Trước tình hình nước sông Hồng dâng cao, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết.
Sự kiện

Nước sông Hồng dâng cao, TP.Hà Nội yêu cầu sẵn sàng sơ tán người dân

Lam Thanh 10/09/2024 09:50

Trước tình hình nước sông Hồng dâng cao, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết.

Đêm 9.9 và sáng 10.9, nước sông Hồng dâng nhanh, vượt mức báo động 1, ngập nhiều khu vực ven sông, một số vùng trũng thấp ven bờ thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã bị ngập úng.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều vị trí trên con phố Chương Dương Độ, An Dương, Phúc Xá… đã ngập sâu, mực nước liên tục dâng lên. Một số hộ dân đã chuyển gia súc, đồ đạc ngay trong đêm.

sh-2.jpg
Khu vực An Dương, Tây Hồ nước dâng lên nhanh - Ảnh: Lam Thanh

Anh Lê Văn Sơn, một người dân tại An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, đã rất nhiều năm mực nước sông Hồng chưa dâng cao đến vậy. “Nghe thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo lũ trên sông Hồng, chúng tôi đã chủ động đưa vật nuôi, hàng hóa đến nơi cao ráo hơn để tránh lũ”, anh nói.

Trước tình hình nước sông Hồng dâng cao, gây nguy cơ ngập lụt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã sẵn sàng sơ tán người dân sống tại khu vực bãi giữa sông Hồng trên địa bàn các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên...

sh-1.jpg
Người dân di tản vật nuôi ngay trong đêm - Ảnh: Lam Thanh

8 giờ 30 sáng 10.9, Hà Nội bắt đầu hạn chế phương tiện giao thông di chuyển qua cầu Chương Dương do nước sông Hồng lên cao, chảy xiết.

Theo đó, Hà Nội cấm các xe ô tô hợp đồng, xe khách, xe du lịch trên 9 chỗ ngồi và xe có tải trọng trên 0,5 tấn di chuyển qua cầu Chương Dương. Các xe này chỉ có thể đi qua các cầu Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Thăng Long.

Đêm 9.9, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.

Công điện nêu rõ: Hiện nay mực nước sông Hồng (sông Thao) tại Lào Cai, Yên Bái đang vượt trên báo động 3. Trên lưu vực sông Đà, lưu lượng nước đến hồ Hòa Bình đang tăng nhanh, hồ đang mở 2 cửa xả đáy và sẽ tiếp tục mở thêm.

Mực nước các sông trên địa bàn TP.Hà Nội hiện đang ở mức cao; sông Hồng tại trạm thủy văn Long Biên: 7,81m (dưới báo động 1 là 1,69m, dự báo sẽ lên báo động 1 vào đêm ngày 10.9).

Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến người dân ở tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là các vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ rừng ngang bằng nhiều hình thức để thông báo, cảnh báo người dân; tăng cường tuyên truyền tại các trường học, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền đến từng tổ chức, hộ gia đình.

Tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP khi có sự cố, tình huống bất thường; duy trì liên lạc thường xuyên với các địa phương, đơn vị để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời.

sh-3.jpg
Nhiều người dân lo lắng khi mực nước dâng cao - Ảnh: Lam Thanh

Công điện cũng yêu cầu chủ tịch các huyện, xã kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở; sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu cầu chủ đầu tư các công trình đang thi công trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông…; chủ động thu hoạch hoa màu ở những vùng bãi thấp, trũng có nguy cơ bị ngập lũ.

Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ…

Bài liên quan
Di tích, danh thắng ở Hà Nội sẵn sàng đón khách trở lại sau bão số 3
Các khu di tích, danh thắng ở Hà Nội đã được tổng vệ sinh môi trường và sẵn sàng tiếp tục đón khách trở lại sau bão số 3.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến về khắc phục hậu quả bão số 3
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tính đến sáng 15.9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập úng do hoàn lưu sau bão đã làm 348 người chết và mất tích, trong đó 281 người chết và 67 người mất tích.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước sông Hồng dâng cao, TP.Hà Nội yêu cầu sẵn sàng sơ tán người dân