45.000 đồng tiền mấy ổ bánh mì có xứng đáng với những ngày tù và tương lai mờ mịt, 45.000 đồng có là gì so với các đại án trăm tỉ, nghìn tỉ đang diễn ra.

Nước mắt mẹ khóc cho con ăn cướp bánh mì

21/07/2016, 14:42

45.000 đồng tiền mấy ổ bánh mì có xứng đáng với những ngày tù và tương lai mờ mịt, 45.000 đồng có là gì so với các đại án trăm tỉ, nghìn tỉ đang diễn ra.

Hai bị cáo Tuấn và Tân chờ tòa nghị án. Bị cáo Tuấn khóc trong thời gian tòa nghị án - Ảnh: PLO

Jean Valjean là một thanh niên nghèo khỏe mạnh sống cùng người em gái đã góa chồng đang nuôi bảy đứa con nhỏ sống rất cơ cực. Anh không có vợ con, chỉ chuyên tâm đi làm thuê qua ngày để nuôi các cháu. Vì khỏe mạnh nên những ngày ban đầu cuộc sống vẫn đủ ăn, nhưng càng về sau công việc càng ít đi, tiền làm thuê không đủ, các cháu anh đã phải nhịn đói mấy ngày.

Trước hoàn cảnh đó, Jean Valjean đã đến tiệm bánh mì ăn cắp một miếng bánh mì nhỏ đem về cho các cháu ăn nhưng không thành công và anh bị bắt. Người ta đã tuyên án anh 5 năm tù giam vì tội ăn cắp. Ở trong tù anh tìm cách trốn thoát nhiều lần nhưng đều thất bại, lại bị gia hạn thêm năm tù nên tổng cộng số năm anh ở trong tù là 19 năm.

Sau 19 năm ngồi tù với số tù 24601 vì ăn cắp một mẩu bánh mì cho con của người chị gái, người nông dân Jean Valjean được thả. Tuy nhiên anh phải mang theo giấy thông hành vàng, dấu hiệu cho thấy người mang nó từng phạm tội, vì vậy Jean bị chủ quán trọ từ chối và buộc phải ngủ ngoài đường. May cho anh là Giám mục Myriel, một người nổi tiếng hay làm từ thiện đã cho Jean Valjean một chỗ nương náu. Khi mọi người đã ngủ, Jean lại ăn cắp mấy thứ đồ bạc của Giám mục và chạy trốn. Anh bị bắt lại sau đó nhưng lại được ông Myriel cứu thoát khi nói với cảnh sát rằng đó là đồ ông tặng cho Valjean. Khi chia tay, vị Giám mục già nói với Jean Valjean rằng anh nhất định phải trở thành một người lương thiện và làm nhiều việc tốt cho mọi người.

Thiếu vị giám mục vĩ đại, rất có thể Jean Valjean sẽ thành kẻ táng tận lương tâm, một khi xã hội không ai chìa cho anh dù một mẩu bánh mì, mà chỉ có gông xiềng...

Tôi sợ một xã hội với những Jean Valjean không được tình thương cải hóa như thế...

Đó không phải là cuộc đời, đó là tiểu thuyết “Những kẻ khốn cùng” của Victor Hugo.

Lê Văn Đó cũng vì đói nghèo mà ăn cắp một nồi cám heo và bị bắt đi tù. Sau khi ra tù, Lê Văn Ðó gặp nhà sư và được nhà sư cảm hóa. Nhờ tánh siêng năng và may mắn, Lê Văn Ðó trở thành điền chủ giàu có, nhưng lo giúp đỡ những người nghèo.

Nếu không có bàn tay Phật của nhà sư từ tâm đưa ra thì Lê Văn Đó đã trở thành một kẻ khốn nạn theo đúng nghĩa đen của nó vì nghèo khổ và quá khứ tù tội.

Đó cũng không phải là cuộc đời mà đó là tiểu thuyết “Ngọn cỏ gió đùa” của nhà văn Hồ Biểu Chánh.

Trong nhà trường người ta dạy chúng tôi 2 tác phẩm đó nhằm lên án chế độ thực dân, phong kiến thối nát, đày đọa những người lao động đến tận cùng của sự khốn nạn. Thầy còn nói: Ngoài đời làm gì có chuyện đó, làm gì có ăn cắp bánh mì, ăn trộm cháo heo mà bị tù bao giờ…

Nhưng hôm nay, tôi nghe câu chuyện có thật cũng về chuyện ăn cắp bánh mì.

Ngày 20.7, TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn (ngụ huyện Củ Chi) 10 tháng tù, Ôn Thành Tân (cùng 18 tuổi) 8 tháng 20 ngày tù - bằng thời gian tạm giam - về tội “Cướp giật tài sản”.

Khuya 17.10.2015 Tuấn gặp Tân, cùng chơi Internet tới sáng hôm sau thì rủ nhau đến nhà hàng ở quận Thủ Đức kiếm việc làm.

Trên đường đi cả hai đói bụng, không có tiền nên bàn cách vờ mua đồ ăn rồi bỏ chạy. Khoảng 12h, cả hai đến tiệm tạp hóa trên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức). Tuấn hỏi mua một bịch chuối sấy, ổ bánh mì ngọt và 3 bịch me. Khi chủ quán bỏ tất cả vào túi nilon thì cậu ta giật phăng, tăng ga bỏ chạy.

Nghe chủ quán tri hô, hai người đàn ông gần đó đuổi theo bắt Tân và Tuấn giao công an. Số hàng bị cướp giật có giá 45.000 đồng.

VKSND quận Thủ Đức sau đó truy tố Tân và Tuấn ở khung hình phạt 3-10 năm tù với tình tiết "dùng thủ đoạn nguy hiểm" cướp giật tài sản. Thời điểm phạm tội cả hai chưa thành niên.

Hai tháng trước, TAND quận Thủ Đức trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, tội danh và khung hình phạt vẫn được giữ nguyên đối với 2 thiếu niên.

Tại tòa hôm 20.7, các bị cáo cho rằng vì quá đói nên mới thực hiện hành vi, không biết là phạm tội. Tuấn và Tân xin giảm nhẹ hình phạt để được tiếp tục đi học.

Ừ thì luật, thì vận dụng nhân thân xấu, tiền án tiền sự… ừ thì tình tiết tăng nặng, ừ thì pháp luật căn cứ vào tính chất nguy hiểm của hành vi chứ không gì giá trị vật chất...

Ừ sao mấy ông không vận dụng tinh thần nghiêm minh đó để xử quý ngài Vinaconex (được tha vì phạm tội lần đầu), đại gia mua dâm trẻ chưa thành niên ở Cà Mau (án treo vì được bằng khen của chủ tịch - VKS kháng nghị nên bắt lại)… hay cho án treo vì có bà con với lãnh đạo trong ngành.

Tham dự phiên tòa có cha, mẹ của bị cáo Ôn Thành Tân là ông Ôn Văn Thành và bà Phạm Ngọc Thúy. Riêng bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn chỉ có thân nhân là bà Nguyễn Thị Ngọc Phương tới tham dự. Dẫn giải vào phòng xét xử, bị cáo Tuấn nghiêng mình xung quanh để tìm người phụ nữ khắc khổ mặc áo khoác màu xanh ngồi ở hàng ghế đầu.

Mẹ Tuấn lập tức quay đi, nhìn thẳng lên vành móng ngựa và mím chặt môi. Sau đó, thỉnh thoảng bị cáo lại lén quay đầu nhìn mẹ. Ở hàng ghế bên dưới, bà Phương cũng chăm chăm nhìn về phía con. Đã có những khoảnh khắc hai ánh mắt nhìn nhau nhưng không ai nói với ai lời nào, thay vào đó là những giọt nước mắt.

Bà càng đau đớn hơn và đã thực sự khóc thành tiếng khi con trai trả lời hội đồng xét xử rằng: “Chưa có người thân nào đến thăm bị cáo trong thời gian bị tạm giam”.

Bà Phương nói: “Thật ra không phải tôi không đến thăm con, mà tôi đã đi đến 6 lần nhưng không gặp được. Lần đầu tiên, công an phường gọi tôi lên để báo Tuấn bị bắt. Khi trở về tôi bị tai nạn xe, cả tháng sau mới khỏi. Lần thứ hai tôi lên chỗ cũ thăm con thì công an bảo đã chuyển Tuấn sang nhà tạm giam Thủ Đức. Tôi qua nhà tạm giam Thủ Đức thì họ bảo đã chuyển Tuấn về trại giam Chí Hòa”, bà Phương kể lại hành trình tìm thăm con.

Theo hướng dẫn, bà Phương đã tìm tới trại giam Chí Hòa nhưng vẫn không gặp được con trai vì chưa có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định. Lúc này, trại giam cũng chưa thể nhận bánh kẹo mà bà Phương mang theo gửi cho Tuấn.

Thời gian sau đó, bà Phương vẫn tiếp tục lặn lội tìm thăm Tuấn nhưng đi không đúng ngày theo quy định, có lần lại đi trúng vào dịp bầu cử.

“Sau 6 lần tới thăm Tuấn, tôi đã nghỉ việc nhiều. Nếu tôi xin nghỉ nữa thì xem như mất việc. Cũng vì vụ này mà hai vợ chồng tôi lục đục và đã ly dị. Bây giờ tôi ra ở trọ một mình rồi”.

Tuấn từ đằng ghế trên lập tức quay đầu lại hỏi mẹ với đôi mắt đỏ hoe: “Giờ mẹ ra ở trọ riêng rồi à?”. “Ừ, mai mốt con ra tù thì về ở với mẹ, đồ đạc của con mẹ có mang theo đầy đủ rồi. Mẹ sẽ cho con đi học nghề để mà lo tương lai nữa”.

Bà Phương cho biết, một phần nguyên nhân khiến Tuấn có hành vi vi phạm pháp luật là thiếu tình thương của cha mẹ. Vụ việc này là một bài học không chỉ cho riêng bà mà còn là bài học cho những bậc cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc con cái hơn.

Đói khổ cùng quẫn vẫn nghe đâu đây trên quê hương tôi như một điệp khúc não lòng của điệu buồn dân ca… Người mẹ tên Nguyễn Thị Mỹ Nhân tự tử để lấy tiền tang ma cho con ăn học. Trong lá thư tuyệt mệnh, ngoài dặn dò chồng con, bà Mỹ Nhân không quên viết: “Xin các cấp chính quyền thấu hiểu cho hoàn cảnh không lối thoát của chúng tôi hiện nay mà cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi để sống những ngày tháng còn lại”. Được biết, trước đó, gia đình bà Mỹ Nhân cũng đã đến chính quyền địa phương xin xét cấp sổ hộ nghèo nhưng không được vì thu nhập bình quân trên 410.000 đồng/nhân khẩu. Hay chuyện em bé đói quá lạc tay lái xe đạp té xuống sông chết… Đau lòng quá!

45.000 đồng tiền mấy ổ bánh mì có xứng đáng với những ngày tù và tương lai mờ mịt, 45.000 đồng có là gì so với các đại án trăm tỉ, nghìn tỉ đang diễn ra.

Tôi vẫn còn nghe đâu đây bước chân run rẩy của hai cậu thanh niên vào chỗ bán bánh mì vì quá đói… và nghe tiếng lòng mình sợ hãi!

Quê hương ơi, giàu lên đi chứ!

Và cần lắm những bàn tay nồng ấm đưa ra như vị giám mục vĩ đại trong “Những kẻ khốn cùng”, như nhà sư từ tâm trong “Ngọn cỏ gió đùa”.

Hoàng Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước mắt mẹ khóc cho con ăn cướp bánh mì