp đồng cung cấp cà phê nhân: không có hàng giao, giá mua vào cao quá lỗ là cái chắc, và nợ ngân hàng sẽ thành nợ khó.

tay-nguyen.jpg
tay-nguyen-2.jpg
Tây Nguyên mùa khô hạn 2024, ruộng rẫy nứt nẻ, cây cối chết khô - Ảnh: CTV

Các hồ đập đã tới đáy. Thậm chí nhiều nơi khô nứt nẻ… Mực nước ngầm đã tụt quá sâu. Có nơi khoan cả 100 mét mới có nước. Tầng nước ngầm bị chọc thủng khắp Tây Nguyên. Cà phê - cây chủ đạo bị chết khô, nếu không cũng bị quăn lá, vàng lá khiến quả cà phê gầy yếu tong teo. Báo hiệu niên vụ mất mùa lớn đang đến gần và thành hiện thực. Người trồng sẽ gặp khó khăn. Và lại xảy ra tình trạng chặt bỏ cà phê để trồng sầu riêng, bơ, chanh leo, mắc ca… Cái vòng luẩn quẩn.

Hàng trăm hàng ngàn tỉ đồng vay ngân hàng làm cà phê thành nợ xấu. Của cải tích cóp bao năm đem thế chấp ngân hàng làm cà phê lại đội nón ra đi. Thương lắm! Khổ lắm nông dân Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng,Gia Lai, Kon Tum… Thương lắm người trồng cà phê Tây Nguyên, những người từng góp phần quan trọng đem về biết bao nhiêu ngoại tệ và danh hiệu hãnh diện về cho đất nước.

Do đâu, tại sao, và hàng loạt điều cần giải quyết

Nguyên nhân thì nhiều và hầu như ai cũng biết. Biến đổi khí hậu, mà tại COP26, COP28… gì đó, các nguyên thủ quốc gia toàn cầu họp mãi, thông báo mãi, kêu gọi, cam kết mãi để bàn cách ngăn chặn, giảm thiệt hại. Vẫn vô vọng!

Rừng Tây Nguyên mất quá nhiều và gần như trở về cực tiểu. Độ che phủ rừng suy giảm, bị mất nghiêm trọng. Mùa khô Tây Nguyên từ tháng 10 tới tháng 5 năm sau. Mùa này nắng nhiều, ánh mặt trời trực xạ lớn, nắng gắt, lại gió nhiều, gió tốc độ lớn thường trên 6 mét/giây nên nước bốc hơi mạnh. Đất khô nên thoát ngấm nước rất mạnh… càng làm cho mùa khô Tây Nguyên khốc liệt hơn mọi nơi.

Cà phê trồng hầu hết không có cây che bóng chắn gió. El Nino cứ diễn ra với tần suất nhiều, nhanh hơn… Tưới cà phê vẫn chủ yếu là bơm nước dẫn ống xả thẳng vào gốc cà phê mỗi gốc cả 100 - 200 lít nước/lần tưới (cà phê vối được trồng mật độ 1.000 cây/ha). Rất phổ biến tình trạng lãng phí nước và xói mòn rửa trôi đất, ô nhiễm môi trường đất cả bề mặt và tầng sâu nước ngầm. Rẫy cà phê nào cũng đào, cũng khoan giếng để tưới. Suối, sông lớn bị ngăn làm thủy điện… tước đoạt nguồn nước của người làm nông nghiệp ở Tây Nguyên. Còn bao loại cây trồng khác cần dùng lượng nước tưới khổng lồ chứ phải chỉ cây cà phê.

Có thể nói Tây Nguyên đang đứng trước bao thách thức. Trước hết là thiếu nước trầm trọng. Nhưng sẽ xảy ra nghịch lý là mùa mưa năm nay có thể khốc liệt. La Nina và lũ ống lũ quét… Đã đến lúc các nhà hoạch định, thực thi chính sách cần ngồi lại nghiên cứu đưa ra các chính sách quyết định, chiến lược cho phát triển nông nghiệp Tây Nguyên. Nhất là với cây cà phê.

Phải tìm lối ra trước mắt và lâu dài

Nên chăng kiên quyết giảm diện tích cà phê. Điều chỉnh năng suất và sản lượng để tạo cân bằng cung-cầu thế giới cho cà phê robusta? Cần xem lại khuyến cáo để tìm ra các công nghệ tưới tiết kiệm nước, tưới hiệu quả. Phải có các chế tài bắt buộc về cây che bóng chắn gió cho các hộ trồng cà phê; khuyến cáo tuyên truyền các biện pháp truyền thống về giữ ẩm, giữ nước, tủ gốc hay phân bón giữ nước… cho các vườn cà phê. Cần đánh giá lại nguồn nước mặt và nước ngầm cả về khối lượng và chất lượng để có quyết sách điều chỉnh hợp lý. Nhất thiết phải giữ được và trồng thêm rừng phòng hộ, rừng kinh tế và đặc dụng, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn Tây Nguyên lên cao nhất cả nước (theo cá nhân tôi thì phải từ 50 - 60% diện tích tự nhiên).

Cần xây dựng chiến lược tầm quốc gia, quốc tế cho ngành cà phê Việt Nam, xem như giải pháp lâu dài không chỉ của một ngành, một loại cây trồng mà còn là cho vấn đề tài nguyên nước, cho khu vực Tây Nguyên. Cây cà phê được đặt ra mục tiêu đem về 5 tỉ USD/năm, có thể đưa lên 8 - 10 tỉ đô, tại sao không? Việt Nam đã là cường quốc số 2 thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê, cường quốc số 1 thế giới về cà phê vối Robusta, thì dư địa đầu tư cà phê vẫn còn quá lớn.

Cần nâng giá trị cà phê bằng quản trị chất lượng theo các tiêu chuẩn cà phê đặc sản, cà phê sạch, cà phê hữu cơ với các sản phẩm cà phê bột pha phin pha máy, cà phê hòa tan 2.1, 3.1, cà phê viên, cà phê sấy lạnh, cà phê hướng trái cây, hương tự nhiên yêu thích… Lưu ý việc quản lý khai thác chỉ dẫn thương hiệu cà phê, các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ cây cà phê, than hoạt tính từ gỗ cà phê; trà hoa cà phê, rượu vang từ vỏ quả cà phê chín tươi sạch, kẹo cà phê, rượu cà phê… Nhiều lắm giá trị từ cây cà phê mà chúng ta chưa khai thác hết, chưa khai thác hiệu quả.

Cuộc vận động tiêu thụ cà phê trong nước với thị trường 100 triệu dân lớn lắm. Hãy làm tốt các lễ hội cà phê, ngày cà phê Việt Nam ở Buôn Ma Thuột, Đà Lạt; hỗ trợ thiết thực và có hiệu quả để Đắk Lắk xây dựng Buôn Ma Thuột thành Thủ phủ cà phê thế giới. Phải tạo được sự liên kết chặt chẽ trách nhiệm, lợi ích hài hòa giữa nông dân trồng cà phê với các công ty thương mại, các nhà máy chế biến cà phê… Hợp tác quốc tế đầu tư vào R&D cà phê như dự án VKIST...

Còn nhiều ý tưởng nữa của bao người cả đời gắn bó với cây cà phê Việt Nam vùng Tây Nguyên, Tây Bắc.

Tây Nguyên đang chuẩn bị đón mưa vào đầu tháng 6, và tích trữ nước. Cảm ơn các bạn từ Tây Nguyên gửi tin, ảnh cho tôi mấy ngày qua để sự bày tỏ của chúng tôi có thêm những dẫn chứng sinh động, thuyết phục.

TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ

Bài liên quan
Hạn hán khô khát khốc liệt ở miền Tây Nam Bộ
Kênh rạch khô nứt nẻ; đường sá sạt lở sụt lún khiến giao thông ách tắc; hàng vạn người dân thiếu nước sạch sinh hoạt… là những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hạn hán khô khát khốc liệt ở miền Tây Nam Bộ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Kênh rạch khô nứt nẻ; đường sá sạt lở sụt lún khiến giao thông ách tắc; hàng vạn người dân thiếu nước sạch sinh hoạt… là những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước, hạn hán và cà phê ở Tây Nguyên: Tìm lối ra cho sự phát triển lâu dài của cây chủ lực