Sáng nay, 2.3, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và phái đoàn tháp tùng rời Hà Nội, kết thúc chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội trong hai ngày 27-28.2.2019 và thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 1-2.3.2019.
Đoàn xe của ông Kim Jong-un di chuyển lên ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và trở về nước bằng tàu hỏa, theo TTXVN. Trước khi rời Thủ đô, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 1.3, ông Kim Jong-un đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Ông cũng đã tiến hành các cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Trước khi thực hiện chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ông Kim Jong-un đã dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội. Sau các cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày27 và 28.2, hai bên Mỹ - Triều vẫn không đưa ra được thỏa thuận chung. Tổng thống Mỹ đã rời Hà Nội ngay chiều 28.2.
Trong cuộc họp báo khuya 28.2, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết hai bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Ông Ri Yong-ho khẳng định: "Trong hai ngày họp Thượng đỉnh, nhà lãnh đạo của CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề với sự kiên trì, tin tưởng lẫn nhau trên cơ sở kết quả đạt được tại cuộc gặp lần thứ nhất ở Singapore".
Ngoại trưởng Triều Tiên nói thêm: "Trong suốt cuộc gặp Thượng đỉnh này, chúng tôi đã nhấn mạnh ý định của mình về một cam kết dừng dài hạn các cuộc thử hạt nhân và thử nghiệm tên lửa tầm xa để giúp Mỹ hạ thấp các quan ngại. Nếu hai bên có thể hợp tác trong suốt quá trình xây dựng lòng tin này, nó sẽ giúp thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa ở tốc độ nhanh hơn".
Ngoại trưởng Ri Yong-ho nhấn mạnh: "Tuy nhiên, trong suốt cuộc họp, Mỹ luôn nhất quyết rằng chúng tôi phải thực hiện bước đi đầu tiên là phá hủy tổ hợp Yongbyon để xây dựng lòng tin. Điều đó rõ ràng cho thấy Mỹ chưa sẵn sàng chấp nhận đề xuất của chúng tôi.
Rất khó khăn khi phải nói rằng thỏa thuận đã đổ vỡ. Rất khó để hai nước lại có được một cơ hội rõ ràng như vậy. Đây có thể coi là bước đầu tiên tất yếu để hoàn tất quá trình phi hạt nhân hóa. Đề xuất của chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi kể cả trong trường hợp phía Mỹ đề xuất đàm phán lần tới".
A.T