Bắt đầu "chơi" tem thư từ năm 18 tuổi, giờ đây trong tay người đàn ông gần 80 tuổi này là bộ sưu tập tem cực kỳ hoành tráng, từ những con tem đầu tiên của Nhật Bản cho đến những bộ sưu tập tem theo chủ đề quý giá.
Đến với thú sưu tập tem từ năm 1956
Năm 18 tuổi, ông Đỗ Thành Kim (SN 1938) bắt đầu có thú sưu tập tem. Khởi đầu của đam mê này nảy sinh khi ông chứng kiến bạn bè nhận thư từ nước ngoài gửi về hay gửi đi nhờ "những con tem nho nhỏ có hoa văn, hình ảnh đẹp mắt".
Đến với ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thông (quận 3, TP.HCM), không mấy ai nghĩ ông Kim lại có trong tay hàng chục ngàn con tem quý giá của trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ bởi ông Kim có lối sống giản dị, không giống những nhà sưu tập tem đạo mạo thường thấy. Thế nhưng ông Kim lại sở hữu những con tem trị giá vài ngàn USD hay những bộ sưu tập lên đến vài chục ngàn USD.
Ông Kim kể từng bán 4 con tem "Đại Long’" cho một người đến từ Hắc Long Giang (Trung Quốc) với giá 1.300 USD vào năm 1995. Bản thân ông bán không phải để kiếm lợi, mà là do xuất phát từ cái tâm của người mua. Để duy trì thú sưu tập tem, ông Kim cũng phải cân nhắc việc giữ lại hay bán đi những con tem của mình. Thế nhưng, có những con tem "ra đi" không phải vì tiền mà bởi người mua có thành ý và am hiểu về con tem đó.
Tem và bì thư năm Bính Thân ông Kim được người quen tặng. |
Trong mấy mươi năm qua, để có được những con tem quý, ông Kim đã lặn lội đi tìm từ những cửa hàng nhỏ đến các bưu điện lớn hay những người có cùng thú chơi. Những con tem Việt Nam tương đối dễ tìm mua. Cái khó của ông Kim chính là mua được những con tem khắp năm châu, loại cùng chủ đề mà mình đang thiếu. Những năm còn trẻ, ông Kim là một người bán thuốc tây với thu nhập tương đối khá. Tuy nhiên, việc chi tiêu trong gia đình đều một tay vợ ông lo lắng, bản thân ông gần như "đốt" sạch tiền vào việc mua tem. Ông Kim cho biết, để có được những con tem quý đã khó, để bảo quản nó tại Việt Nam, đất nước có độ ẩm trên 80% lại càng là một thử thách khó khăn hơn.
Bộ sưu tập tem "độc nhất vô nhị" tại Việt Nam
Vượt qua những khó khăn nói trên, niềm vui của ông Kim đến từ việc được gia đình ủng hộ, bạn bè, những người chơi tem tôn trọng. Nhà sưu tập tem này đã có cho mình hàng trăm kỷ niệm chương, bằng khen, giải thưởng các loại, nhưng điều quan trọng nhất với ông Kim chính là có được những con tem quý, thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Những con tem thư năm Bính Thân đã xuất hiện trong bộ sưu tập của ông Kim. |
Con tem tất niên cổ nhất mà ông Kim sở hữu chính là năm Canh Dần (1950) của Nhật Bản. Trong những năm gần đây, những bộ tem tất niên của ông Kim ngày càng phong phú hơn. Ví dụ như bộ sưu tập tem tất niên Giáp Ngọ (2014) và Ất Mùi (2015) cực kỳ đa dạng với số con tem lên đến vài trăm từ hơn 100 quốc gia phát hành.
Về bộ sưu tập tem Bính Thân (2016), ông Kim cho biết: “Hiện tôi đã sở hữu tem tất niên (có người gọi là tân niên) con khỉ của gần 20 nước khác nhau. Trong thời gian tới chắc chắn con số này sẽ tiếp tục tăng lên đáng kể. Năm nay có khoảng trên dưới 100 quốc gia, vùng lãnh thổ phát hành tem con khỉ. Có rất nhiều tem về năm Bính Thân đang được các nhà sưu tập tem, bạn bè, người quen gửi từ các nước trên khắp thế giới về cho tôi”.
Để có được những con tem tất niên nói trên ông Kim đã phải bỏ tiền ra nhờ bạn bè mua dùm từ nước ngoài gửi về. Bản thân ông cũng là thành viên của Hội sưu tập tem thế giới, nơi trao đổi kinh nghiệm, mua bán và tặng tem thư của các nhà sưu tập trên toàn thế giới. Ông Kim đã gửi đi những con tem về năm Bính Thân của Việt Nam cho các nhà sưu tập nước ngoài. Đổi lại, những nhà sưu tập này sẽ gửi lại những con tem năm Thân của nước họ cho ông.
Trong bao năm sưu tập tem, điều khiến ông buồn nhất không phải là thiếu đi con tem quý nào hay lỡ bán đi bộ sưu tập nào, hư hao ra sao. Điều ông buồn nhất chính là con cái trong gia đình hiện đã định cư bên Mỹ và không có thú chơi tem như ông. Chính vì thế mà trong thời gian gần đây ông đã bán đi một số bộ sưu tập quý giá của mình (có bộ lên đến hơn 5.000 USD). Ông Kim chia sẻ, điều ông lo lắng chính là tuổi ngày càng cao, sợ mai này mất đi bộ sưu tập tem của ông sẽ không được các con giữ gìn hoặc bán đi với giá rẻ.
Với kinh nghiệm và niềm đam mê của một người có gần 60 năm sưu tập tem, ông Kim cho biết: “Bản thân mỗi con tem thể hiện được rất nhiều câu chuyện trong đó. Nó nói lên những thăng trầm, biến cố, sự phát triển về văn hóa, kinh tế của một đất nước. Chơi tem là một thú chơi mang tính truyền thống. Giờ đây tem thư không còn được nhiều người dùng trong việc liên lạc bởi sự phát triển của số hóa. Tuy nhiên, tem thư vẫn là nét văn hóa của một dân tộc và đáng được giữ gìn”.
Hồ Đông