Đài CNN dẫn nguồn tin quan chức tiết lộ chính quyền Tổng thống Joe Biden đã dỡ bỏ lệnh cấm đưa nhà thầu quân sự Mỹ sang Ukraine giúp bảo dưỡng và sửa chữa vũ khí viện trợ, đặc biệt là chiến đấu cơ F-16 và hệ thống phòng không Patriot.
Chính sách mới được phê duyệt vào đầu tháng 11, cho phép Lầu Năm Góc ký hợp đồng làm việc tại Ukraine với các công ty quốc phòng. Giới chức Mỹ hy vọng làm vậy giúp đẩy nhanh công tác bảo dưỡng và sửa chữa vũ khí mà quân đội Ukraine đang sử dụng.
“Lầu Năm Góc đang mời thầu vài đơn vị. Nhà thầu sẽ ở xa tiền tuyến và không chiến đấu với lực lượng Nga. Họ phụ trách giúp lực lượng Ukraine nhanh chóng sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị do Mỹ cung cấp lúc cần thiết, để chúng nhanh chóng được sử dụng ở tiền tuyến”, theo nguồn tin. Vị quan chức này nói thêm rằng sở dĩ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm là vì việc bảo dưỡng một số vũ khí viện trợ như F-16 hay Patriot đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao.
Động thái trên đánh dấu thay đổi đáng kể trong chính sách của chính quyền Tổng thống Biden đối với Ukraine. Lầu Năm Góc dự kiến sớm công bố danh sách nhà thầu.
Hơn 2 năm qua, Tổng thống Biden cố gắng đảm bảo công dân Mỹ không gặp nguy hiểm vì chiến sự ở Ukraine đồng thời tránh đưa lực lượng Mỹ sang làm leo thang căng thẳng với Nga. Chính sách cũ khiến vũ khí viện trợ bị hư hỏng trong chiến đấu phải được vận chuyển sang Ba Lan, Romania hoặc quốc gia NATO khác thì mới có thể tiến hành sửa chữa. Phía Mỹ lâu nay thông qua gọi video hỗ trợ Ukraine bảo dưỡng, nhưng làm vậy vẫn có nhiều hạn chế.
Việc cho nhà thầu quân sự sang Ukraine chắc chắc đẩy nhanh tốc độ bảo dưỡng và sửa chữa, đặc biệt đảm bảo có thể bảo dưỡng F-16 - loại vũ khí cần bảo dưỡng thường xuyên. Nguồn tin tiết lộ nhà thầu tham gia kế hoạch phải xây dựng phương án giảm thiểu rủi ro cho đội ngũ nhân viên đi thực hiện nhiệm vụ.
Chính sách mới được ban hành khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ lên nắm quyền. Không rõ ông có giữ lại chính sách này hay không.