Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hàm lượng paracetamol của nước tại vùng vịnh Jakarta ở mức rất cao, làm dấy lên lo ngại về tác động đến con người và sinh vật biển.
Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Nghiên cứu - Sáng tạo quốc gia Indonesia (BRIN) và đại học Brighton (Anh) lấy mẫu nước ở 4 địa điểm quanh vịnh Jakarta từ năm 2017 đến 2018. Họ ghi nhận hàm lượng paracetamol trong mẫu lấy ở Angke và Ancol lần lượt là 610 nanogram/lít và 420 nanogram/lít.
Angke là khu vực tập trung đông dân cư trên địa bàn thành phố Jakarta, điều kiện vệ sinh kém. Còn Ancol nằm ở phía bắc thủ đô, có sông Ciliwung đi qua. Nhóm nghiên cứu cho biết hàm lượng paracetamol đo được ở vài địa điểm thuộc Brazil hay Bồ Đào Nha chỉ ở mức 34,6 nanogram/lít và 51,2 nanogram/lít.
Theo giáo sư Zainal Arifin – thành viên nhóm nghiên cứu, động vật có vỏ cứng khi tiếp xúc thời gian dài với paracetamol bất kể hàm lượng cao hay thấp đều có nguy cơ suy giảm sinh sản.
Đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra sự hiện diện của paracetamol trong nước biển vùng duyên hải Indonesia. Dù không đi sâu tìm hiểu nguồn gốc paracetamol, nhưng nhóm nghiên cứu tin rằng chúng có thể đến từ công ty dược phẩm, hộ gia đình, thậm chí từ rác thải bệnh viện. Họ cũng lưu ý Indonesia chưa quản lý chất thải hiệu quả, cần cải thiện.
Tác động đến con người và sinh vật biển
Paracetamol được sử dụng rất phổ biến khi mọi người cảm thấy nhức đầu, sốt hoặc đau nhức. Chúng giúp giảm đau nhanh chóng, lại dễ mua ở bất cứ tiệm thuốc nào.
Giáo sư Etty Riani thuộc đại học Nông nghiệp IPB cho biết paracetamol khá an toàn vì chúng được hấp thu nhanh như thực phẩm, 90 - 100% lượng thuốc sau đó lại thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Tuy nhiên dùng liều cao có thể gây tử vong.
Bà tin hàm lượng 600 nanogram/lít sẽ không gây chết hệ sinh thái thủy sinh, nhưng vi sinh vật - vốn đóng vai trò phân hủy các chất, tái tạo dinh dưỡng - phải hứng chịu tác động thứ cấp.
Tubagus Soleh Ahmadi - người điều hành tổ chức bảo vệ môi trường phi chính phủ Walhi Jakarta - cảnh báo ngoài tác động sinh thái, sinh kế của con người cũng bị đe dọa: “Cộng đồng duyên hải và ngư dân sẽ gánh chịu hậu quả. Họ vốn phụ thuộc rất nhiều vào sự bền vững của vịnh Jakarta”.
Theo ông Ahmadi, với hàm lượng paracetamol cao, ngư dân có thể khó bắt được cá hơn qua đó làm tăng gánh nặng lên chi phí sản xuất.
Nhà hoạt động Arifsyah Nasution thuộc tổ chức Greenpeace (Indonesia) cho rằng paracetamol đến từ chất thải công nghiệp không xử lý – đặc biệt là chất thải của công ty dược. Chất thải bệnh viện, chất thải sinh hoạt cũng là nguồn đáng nghi. Ông đánh giá kết quả nghiên cứu không chỉ làm lộ ra yếu kém trong quản lý đô thị mà còn cho thấy khả năng lưu thông nước tại vịnh Jakarta bị nhiều dự án cải tạo gây cản trở.
Irvan Pulungan - quan chức phụ trách vấn đề biến đổi khí hậu của chính quyền Jakarta - cho biết sau khi BRIN công bố kết quả nghiên cứu, giới chức địa phương đã lấy mẫu nước đem đi kiểm nghiệm. Kết quả sẽ được công bố trong vài tuần nữa.
Song song với tiến hành điều tra, chính quyền Jakarta cũng tìm cách cải thiện công tác quản lý nước thải đồng thời thắt chặt quản lý chất thải y tế (đặc biệt là thuốc hết hạn sử dụng).