Nếu ở Tân Thủy, người bị bệnh tâm thần, trẻ bị chất độc da cam, người đau ốm gần chết, người nghèo khó cũng bị ép nộp tiền nông thôn mới thì ở làng Thống Nhất (xã Mỹ Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) hoàn toàn không có câu chuyện đó.
Ông Nguyễn Quang Huy, một cư dân làng nói: “Chị Lan cho bàn hết mọi thứ, bàn xong hỏi ai có ý kiến khác, ai có ý kiến chi thêm để bổ sung rồi chị thống nhất ý kiến với dân làng”. Và nguyên tắc của chị là, làng nghèo nhưng đoàn kết, đoàn kết thì khó khăn vượt qua. Cách của chị không ép dân nộp bổ đầu từng khẩu mà làm theo ý người dân, nộp đều từng hộ. Mỗi hộ nộp 1,5 triệu đồng để làm đường.
“Những hộ neo đơn, nghèo khó, người già hết tuổi lao động ở một mình thì tui phân tích cùng dân làng, rồi miễn nộp”-chị Lan cho biết. Theo nữ trưởng thôn này, việc miễn cho những hộ dân như thế này cũng là cách để làm cho làng xóm thương yêu nhau thêm, cũng xúc tác để mọi người mạnh thêm, không hề yếu kém chút nào.
Tìm hiểu mới biết, những hộ được miễn cũng khá nhiều, bởi làng thì khó khăn. Nhưng hộ khá, hoặc có hộ giàu thì ngoài góp tiền họ còn ủng hộ thêm. Chẳng những ủng hộ thêm mà khi thôn làm đường họ còn góp thêm sức để cùng làm lối đi cho bản quán thân thuộc.
Cách làm từ lòng dân
Làng của chị Lan tham gia phong trào nông thôn mới cũng từ lòng dân. Nhưng khó khăn, chị xin xã đường xóm, đường làng khi làm bê tông cho dân thi công để bớt đi công thuê mướn nhà thầu, thuê mướn thiết kế, thuê mướn giám sát, thuê mướn máy móc. Vậy là các tuyến đường làng chị đều do dân thi công. Bước đầu chị đi hỏi kinh nghiệm làng khác. Thiết kế định hình cứ theo cách làm các thôn.
Về mở rộng đường, chị kể: “Nhà tui hiến một ít đất, xóm làng hiến một ít đất, ai cũng hiến một ít đất để mở đường. Hiến là phải đồng đều, động viên bà con, ai cũng vui mừng làm. Nhưng phải công bằng, không công bằng là có người hỏi ngay, khó giải thích nên đường mở rộng ra thì phải cả hai bên chứ không thể một bên được”.
Người dân cho biết, do làng thi công nên các khoản tư vấn giám sát, thiết kế...được tiết kiệm là rất lớn. Công do người dân tự làm từ giải phóng mặt bằng đến các khâu cuối cùng của con đường. Người làng có một cái khó là tiền không có sẵn để nộp một lúc. Vậy là chị Lan lại ra các tiệm đại lý cát sạn, xi măng, sắt thép của xã ký nợ cùng bà con. Mỗi hộ nộp từ từ vài tháng, ứng trước vật liệu về làm, khi đường xong, dân trong làng tự nguyện đến góp tiền, đủ hòm hòm, chị lại đi trả dần từng đại lý. Chả ai phiền hà gì.
Ngày làng ra làm đường, một không khí phẩn khởi phủ khắp thôn Thống Nhất. Già như mệ Nguyễn Thị Hách, neo đơn, 90 tuổi vẫn ra động viên. Tuy già, mệ vẫn minh mẫn nói chuyện: “Oa chà, con Lan hắn miễn cho mệ thì mệ ra nấu nước, làm bánh cho người làng làm đường ăn uống giữa buổi. Mệ tra (già) ri đây nhưng còn nấu được, còn đi được thì tham gia với xóm làng cách ni”.
Còn Võ Sỹ Hùng, 33 tuổi, mồ côi từ nhỏ. Hộ nghèo, mất một chân, phải dùng chân giả, sống bằng thu nhập từ cắt tóc cho người làng. Nghèo quá, làng góp lại dựng cho Hùng cái quán nhỏ ven lộ. Chị Lan cùng thôn miễn cho Hùng không đóng góp. Ngày đường được làm, Hùng cũng xung phong ra đầm bê tông. Hùng nói: “Em được o Lan thương mà miễn, miễn thì mình cũng có chi đó với làng. Em không trộn vửa, trộn hồ được thì đầm, đầm cho chắc để đường đi cho tốt”.
Thế nên, làng Thống Nhất của nữ trưởng thôn này không hề có chuyện cãi vả hay mất cắp, xóm trên ngõ dưới thuận hòa. Làng tuy còn bao khó khăn phía trước như thiếu đất sản xuất nhưng tình cảm của làng ai cũng vun vén cho thôn xóm của mình, ai cũng tin làng họ sẽ vượt qua tất cả.
Chia tay nữ trưởng thôn này, chị Lan thông báo, mỗi năm làng cũng có 2-3 cháu đỗ đại học. Đó là nguồn lực tinh thần của làng. Năm nào cũng phát học bổng trích từ củ khoai củ sắn.
Bài, ảnh: Quốc Nam