Theo công ty giao dịch tài chính Visa, Olympic 2024 thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và giúp kinh tế của nước chủ nhà tăng trưởng.
Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đồng euro - đang trông cậy vào Olympic để củng cố tăng trưởng. Kinh tế Pháp ước tính tăng trưởng thêm 0,3% nhờ doanh số bán vé, bản quyền truyền hình cùng du lịch.
Trong báo cáo mới công bố của Visa, ở tuần đầu sự kiện thể thao diễn ra, doanh số bán hàng cho khách sở hữu thẻ Visa của các đơn vị kinh doanh quy mô nhỏ trên địa bàn Paris tăng 26% so với năm trước. Chủ thẻ là người Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi tiêu liên quan đến Olympic của khách nước ngoài, chi tiêu của họ cao hơn một năm trước 29%.
Theo Visa, Olympic cũng làm tăng đáng kể chi tiêu lúc được tổ chức ở Nhật Bản (năm 2020) và Brazil (năm 2016).
Đặt mục tiêu tổ chức một kỳ Olympic tinh gọn và thân thiện với môi trường, Pháp hạn chế xây địa điểm thi đấu mới mà nâng cấp loạt địa điểm hiện có. Tuy nhiên, nước chủ nhà đã đầu tư một trung tâm thể thao dưới nước hiện đại, đồng thời chi khoảng 1,4 tỉ euro làm sạch sông Seine.
Viện Thống kê - Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) xác định Olympic 2024 thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn do gia tăng khách du lịch, kéo theo việc tăng nhu cầu đi lại, ăn uống và lưu trú. Tác động dài hạn vẫn chưa rõ ràng, nhưng Đại học Limoges từng ước tính cho đến 10 năm sau (năm 2034) thì Olympic vẫn giúp Pháp thu về 6,7 - 11,1 tỉ euro.
Theo trang Greek Reporter, từ những năm 1970 chi phí tổ chức Olympic không ngừng tăng. Nước đăng cai phải chi rất nhiều tiền để giành quyền tổ chức, rồi xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ cho Olympic.
Tuy nhiên, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) khẳng định, sự kiện thể thao này đem lại lợi ích kinh tế mạnh mẽ. Cụ thể là thúc đẩy du lịch, tạo việc làm, tăng đầu tư cho hạ tầng.